Thị trường chứng khoán mới nổi 'lọt tầm ngắm' các quỹ đầu tư năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chứng khoán tại các thị trường mới nổi, đặc biệt tại Hàn Quốc, có thể là xu hướng đầu tư tâm điểm năm 2021, theo quan điểm của Rainer Michael Preiss, chiến lược gia tại Golden Equator Wealth (Singapore).
Thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ được nâng hạng trong vài năm tới
Thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ được nâng hạng trong vài năm tới

Từ trước đến nay, việc đầu tư vào các thị trường mới nổi (emerging market – EM) luôn được cho là rủi ro cao và nhiều biến động hơn các thị trường phát triển như Tây Âu, Australia, Canada và Mỹ.

Vào giữa những năm 1990, các thị trường mới nổi vẫn thường được coi là “góc tối của nền kinh tế toàn cầu”.

Tuy nhiên, ngày nay một số EM đã có được nền tảng kinh tế vững chắc và được quản trị ngày càng tốt hơn. Chính các thị trường này là động lực tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Hàn Quốc là một ví dụ điển hình. Dịch bệnh COVID-19 tàn phá nhiều nền kinh tế trên toàn thế giới nhưng chẳng mấy ảnh hưởng tới nền kinh tế nước này.

Nửa thế kỷ trước, Hàn Quốc là một trong những quốc gia nghèo nhất hành tinh, và không ai nghĩ rằng quốc gia này sẽ tạo ra một phép màu kinh tế. Năm 1960, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Hàn Quốc là 158 USD, còn thấp hơn cả Ghana. Năm 2021, dự đoán GDP bình quân đầu người ở nước này theo sức mua tương đương (PPP) là 44.530 USD.

Theo dữ liệu của Bloomberg, Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng trưởng 30% tính từ đầu năm đến nay, và là thị trường chứng khoán hoạt động tốt nhất thế giới. Hàn Quốc cũng thường chiếm từ 8 đến 9% các quỹ đầu tư đa dạng hóa vào thị trường mới nổi. Đồng đô la Mỹ giảm giá trị đang thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào các thị trường mới nổi và các nhà phân tích cổ phiếu trong nước ở Seoul đang nâng cao mức dự đoán lợi nhuận cho các công ty niêm yết trên Korea KrX trong năm 2021, vì nền kinh tế dự kiến ​​sẽ trở lại xu hướng tăng trưởng. Theo IMF, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có thể là một tác động có lợi cho nền kinh tế Hàn Quốc và các công ty nước này.

Công ty nghiên cứu MSCI vẫn xếp Hàn Quốc là thị trường “mới nổi” trong khi nước này hiện dẫn đầu thế giới về điện tử và công nghệ - nơi đại dịch được kiểm soát tốt hơn hầu hết các nền kinh tế phát triển ở phương Tây. Ngày nay, việc dán nhãn “thị trường mới nổi” có thể gây trở ngại hơn là truyền cảm hứng đầu tư khôn ngoan.

Quan niệm về thị trường mới nổi đã thay đổi?

Theo tạp chí quản lý danh mục đầu tư (The Journal of Portfolio Management), từ trước tới nay, các nhà quản lý quỹ và nhà đầu tư (khi đưa ra quyết định phân bổ danh mục đầu tư) thường coi chứng khoán thị trường mới nổi là một loại tài sản riêng biệt. Gần đây, sự phát triển kinh tế, luật pháp, kế toán và tài chính làm xói mòn những khác biệt gốc rễ trong thị trường tài chính giữa các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế phát triển.

Đối với việc phân bổ vốn cho thị trường mới nổi, Giám đốc điều hành của Golden Equator Wealth, ông Gary Tiernan, cho biết: “Điều quan trọng là phải có chọn lọc. Kinh nghiệm cho chúng ta biết rằng cần phải nắm rõ chi tiết các thị trường khác nhau - dữ liệu vĩ mô, tỉ giá hối đoái, chính trị, dòng chảy thương mại, dòng vốn đầu tư, v.v. Nếu không rất khó để hoàn vốn”.

Chứng khoán thị trường mới nổi hoạt động hiệu quả lâu dài ngày càng được nhiều ngân hàng đầu tư nghiên cứu và trở thành khuyến nghị giao dịch hay phân bổ đầu tư hàng đầu tại phố Wall năm 2021. Tuy nhiên, cả khách hàng cá nhân và nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm cần nhớ lại câu ngạn ngữ cũ của thị trường “đồng thuận không nhất thiết là sai”.

Khi đại dịch đi đến hồi kết và vắc-xin hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu, nhiều ngân hàng vẫn dự tính mức phục hồi trung bình và đang hướng tới sự phục hồi toàn cầu nhanh hơn vào giữa năm 2021, dự kiến ​​sẽ thân thiện với các tài sản rủi ro do chứng khoán các thị trường mới nổi dẫn đầu.

"Các thị trường mới nổi ngày nay được mô tả rõ nhất bằng hai từ: Trẻ và Tăng trưởng”; theo Mark Mobius - nhà đầu tư EM kỳ cựu có biệt danh "cha đẻ của các thị trường mới nổi".

Theo vị chuyên gia này, dân số các nước thị trường mới nổi có độ tuổi trung bình 20-30 trong khi các nước phát triển ở độ tuổi trung bình là 40-50. Do đó, tốc độ tăng trưởng của các thị trường mới nổi nhanh hơn. Các yếu tố đầu vào phụ trợ như công nghệ đang tạo thêm động lực cho tăng trưởng ở các nước thị trường mới nổi.

Thuật ngữ 'thị trường mới nổi' (EM) được nhà kinh tế học người Hà Lan Antoine van Agtmael, tại International Finance Corporation đặt ra vào năm 1981. Đó là một cụm từ mang tính tiếp thị hấp dẫn, thay thế cho tên gọi thông dụng khi đó là "thế giới thứ ba" (không phải là "thế giới thứ nhất" của các nền kinh tế phát triển hay "thế giới thứ hai" của khối Liên Xô). Cụm từ cũng khiến các nước trong nhóm từ bỏ quan niệm rằng họ là những nền kinh tế kém phát triển, không có cơ hội đầu tư. Thay vào đó, các nước này có thể được giới thiệu với nhiều hứa hẹn cho tương lai.

Trong các thập kỷ qua, các thị trường mới nổi phát triển nhanh chóng đến mức nhiều nhà đầu tư không nhận ra. Ngày nay, các nền kinh tế mới nổi tự hào vì sản sinh nhiều công ty tiên tiến là những người dẫn đầu ngành công nghiệp toàn cầu. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia với kinh nghiệm quý giá từ những giai đoạn khủng hoảng trước đã giúp họ vượt qua đại dịch COVID-19 hiện nay. Hàn Quốc là một trong những ví dụ điển hình của cả hai xu hướng này.

Thực tế mới ở các thị trường mới nổi được đặc trưng bởi khả năng phục hồi thể chế mạnh mẽ, cải thiện đa dạng hóa kinh tế và sự xuất hiện của các công ty hàng đầu thế giới. Trong nhiều trường hợp, các công ty này đang đi trước các đồng môn tại thị trường phát triển thông qua các mô hình kinh doanh mới, thường được tạo điều kiện thuận lợi bởi cơ sở hạ tầng và sở hữu trí tuệ vượt trội.

Hàn Quốc là minh chứng cho các yếu tố nói trên, và cũng là một ví dụ điển hình về cách xử lý đại dịch COVID-19. Nền kinh tế lớn thứ tư của châu Á bước vào cuộc khủng hoảng COVID-19 với thâm hụt tài khóa không đáng kể là 0,3% vào năm 2019, mức thấp nhỏ so với hầu hết các thị trường phương Tây phát triển.

Các cổ phiếu của Hàn Quốc được phân loại vào nhóm thuộc thị trường mới nổi và phải chịu định giá thấp, gọi là “Korea Discount”. Hai lý do chính dẫn đến hiện tượng “Korea Discount” là mối quan hệ căng thẳng Triều Tiên - Hàn Quốc và việc quản trị công ty.

Hệ số giá trên lợi nhuận của cổ phiếu Hàn Quốc luôn duy trì ở mức thấp. Hàn Quốc được cho là quốc gia có những rủi ro đầu tư dài hạn nhất định cần được giải quyết và bù trừ. Tuy nhiên, “Korea Discount” có xu hướng giảm đáng kể những năm gần đây.

Theo hãng tin Korea Herald và Bộ tài chính Hàn Quốc, rủi ro vỡ nợ tín dụng của Hàn Quốc vào tháng Mười Một 2019 đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 12 năm qua, thấp hơn so với các nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc, Anh và Pháp.

Định giá Kospi năm 2021 vô cùng hấp dẫn ở mức P/E 10.8 nhưng vẫn còn hiện tượng “Korea Discount” vì rủi ro vĩ mô quan trọng có thể là lòng hiếu chiến cố hữu của Bắc Triều Tiên sẽ quay trở lại khi quan hệ tốt đẹp với tổng thống Donald Trump dần phai mờ.

Các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 35,3% quyền sở hữu cổ phiếu của các công ty niêm yết Kospi. Để cải thiện tính minh bạch và cải thiện quản trị và dễ dàng tiếp cận toàn cầu của các cổ phiếu công ty được trao đổi trên sàn KRX Korea, KRX hiện đang cung cấp dịch vụ dịch thuật tiếng Anh cho các báo cáo tài chính của các công ty niêm yết trên sàn.

Ngày nay, “thị trường mới nổi” đã phát triển đến giai đoạn mà thuật ngữ này có thể gây trở ngại hơn là khơi nguồn cảm hứng cho đầu tư khôn ngoan. Tuy nhiên, "được truyền thông toàn cầu ưu ái là dấu hiệu xấu cho bất kỳ nền kinh tế nào, và truyền thông không quan tâm mới là dấu hiệu tốt", đó là quy tắc cơ bản trước nay của đầu tư vào thị trường mới nổi.

Theo Forbes