Việc thành lập cơ quan chuyên trách quản lý vốn nhà nước sẽ khiến các bộ mất rất nhiều quyền. Bộ nào có nhiều DN càng to thì mất càng lớn, nên các bộ phân vân, chẳng ai muốn làm.
5 triệu tỷ đồng: Không ai chịu trách nhiệm
“Việt Nam có nhiều thứ làm hao mòn tài sản công, làm nghèo quốc gia hơn là tăng thịnh vượng quốc gia. Nhưng chúng ta không tìm thấy ai chịu trách nhiệm. Có thể kể đến, dự án xơ sợi Đình Vũ - Hải Phòng hơn 7.000 tỷ, dự án phân đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên, các nhà máy ethanol …".
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) liệt kê loạt dự án kém hiệu quả tại buổi đối thoại “Khó khăn, thách thức trong thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu DNNN” ngày 27/5.
Dẫn số liệu 2014 của gần 800 DN mà nhà nước nắm 100% vốn, CIEM cho biết, tổng tài sản của số DN này lên tới hơn 3 triệu tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là hơn 1,2 triệu tỷ đồng. Nếu tính toàn bộ các DN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn và trên 50% vốn thì con số này lên đến 5 triệu tỷ đồng. Con số “khổng lồ” này, theo ông Cung, tính theo giá thị trường lớn hơn rất nhiều.
Nhưng những tai tiếng mà các DN “quả đấm thép” nắm giữ hàng triệu tỷ đồng này gây ra thời gian qua gắn liền với những dự án kém hiệu quả, những vụ đại án tham nhũng khiến dư luận không khỏi lo lắng. Thực tế đã chỉ ra thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả, thậm chí tham nhũng, tiêu cực... là do quản lý giám sát của chủ sở hữu nhà nước không chặt chẽ, không rõ trách nhiệm.
Ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, đảo ngược xu thế này là một mệnh lệnh. Nhưng chừng nào chưa quy trách nhiệm cho ai, chừng đó chưa đảo ngược được xu thế này.
Xóa bỏ chức năng quản lý DNNN của các bộ và thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý vốn nhà nước . Đây là chủ trương được đề cập trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Nghị quyết ghi rõ: Tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước; sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, UBND đối với vốn, tài sản nhà nước tại các DN; thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN.
Được biết, hiện Chính phủ đang nghiên cứu thành lập một “siêu ủy ban” với tên gọi dự kiến là “Ủy ban đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN”.
TS Nguyễn Đình Cung cho rằng: “Phải làm vậy mới đảm bảo vị trí trung lập của Nhà nước trong điều hành thị trường. Không thể vừa quản lý DNNN vừa điều hành thị trường, nó tạo ra sự bất công, méo mó trong phân bổ nguồn lực”.
Nước đã đến chân: không bàn lùi
Có mặt tại buổi đối thoại, đại diện các bộ ngành và DNNN lớn đều bày tỏ thái độ đồng tình. Đại diện EVN cho rằng, tách bạch chức năng quản lý nhà nước với hoạt động sản xuất kinh doanh để nâng cao tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương – đơn vị đang nắm quyền chủ sở hữu ở nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn lại tỏ ra dè dặt hơn cho rằng, cần một cơ sở pháp lý cụ thể hơn, phải cân nhắc thời điểm hình thành, bởi làm ngay sẽ làm chững lại quá trình cổ phần hóa.
Đại diện Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính cũng cho rằng: "Theo kế hoạch từ 2016-2020 số lượng DNNN không nhiều. Nếu chỉ còn vài trăm DNNN thì vai trò của cơ quan chuyên trách phần vốn nhà nước này sau đó sẽ thế nào. Đương nhiên, tiền nhà nước bây giờ không đầu tư vào DNNN thì vẫn vào thành phần kinh tế khác nhưng chức năng hoàn toàn thay đổi'.
Đại diện của Bộ Tài chính cũng đắn đo, nếu xác định cơ quan chuyên trách phần vốn nhà nước là cơ quan nhà nước hưởng chế độ từ ngân sách thì không thay đổi được gì.
Ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM, cũng cho rằng nếu thành lập cơ quan chuyên trách giống như một cơ quan hành chính là không ổn. “Nếu không có cán bộ chuyên trách giỏi mà đưa mấy ông vụ trưởng, vụ phó sang làm lãnh đạo thì không khác nào đánh bùn sang ao”, ông Bá chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Cung khẳng định cơ quan này không phải là một cơ quan quản lý hành chính nhà nước mà chức năng đầu tư của nó là chủ yếu, giống như mô hình của một tổng công ty. Những người làm việc ở đây là nhà đầu tư chuyên trách, không phải công chức. Lương của họ không phải trả theo ngạch công chức mà giống như trả cho doanh nhân, theo kết quả làm việc.
“Họ có thể hưởng lương cao gấp hàng trăm các chức lãnh đạo cao cấp, họ không bị giới hạn về thu nhập, miễn là số tiền họ hưởng tương xứng với công sức họ làm ra”, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cho rằng, dù còn nhiều băn khoăn nhưng giờ là lúc bàn cách thức triển khai, chứ không bàn lùi vì “đã quyết rồi”. Nước đến chân rồi, không làm khác được.
TS Nguyễn Đình Cung cho rằng việc thành lập cơ quan quản lý vốn nhà nước sẽ khiến các bộ mất rất nhiều quyền. Bộ nào có nhiều DN càng to thì mất càng lắm, nên các bộ phân vân, chẳng ai muốn làm điều này vì “đều là con người cả”. “Nhưng chúng ta phải làm vì mục tiêu sử dụng hiệu quả tài sản khổng lồ từ các DNNN để nâng thịnh vượng quốc gia”, ông Cung nhấn mạnh.
Theo VNN