Tàu ngầm lớp Akula hay Đề án 941 được biết tới trong suốt quá trình phát triển, được thiết kế để hình thành nên cơ sở của các lực lượng răn đe hạt nhân trên biển của Liên Xô. Liên Xô trước đó đã biết được thông tin về hạm đội tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Ohio sắp triển khai của hải quân Mỹ, tàu ngầm này sẽ dài 564 feet và chở được 192 đầu đạn hạt nhân. Lãnh đạo Liên Xô quyết định cần phải có tàu ngầm cho riêng mình để đối phó với mối đe dọa đang dần hiện ra và tàu ngầm Akula đã ra đời.
Tàu ngầm Akula được thiết kế để bắn tên lửa từ vị trí gần Liên Xô, cho phép chúng hoạt động ở phía bắc bắc cực, nơi mà lực lượng hải quân và không quân Xô Viết có thể bảo vệ chúng. Kết quả là những tàu ngầm này được thiết kế với vỏ tăng cường có khả năng đi xuyên băng, nổi trên băng và một bộ chân vịt giúp tránh bị va vào băng.
Kết quả khác là sự phát triển của tên lửa hạt nhân mới với tầm bắn đủ xa để tấn công Mỹ từ pháo đài ở bắc cực. R-39 Rif (NATO định danh là SS-NX-20 Sturgeon) là một tên lửa đạn đạo ba tầng dài 53 feet và nặng 84 tấn. Với tầm bắn 4.480 hải lý, R-39 có thể tấn công bất kỳ địa điểm nào ở nước Mỹ.
Cuộc chạy đua vũ trang trong Chiến tranh Lạnh lớn hơn mọi cuộc chạy đua vũ trang nào, và việc tính toán đầu đạn cũng rất quan trọng. Vì Akula chỉ mang được 20 tên lửa trong khi Ohio mang được 24 tên lửa, nên mỗi tên lửa của Liên Xô cần mang nhiều đầu đạn hạt nhân hơn tên lửa Trident C-4 của Mỹ.
Mỗi tên lửa R-39 mang được 10 đầu đạn hạt nhân có sức công phá 100 kiloton, mỗi đầu đạn có khả năng nhắm mục tiêu độc lập nên mỗi tên lửa có thể tấn công 10 mục tiêu khác nhau trong tầm bắn thích hợp. Điều này càng làm tăng kích cỡ và trọng lượng của tên lửa, nhưng cũng có nghĩa là mỗi tàu ngầm Akula mang tổng cộng 200 đầu đạn hạt nhân, gấp 8 lần tàu ngầm Ohio của Mỹ.
Tàu ngầm lớp Akula dài 564 feet, nặng 48.000 tấn có lượng giãn nước lớn gấp đôi tàu ngầm của Mỹ. Tên lửa Rif được sắp đặt thành hai hàng, mỗi hàng bao gồm 10 ống phóng tên lửa. Không giống như các tàu ngầm chở tên lửa khác, ống phóng tên lửa được đặt ở mặt trước tàu, khiến Akula trông không giống những loại truyền thống. Tàu ngầm khổng lồ này có khả năng hải hành với tốc độ 22 hải lý khi nổi và 27 hải lý khi lặn nhờ 2 lò phản ứng hạt nhân OKB-650, giống như loại cung cấp năng lượng cho các tàu ngầm Alfa và Mike, đem lại cho chúng lực đẩy mạnh gần 100 000 mã lực.
8 tàu ngầm Akula được dự kiến xây dựng nhưng cuối cùng chỉ có 6 chiếc được đóng. 6 chiếc này sau này được hải quân Nga thừa hưởng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và hiện nay, chỉ còn tàu Dmitriy Donskoy vẫn còn hoạt động, còn hai chiếc khác có vẻ đã bị bỏ quên. Donskoy được vận hành như tàu ngầm thử nghiệm để phát triển tên lửa 3M14 Bulava. Sự phát triển tên lửa này lâu dài và khó khăn và có vẻ như đã hoàn thành, do đó tàu ngầm này chắc cũng sắp không còn được sử dụng nữa.
Sự tồn tại của tàu ngầm lớp Akula trước đây không được biết đến rộng rãi và có lẽ không hề được biết đến nếu không có cuốn tiểu thuyến “The hunt for red October”. Cuốn sách này được Nhà xuất bản Viện hải quân xuất bản năm 1984, đây là cuốn tiểu thuyết của một người yêu thích quân sự là Tom Clancy. Clancy hình dung tàu ngầm Akula là Red October có vị thuyền trưởng và thủy thủ đoàn đang cố đào ngũ sang Mỹ.
Red October còn lớn hơn cả Akula, với 26 bệ phóng tên lửa thay vì chỉ có 20 bệ như Akula. Red October cũng được trang bị động cơ pumpjet chạy rất êm, theo đó có thể cho phép chúng lẻn đến Bờ Đông nước Mỹ và tấn công hủy diệt thủ đô Washington DC. Trong cuốn tiểu thuyết, điều này khiến Red October thành vũ khí tấn công hàng đầu và là một báu vật công nghệ mà hải quân Mỹ mong muốn có được.
32 năm sau khi xuất bản, động cơ sử dụng công nghệ đẩy pumpjet hiện là trụ cột của mọi loại tàu ngầm. Tàu Astute của hải quân Hoàng gia Anh và tàu ngầm tấn công lớp Virginia của Mỹ đều sử dụng công nghệ pumpjet. Tàu ngầm lớp Borei của Nga, thiết kế thực sự đầu tiên của Nga sau Chiến tranh lạnh và là sự kế thừa của Akula trên nhiều phương diện cũng sử dụng công nghệ pumpjet. Đây là một ví dụ về việc khoa học viễn tưởng đã trở thành hiện thực.