Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, có phạm vi ảnh hưởng rộng. Trong bản tin dự báo 9h sáng 24/12, cơ quan khí tượng đã cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4, tức là chỉ sau cấp độ rủi ro thiên tai cấp 5 - cấp thảm họa.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, cho biết dự báo của các nước cho thấy xu thế rất rõ bão đang di chuyển theo hướng Tây, hướng về phía Nam Bộ. Mô hình dự báo bão của các nước cũng nêu xu hướng như vậy và thống nhất cao bão đạt cấp độ cuối cấp 12, đến cấp 13 khi vào khu vực quần đảo Trường Sa lớn. Vì vậy, ở Trường Sa sẽ có sóng cao trên 10 m. Sau khi qua đảo Trường Sa, bão giảm cấp, nhưng mức độ giảm cấp không nhanh.
Báo cáo với Thủ tướng, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết sẵn sàng huy động 3 vạn quân ứng phó bão số 16. Ảnh: VGP |
Các dự báo đều cho rằng sau đó bão có xu hướng lệch hơn về phía Nam, còn vùng ảnh hưởng trực tiếp vẫn giữ nguyên suốt từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau.
Theo ông Cường, dự báo của các nước cũng nêu khi vào đất liền Nam Bộ, cấp độ bão vẫn ở cấp 10-11 khi tiếp cận vào bờ. Thời gian tâm bão vào đất liền là đêm 25/12 và rạng sáng 26/12 nhưng từ chiều 25/12, ở vùng ven bờ đã có gió mạnh cấp 6 trở lên.
Về công tác kiểm tra chằng chống nhà cửa, cây ăn trái: Cà Mau đã tổ chức chằng chống được 8.114 ngôi nhà. Hiện các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, TPHCM, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đang rà soát và đã lên phương án di dời, sơ tán đến nơi an toàn đối với trường hợp bão cấp 9 là 271.151 người, trên cấp 9 là 472.765 người.
Bến Tre dự kiến cho học sinh nghỉ học từ ngày 25 và 26/12. Tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch cho học sinh nghỉ học trước 24 giờ so với thời điểm dự báo bão ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh. Các tỉnh khác đang rà soát tùy tình hình diễn biến bão sẽ có kế hoạch cho học sinh nghỉ học sau.