Siêu bão Fani đổ bộ và Ấn Độ, ít nhất 2 người thiệt mạng

VietTimes -- Fani là siêu bão nhiệt đới mạnh nhất đổ bộ vào Ấn Độ trong vòng 20 năm qua với sức gió lên tới 240 km/h. 
Siêu bão Fani đổ bộ và Ấn Độ gây mưa lớn và gió giật mạnh (Ảnh: AP)

Vào khoảng 9h30 sáng ngày 3/5/2019 (theo giờ địa phương), cơn bão nhiệt đới Fani đã đổ bộ vào bang Odisha của Ấn Độ mang theo mưa lớn và gió giật mạnh lên tới 240 km/h. Cơn bão này được đánh giá là “cực kỳ nguy hiểm” và dự báo sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp lên 10.000 ngôi làng và 52 thị trấn thuộc 9 quận của bang Odisha trên đường đi.  

Theo CNN, hiện đã có ít nhất 2 người thiệt mạng do cây đổ sau khi cơn bão đổ bộ.

Để ứng phó với cơn bão này, chính phủ Ấn Độ đã triển khai tàu và máy bay trực thăng cho các hoạt động cứu trợ, cứu hộ. Các đơn vị quân đội và không quân cũng được đặt trong tình trạng sẵn sàng tại các bang Odisha, Tây Bengal và Andhra Pradesh.

Bên cạnh đó, chính phủ nước này cũng đã phân bổ hơn 144 triệu USD để thực hiện cứu trợ cho những khu vực bị ảnh hưởng do bão ở vùng đông bắc.

Trước khi cơn bão đổ bộ, chính quyền đã thực hiện sơ tán hơn 1 triệu người dân đến các điểm an toàn. Các trường học, sân bay ở Odisha buộc phải đóng cửa, 11 quận dọc bờ biển của bang được đặt trong tình trạng báo động đỏ.

Đồng thời, nhà chức trách cũng đã chuẩn bị 900 nơi sơ tán, huy động hàng trăm nhân viên ứng phó thảm họa, bác sĩ và nhân viên y tế không được nghỉ phép tới hết ngày 15/5 để khắc phục hậu quả của cơn bão.

Dự báo đường đi của siêu bão Fani (Nguồn: CNN)

Thông thường, mùa mưa bão ở Ấn Độ sẽ kéo dài từ tháng 4 tới tháng 12 hàng năm. Các cơn bão lớn đổ bộ vào các thành phố ven biển, gây chết người và thiệt hại cho cây trồng, tài sản ở cả Ấn Độ và quốc gia láng giềng Bangladesh.

Được biết, Fani là cơn bão nhiệt đới mạnh nhất đổ bộ vào Ấn Độ trong vòng 20 năm qua. Trước đó, vào năm 1999, một cơn bão tương tự tấn công bang Odisha khiến ít nhất 10.000 người thiệt mạng.

Tuy nhiên, các tiến bộ khoa học công nghệ đã giúp các nhà khí tượng học dự đoán trước thời tiết khắc nghiệt, tạo điều kiện cho nhà chức trách chuẩn bị ứng phó tốt hơn trước bão và giảm con số thương vong./.