SGK Tiếng Việt lớp 1 bộ Chân trời sáng tạo có "sáng tạo” quá đà?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Chủ đề Đi sở thú đề cập đến cả “ngựa gỗ” và “bà cho bé giỏ quà”; truyện Sóc và Dúi không nhắc đến sóc, nội dung và hình minh hoạ trái ngược,… SGK Tiếng Việt lớp 1 bộ Chân trời sáng tạo còn quá nhiều sạn!

Bộ SGK "Chân trời sáng tạo" - Ảnh: NXB Giáo dục Việt Nam
Bộ SGK "Chân trời sáng tạo" - Ảnh: NXB Giáo dục Việt Nam

Nhà xuất bản Giáo dục giới thiệu như thế nào về Chân trời sáng tạo?

Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục giới thiệu, Bộ sách giáo khoa (SGK) với thông điệp Chân trời sáng tạo được biên soạn dựa trên các tiêu chí và quy định của SGK mới: Bám sát định hướng giáo dục phát triển năng lực học sinh với trọng tâm là chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành và phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực người học; tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn SGK mới.

Tác giả của SGK Tiếng Việt 1 là Bùi Mạnh Hùng (Tổng chủ biên), Nguyễn Thị Ly Kha (Chủ biên), Nguyễn Lương Hải Như, Phạm Thị Kim Oanh, Vũ Minh Tâm, Nguyễn Xuân Tùng, Nguyễn Thành Ngọc Bảo, Phạm Vĩnh Lộc, Nguyễn Thị Xuân Yến.

SGK Tiếng Việt 1 tạo điều kiện để giáo viên tổ chức dạy học và phát triển các kĩ năng ngôn ngữ cho học sinh trên cùng một ngữ liệu nguồn; tạo điều kiện để giáo viên sử dụng phương pháp dạy học đa giác quan - phương pháp dạy học giúp học sinh tiếp nhận kiến thức, rèn luyện kĩ năng bằng nhiều kênh khác nhau, như thị giác, thính giác, xúc giác.

“Sách thiết kế các bài học theo dạng hoạt động. Theo đó, các bài học đều bắt đầu bằng hoạt động nói và nghe giúp học sinh khai thác kinh nghiệm ngôn ngữ, vốn sống để rút ra những nội dung liên quan đến bài học, đồng thời cảm nhận được ý nghĩa của việc đọc, viết; từ đó tự giác tham gia vào hoạt động đọc viết và vận dụng các điều đã học ở bài học để nói, nghe, viết (sáng tạo).

Ngoài ra, Tiếng Việt 1 cũng thể hiện hoạt động đọc mở rộng theo tiến trình hợp lí nhằm giúp giáo viên có thể tổ chức các hoạt động hướng dẫn HS đọc mở rộng hiệu quả” – NXB Giáo dục thông tin.

Sản phẩm "sáng tạo" khó hiểu

Thực tế, khi thành hình, Tiếng Việt lớp 1 tập 1 và tập 2 của bộ SGK Chân trời sáng tạo có tổng dung lượng hơn trang 350 trang giấy, “được sắp xếp theo chủ đề tương ứng với từng tuần học” – như cách các tác giả tự giới thiệu về “đứa con cưng” này. Cụ thể, các tác giả đã chia nội dung thành các chủ đề như Bé và bà, Đi chợ, Kì nghỉ, Ở nhà, Đi sở thú,… Mỗi chủ đề đều có 5 bài học chữ, học vần và ôn tập – kể chuyện.

Nhìn lướt qua mục lục với cách bố trí đều đặn mỗi chủ đề đều có 4 bài học chữ và 1 bài ôn tập, nhiều bậc phụ huynh cảm thấy tin tưởng vì tính logic, khoa học, ổn định trong ý tưởng thiết kế nội dung.

Tuy nhiên, nội dung cụ thể của mỗi bài học lại khiến người đọc cảm thấy khó hiểu vì quá nhiều “hạt sạn lớn”, nội dung chắp vá, khiên cưỡng, từ ngữ lạ lùng, xa vời với thực tiễn sử dụng ngôn ngữ xuất hiện ở những bài học đầu đời của trẻ.

Ngay ở tuần thứ 6 của chương trình học, “Ngựa gỗ”, “Bà ở quê ra. Bà cho cả nhà bé giỏ quà to” cùng hàng loạt từ không liên quan như phở, cà phê, pate được sử dụng làm nội dung thể hiện trong chủ đề “Đi sở thú” (trang 60 – 68).

Chủ đề Đi sở thú được triển khai bằng nhiều ngữ liệu hầu như không liên quan. Ảnh chụp từ bản điện tử.

Chủ đề Đi sở thú được triển khai bằng nhiều ngữ liệu hầu như không liên quan. Ảnh chụp từ bản điện tử.

Câu chuyện còn hài hước hơn nữa khi người đọc mở đến chủ đề Ngày Chủ nhật, tại trang 109, cuốn sách đưa ra truyện có tên là “Sóc và dúi” nhưng cả bài đọc không nhắc đến sóc. Các tác giả đưa ra chuyện kể gồm 4 câu rời rạc, gượng ép đưa thông tin khuyên dúi chăm tập thể dục thì mới ra được khỏi hang.

Ảnh chụp từ bản điện tử.

Ảnh chụp từ bản điện tử.

Ngoài trạng ngữ ở câu đầu tiên: “Ngày Chủ nhật, dúi ăn vặt và nằm ngủ” thì bài đọc gần như không có mối liên hệ nào khác giữa nội dung bài và chủ đề Ngày Chủ nhật.

Để làm rõ chủ đề Thể thao, trang 79 tập 1, các tác giả bộ SGK Chân trời sáng tạo đã sử dụng hình vẽ chú thỏ đứng ưỡn ngực tuyên bố: “Tớ chấp cậu nửa đường” trước chú rùa đang lau mồ hôi để minh hoạ cho lời kể: “Rùa rủ thỏ chạy thi” (?!). Điều này trái ngược hoàn toàn với nội dung trong truyện Ngụ ngôn Aesop mà mọi người, mọi thế hệ đều nằm lòng từ khi còn rất nhỏ là thỏ rủ rùa chạy

Ngoài ra, ở bài đọc này, các tác giả cũng vi phạm bản quyền nghiêm trọng khi không dẫn nguồn, ghi tên tác giả. Việc này còn lặp lại ở các bài “Giấc mơ của một cậu bé” (trang 169 – tập 1), “Khúc rễ đa” (trang 179 – tập 1),….

Trang 69 của cuốn sách kể câu chuyện về khỉ, sư tử và cái giếng: “Mỗi ngày, sư tử bắt một con thú nhỏ để ăn thịt. Khỉ đến muộn, sư tử tức giận. Sư tử thấy bóng mình dưới giếng. Sư tử nhảy xuống giếng và chìm nghỉm”.

Chỉ 4 câu đơn giản, gói gọn trong 34 chữ này mang đến cho người đọc sự băn khoăn rất lớn. Bài đọc dường như đã bị gọt giũa quá mức từ một truyện nào đó rất quen. Truyện bị làm cho vắn gọn đến nối thiếu hẳn mạch chuyện, làm cho 4 câu rời rạc.

Người đọc thấy phảng phất nội dung na ná giống một câu chuyện dân gian quen thuộc.

Người đọc thấy phảng phất nội dung na ná giống một câu chuyện dân gian quen thuộc.

Không những thế, người đọc loáng thoáng thấy nội dung gần giống như truyện dân gian “Chú thỏ thông minh” – kể về chú thỏ bình tĩnh, mưu trí, đã lừa cho con hổ xám tự lao đầu xuống giếng mà chết và đem lại bình yên cho cả khu rừng. Tuy nhiên, nhân vật trong truyện này lại là khỉ và sư tử và truyện không được dẫn nguồn. Điều đó khiến người đọc có quyền đặt câu hỏi: Phải chăng nhóm tác giả đã có nhiều điểm thực hiện tuỳ tiện trong quá trình làm SGK - vốn là một tài liệu mang tính chuẩn mực cao?

Trong Tiếng Việt lớp 1 bộ SGK Chân trời sáng tạo xuất hiện nhiều từ ngữ lạ lùng, xa vời với thực tiễn sử dụng. Tại trang 77 tập 1, trong bài đọc có câu: “Mẹ cho bé bộ bi ve nhỏ xíu”. Cách dùng “bộ bi ve” gây cảm giác lấn cấn cho người đọc. Có lẽ, hiếm có người Việt nào có cách sử dụng từ như vậy.

Bài “Thiên tài Ê-đi-xơn” (trang 165, tập 1) nêu: “Ê-đi-xơn là người mang lại đèn điện, xe điện cho con người”. Nếu không kể đến chi tiết người phát minh ra đèn điện là ai còn đang gây tranh cãi thì Ê-đi-xơn không phải là người “mang lại (…) xe điện”. Từ điển mở Wikipedia cho biết, “chiếc xe điện đầu tiên được chế tạo vào năm 1881 do kỹ sư người Pháp Gustave Trouve”.

Bài Khu rừng kì lạ dưới đáy biển (trang 125, tập 2) phiên âm tên tác giả nước ngoài lạ hoắc là Giun-lờ Ven gây thắc mắc cho giáo viên và người đọc. Thực ra đây là tác giả quen thuộc Giuyn Véc-nơ (Jules Verne) – người đã viết cuốn Hai vạn dặm dưới đáy biển vốn rất quen thuộc với độc giả Việt Nam.

Cả hai nội dung này đều được cho là chưa khai thác kho tàng ngôn ngữ Việt Nam và có lẽ chưa phù hợp với trẻ lớp 1 – vốn là người vừa bước vào quá trình thụ đắc ngôn mẹ đẻ một cách chính thức.

SGK có đảm bảo là thước đo sự chuẩn mực?

Thực tế, năm học 2020-2021, ngành giáo dục đưa vào sử dụng sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Các nhà trường được chủ động đánh giá và lựa chọn những bộ sách khác nhau trong 5 bộ sách: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục (đều của NXB Giáo dục Việt Nam) và bộ sách Cánh Diều (NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh). Sau một thời gian giảng dạy, đã có rất những phản ánh về những hạt sạn trong một số cuốn sách giáo khoa mới nhưng thiếu trong sáng về ngôn ngữ, chưa logic, chưa khai thác kho tàng ngôn ngữ Việt Nam,… Điều đáng nói là việc này đang diễn ra trong bối cảnh SGK cần là tài liệu đạt cao độ về tính khoa học và chuẩn mực.

Tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 11/2020, Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo – vốn là người đang công tác trong ngành giáo dục – đã thẳng thắn nêu quan điểm khi dư luận dấy lên bức xúc về bộ sách Cánh Diều: Đã sai thì phải sửa, cần rà soát, làm rõ những sai sót trong tất cả các cuốn sách giáo khoa mới. ĐBQH yêu cầu có phương án chỉnh sửa cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của nhóm biên soạn, nhà xuất bản, hội đồng thẩm định…

“Sách giáo khoa dùng để dạy con trẻ rất quan trọng, như biểu tượng thước đo sự chuẩn mực trong giáo dục” - quan điểm này của Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo nhận được sự đồng tình cao độ nhưng cũng để lại sự băn khoăn rất lớn trong lòng những người đang ngày đêm trăn trở về giáo dục, về thế hệ tương lai khi càng ngày càng gắp được nhiều sạn từ các bộ SGK trong chương trình giáo dục phổ thông mới.