"Yểng nhoẻn miệng cười", "Thỏ có (...) vừa dài vừa to" trong bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

VietTimes – Thời gian gần đây, giới trí thức nói riêng và dư luận nói chung đang bức xúc về sách tiếng Việt lớp 1 Bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Các cuốn sách được cho là sử dụng nhiều từ ngữ khó hiểu, ngữ liệu phản cảm nhưng vẫn được phê duyệt.

Nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng khi con em mình trở thành chuột bạch cho những cuốn SGK nhiều sạn.
Nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng khi con em mình trở thành chuột bạch cho những cuốn SGK nhiều sạn.

VietTimes xin trích đăng một ý kiến để độc giả có cái cụ thể về vấn đề đáng suy nghĩ này:

Cháu tôi năm nay vào lớp 1 - cuốn sách Tiếng Việt được nhà trường chọn cho cháu là sách của NXB Giáo dục Việt Nam (Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống). Thoạt đầu, sách hấp dẫn tôi vì in đẹp, nhiều màu, hơn hẳn sách giáo khoa cổ lỗ thời tôi đi học. Vì đứa cháu đang dùng quyển tập 1, tôi mở ngay tập 2 xem. Càng đọc, tôi càng không hiểu người biên soạn định cho các cháu học cái gì...

Từ ngữ tắc t, phản cảm

Chỉ vừa đọc lướt đến trang 23, tôi đã hoảng hồn vì một bài tập giải ô chữ dài tới hơn nửa trang. Câu cú thì loằng ngoằng, chắc không dễ với những đứa trẻ lớp 1 vừa bước vào học kỳ 2. Nhưng khiếp nhất là các thầy viết sách đố các cháu câu này: “Thỏ có (…) vừa dài vừa to”.

Các cháu phải tìm ra một từ thích hợp với chỗ có ba dấu chấm. Tôi nhìn vào dòng thứ 4 của ô chữ. Dòng ấy chỉ có 3 ô. Đố các vị giải xem từ nào gồm 3 chữ cái chỉ cái “vừa dài vừa to” của thỏ. Tôi thì chịu, vì chẳng lẽ SGK dạy các cháu nói bậy?

Đó là đầu sách. Đến trang 115, tức là giữa sách, lại gặp bài “Cuộc thi tài năng trong rừng xanh”. Bài đọc này nhồi vào đầu óc non nớt của lũ trẻ một hình ảnh kì quặc, ma quái: “Yểng nhoẻn miệng cười”.

Nội dung trang 115 cuốn sách Tiếng Việt 1 Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Nội dung trang 115 cuốn sách Tiếng Việt 1 Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Để minh họa cho nụ cười duyên của yểng, trang 117 còn yêu cầu học sinh viết chính tả câu văn kì quặc này với hình ảnh con yểng há to mỏ. Không rõ có thể gọi cái mỏ là “miệng” không; chứ lũ trẻ mà hiểu “nhoẻn miệng cười” là há to miệng (mỏ) thì các cháu gái lớn lên khó mà thành các cô gái có duyên. Dạy học sinh lớp 1 câu này, rồi trẻ ghi nhớ mãi thì không hiểu còn có hại như thế nào nữa?

Bài đọc “yểng nhoẻn miệng cười” nói trên cũng dày đặc những từ ngữ khó như: “ca khúc ngoao ngoao của mèo rừng”, “chim công khiến khán giá say mê, chuếnh choáng”, “voọc xám với tiết mục đu cây “điêu luyện” làm tất cả “trầm trồ”,... Thảo nào người ta nói sách Tiếng Việt 1 bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” là quyển sách khó nhằn nhất trong các quyển sách Tiếng Việt lớp 1.

Không đủ kiên nhẫn đọc hết quyển sách, tôi lật giở thêm vài trang và thấy hầu như không trang nào không có vấn đề. Ví dụ, bài tập 9 chiếm gần hết trang 113 cung cấp 10 thông tin, yêu cầu học sinh cho biết “thông tin nào phù hợp với hổ, thông tin nào phù hợp với mèo”. Như bài tập của sách, chắc học sinh phải trả lời: thông tin “sống trong rừng”, “hung dữ” phù hợp với hổ; còn thông tin “sống trong nhà”, “dễ thương, dễ gần” phù hợp với con mèo. Nhưng chỉ sau đó 2 trang, ở bài “Cuộc thi tài năng rừng xanh”, sách đã mô tả “ca khúc ngoao ngoao của mèo rừng”. Đến đây, chắc cả cô giáo cũng không biết mình đã làm bài tập ở trang 113 đúng hay chưa nữa, bởi vì mèo cũng có loài sống trong rừng và chắc loài mèo đó không “dễ thương, dễ gần” chút nào.

Trang 77 ra bài tập “Giúp thỏ tìm đường về nhà” cực khó với trẻ em. Các cháu không thể biết có 3 cái nhà thì nhà thỏ là nhà nào để biết tìm đường đi đến.

Nhiều phụ huynh phản ánh cũng gặp khó với yêu cầu này.

Nhiều phụ huynh phản ánh cũng gặp khó với yêu cầu này.

Trang 147 cũng có 1 bài tập giải ô chữ gần kín cả trang, dài hơn 100 chữ, ngang với một bài tập đọc. Không hiểu cháu tôi khi học đến bài đó thì nó xoay xở thế nào.

Không chịu kém, bài tập 2 (giải ô chữ) ở trang 167 còn có những câu bí hiểm hơn, ví dụ: “Ai ai cũng có / Chẳng nặng là bao? Bạn ơi đi đâu / Nhớ mang theo nhé. (Là gì?)” Không biết cái mà “ai ai cũng có, chẳng nặng là bao, đi đâu cũng mang theo” này là cái gì, gợi người ta suy diễn ra cái gì.

Với một vài ví dụ trên, tôi băn khoăn bộ sách này đã “kết nối với cuộc sống” như tiêu chí bộ sách? Các bậc phụ huynh như tôi, đọc sách mà thương các cháu. Khi cần đơn giản những vấn đề phức tạp, thì bộ sách lại phức tạp những vấn đề đơn giản. Với những từ ngữ rối rắm, phản cảm, được biên soạn tùy tiện, cẩu thả như vậy, bộ sách này chưa thể kết nối với cuộc sống như tiêu chí đã nêu trên. Câu hỏi khiến chúng tôi băn khăn là: Bao giờ bộ sách này mới cho trẻ em tiếp cận được cuộc sống với những “tri thức” như vậy?

Sau gần nửa năm học làm quen với chương trình GDPT mới, 1 chương trình có 5 bộ sách giáo khoa (SGK) lần đầu tiên áp dụng, bên cạnh việc dư phản ánh về lượng kiến thức nặng so với học sinh lớp 1 thì câu chuyện ngữ liệu SGK, những vấn đề tồn tại trong việc biên soạn sách tiếp tục là tâm điểm bàn luận.

Tại kỳ họp thứ 10 - Quốc hội khoá XIV, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng, cả 5 bộ SGK có vấn đề khác nhau, như về ngữ liệu, bản quyền, nếu chỉ rà soát với bộ sách Cánh Diều là không công bằng.

“Tôi thấy rằng, cả 5 bộ đều có lỗi, không ít thì nhiều, có những lỗi cơ bản, lỗi về ngữ liệu. Để có cái nhìn khách quan, tránh phiến diện, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa các bộ sách thì nên rà soát tất cả, không nên chỉ tập trung vào một bộ”- ĐBQH Phạm Minh Hiền nói.

Bà cho rằng phải đặt người học làm trọng tâm, phải có sự công tâm, khách quan. Muốn như vậy thì phải rà soát toàn bộ và công bố công khai phương án chỉnh sửa phù hợp.

Cũng nêu quan điểm về việc này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) - Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho biết, bà đã gửi chất vất Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc bên cạnh yêu cầu chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều, Bộ GDĐT đã có văn bản yêu cầu rà soát, điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp trong 4 Bộ SGK lớp 1 còn lại hay không? Theo bà tìm hiểu, cả 4 bộ còn lại đều được dư luận, báo chí chỉ ra nhiều lỗi, trong đó có lỗi rất nghiêm trọng về Luật sở hữu trí tuệ.

Theo ĐBQH Kim Thuý, Bộ GDĐT cần có văn bản chỉ đạo rà soát tất cả bộ SGK lớp 1, đồng thời yêu cầu đơn vị biên soạn, phát hành những bộ sách này phải công khai phương án chỉnh sửa để nhân dân, phụ huynh cho ý kiến, đảm bảo có những bộ sách hoàn chỉnh, tốt nhất cho học sinh học tập

.