Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Sách giáo khoa phải phù hợp với văn hóa Việt Nam, với trẻ em Việt Nam“

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sách giáo khoa và sách tham khảo “đụng” đến từng nhà, từng gia đình nên cần phải tiết kiệm cho người dân. Vì thế, sách tham khảo, sách giáo khoa phải phù hợp với văn hóa Việt Nam, với trẻ em Việt Nam.
Thủ tướng trả lời các vấn đề cử tri nêu tại cuộc tiếp xúc. Ảnh: VGP.
Thủ tướng trả lời các vấn đề cử tri nêu tại cuộc tiếp xúc. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nêu quan điểm tại Cuộc tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng - vừa diễn ra ngày 13/10. Tại đây, vẫn trong mạch trao đổi về việc dư luận xôn xao sách giáo khoa lớp 1 nhiều "sạn", Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT nghiêm túc tiếp thu những vấn đề mà cử tri và đại biểu đã nêu và sẽ có công bố chính thức để rút kinh nghiệm, sẽ xử lý nghiêm nếu có vi phạm.

Cũng liên quan ý việc xử lý các ý kiến góp ý cho nội dung sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình mới, chiều qua (12/10), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi báo cáo trước Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về việc xử lý các ý kiến góp ý cho nội dung sách giáo khoa (SGK) tiếng Việt lớp 1 theo chương trình mới.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, trên cơ sở ý kiến của nhân dân cũng như kết quả khảo sát những tuần đầu triển khai chương trình mới, Bộ sẽ yêu cầu các tác giả, Hội đồng Thẩm định sách giáo khoa quốc gia rà soát, giải trình, tiếp thu, hoàn thiện để chất lượng sách giáo khoa ngày càng tốt hơn.

"Chúng ta không chỉ dừng lại ở mức độ có sách tốt mà cần chú trọng hơn nữa đến công tác tập huấn giáo viên, và có những giải pháp phù hợp để phụ huynh cùng đồng hành với giáo viên triển khai tốt việc dạy và học theo chương trình mới" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Cử tri nêu những vấn đề "nóng" tại cuộc tiếp xúc. Ảnh: VGP.
Cử tri nêu những vấn đề "nóng" tại cuộc tiếp xúc. Ảnh: VGP.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ đẩy mạnh việc biên soạn các bài giảng điện tử với sự tham gia của tất cả các giáo viên, từ đó lựa chọn ra những bài giảng hay nhất, tốt nhất, trao đổi kinh nghiệm để có phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất. Từng bước đa dạng hóa nguồn học liệu cho giáo viên, tiến đến sách giáo khoa chỉ còn là một trong những nguồn học liệu tham khảo để dạy học.

Trao đổi với Bộ GD&ĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần xem xét tăng cường, điều chỉnh, bổ sung, nếu cần thiết, tất cả các quy trình về biên soạn, thẩm định, phê duyệt, tập huấn SGK mới cho giáo viên trong những năm tới.

“Bằng công nghệ thông tin nên chăng chúng ta thay đổi cách làm đối với bản thảo một cuốn SGK khi mới nộp cho Hội đồng Thẩm định SGK quốc gia thì đưa lên mạng và kêu gọi giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, cộng đồng, trong đó có các phụ huynh, cùng góp ý, 'nhặt sạn' ngay từ đầu sẽ tạo thuận lợi hơn cho nhà xuất bản, Hội đồng Thẩm định SGK quốc gia. Đông người 'nhặt' thì chắc chắn 'sạn' sẽ bớt đi" - Phó Thủ tướng gợi ý.