Một người dân sử dụng dịch vụ công tại tỉnh thành, nếu dữ liệu được đặt ở máy chủ gần với người đó thì kết quả trả về sẽ nhanh hơn so với việc dữ liệu đó đặt ở các bộ ngành trung ương, thường ở xa thiết bị của người dân.
Hoặc một tấm ảnh khi đăng lên mạng xã hội sẽ xuất hiện gần như tức thì nếu có các trung tâm dữ liệu mạnh ở gần người đó, thay vì ảnh phải chuyển ra các máy chủ nước ngoài rồi mới được tải lên.
Người dân đang thực hiện giao dịch tại một ngân hàng. Ảnh: Hải Đăng
Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc kênh phân phối của Vertiv - công ty Mỹ chuyên về hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin - cho biết điện toán biên (edge computing) sẽ giúp giải quyết các bài toán kể trên.
Điện toán biên là mô hình các trung tâm tính toán đặt ở máy chủ gần với thiết bị của người sử dụng, nhằm tăng tốc độ phản hồi và tiết kiệm băng thông.
Ông Vũ cho biết hệ thống công nghệ thông tin truyền thống bao gồm các trung tâm dữ liệu đặt tại trụ sở chính như hội sở ngân hàng, tổng công ty, các bộ, cơ quan chính phủ,... Tuy nhiên, mô hình điện toán biên sẽ có thêm các trung tâm dữ liệu nhánh nhỏ hơn, gần với thiết bị của người dùng hơn để tăng tốc độ xử lý.
Chẳng hạn, bên cạnh dữ liệu lớn đặt tại các bộ thì địa phương cũng có thể trang bị trung tâm dữ liệu nhỏ hơn để lưu trữ nội bộ, thực hiện các tác vụ tính toán, phân tích, lấy dữ liệu cho người dân tại tỉnh, quận được nhanh hơn, giảm tải cho hệ thống lớn tầm quốc gia.
Tương tự như vậy, các ngân hàng, chuỗi bán lẻ cũng có thể áp dụng điện toán biên. Một chi nhánh ngân hàng, một cửa hàng bán lẻ có thể chưa phát sinh nhiều dữ liệu nhưng gom các chi nhánh của một quận, một thành phố thì đã đủ để áp dụng điện toán biên.
Khi đó, máy chủ biên có thể lưu trữ và xử lý các hội thoại nội bộ, email nội bộ, dữ liệu nội bộ,... được thông suốt và nhanh hơn, thay vì phải xử lý tại trung tâm dữ liệu lớn.
Vị chuyên gia của Vertiv cho biết đã triển khai tại Việt Nam hạ tầng điện toán biên cho các doanh nghiệp ở lĩnh vực dầu khí, tài chính, ngân hàng.
Bên cạnh các giải pháp liên quan điện toán biên, Vertiv (trước đây là Emerson Network Power) từ năm 2003 đã cung cấp hạ tầng cho hầu hết nhà mạng tại Việt Nam và nhiều cơ quan chính phủ, quốc phòng.
Trong buổi công bố nhà phân phối mới hôm 2/7, ông Trương Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vertiv tại Việt Nam cho biết công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam diễn ra nhanh chóng được là nhờ chính phủ đã rất sớm xây dựng hạ tầng viễn thông, công nghệ. Cụ thể, Việt Nam đã xây dựng từ mạng 2G, 3G và 4G hay sắp tới là một trong những nước đầu tiên ứng dụng 5G. Đây chính là các bước đi cực kỳ quan trọng tạo hạ tầng triển khai ứng dụng nhiều dịch vụ.
Ông Dũng cho rằng nhu cầu thị trường và định hướng của chính phủ là hai động lực chính giúp Việt Nam là một trong những nước ứng dụng công nghệ thông tin hàng đầu trong khu vực lẫn trên thế giới.
“Sau dịch, nhu cầu chuyển đổi số càng mạnh mẽ hơn do các doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý đã ý thức được tầm quan trọng của online, đưa mọi thứ lên online”, ông Dũng nói.