Điêùu này được trao đổi tại buổi làm việc với tỉnh An Giang của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.
Theo Bộ trưởng, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng do chuyển đổi số không phải ở vấn đề công nghệ mà chủ yếu là thay đổi nhận thức. Ngoài việc chấp nhận các mô hình quản trị, chính sách, kinh doanh mới, An Giang cần đặt mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng CNTT để 100% dịch vụ công trực tuyến tại địa phương đạt cấp độ 4 vào cuối năm nay.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm, Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ An Giang ban hành chiến lược chuyển đổi số trong quý 3 năm nay. Bộ trưởng đề nghị An Giang đưa ra các chính sách công nghệ mới, mô hình mới, đồng thời tuyên truyền để người dân sử dụng công nghệ. Nếu gặp khó khăn về định hướng, chiến lược phát triển hay đề án, quy hoạch về CNTT, Bộ TT&TT sẵn sàng hỗ trợ. Bên cạnh đó, An Giang nên coi lĩnh vực bưu chính là hạ tầng thiết yếu, cũng như phát triển các sàn giao dịch điện tử, chú trọng phát triển kinh doanh nông sản của tỉnh ra thị trường bên ngoài.
Về viễn thông, Bộ TT&TT đề nghị tỉnh An Giang nên lập kế hoạch phát triển hạ tầng công nghệ số. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để phát triển công dân số, chính phủ số, mỗi người dân phải có một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình cần một đường truyền cáp quang. Theo đó, tỉnh cần chỉ đạo các doanh nghiệp phủ sóng 5G ở tất cả khu công nghiệp, khu nghiên cứu, trường đại học…
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh, hiện nay sứ mạng báo chí truyền thông phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo sức mạnh về tinh thần. Vì vậy Bộ đề xuất, lãnh đạo tỉnh cần chú trọng đến công tác của Sở TT&TT.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT mong muốn đóng góp các nội dung về chuyển đổi số, công nghệ thông tin trong các báo cáo chính trị của tỉnh An Giang. Tỉnh nên có một nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số, lãnh đạo tỉnh cũng cần ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động hàng ngày.