Sếp Samsung bày cách để doanh nghiệp Việt vào được chuỗi cung ứng

Không phủ nhận Samsung đang “ưu ái” những nhà cung ứng Hàn Quốc đã theo "ông lớn" này sang Việt Nam. Nhưng Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam – ông Han Myong-sup - khẳng định: Không khó để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào dây chuyền của Samsung.
Sếp Samsung bày cách để doanh nghiệp Việt vào được chuỗi cung ứng

Trò chuyện với một vài lãnh đạo công ty sản xuất Việt Nam, trong đó, có công ty là vendor (nhà cung ứng) cấp 2, cấp 3 cho nhiều công ty Nhật Bản, Hàn Quốc, có công ty thậm chí đã làm được vendor cấp 1 cho Samsung ở dòng sản phẩm điện gia dụng, nhưng câu trả lời về khả năng lọt vào được chuỗi cung ứng mặt hàng điện tử của Samsung tựu chung làRẤT KHÓ!

“Vấn đề về sản lượng, chất lượng, hay giao hàng đúng tiến độ không phải là vấn đề với công ty chúng tôi. Nhưng Samsung là vấn đề nan giải. Theo truyền thống, họ sẽ ưu tiên các công ty đi theo họ, rồi cả các công ty con, cháu, chắt…”, một vị cho biết. Công ty ông đã được Samsung ghé thăm, nhưng chặng đường làm vendor cho Samsung còn rất xa.

Chúng tôi đã đem vấn đề vị giám đốc trên nêu trên hỏi ông Han Myong-sup, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, bên lề cuộc Triển lãm công nghiệp hỗ trợ của Samsung Điện tử.

Không thể tính toán được tỷ lệ nội địa hóa thuần Việt

* Giám đốc mua hàng của Cty Điện tử Samsung đưa ra rất nhiều yếu tố cần phải cân nhắc khi tìm nhà cung ứng như công nghệ, chất lượng, trách nhiệm, năng lực giao hàng, giá, môi trường... Ông có thể nói rõ hơn, Samsung đang tìm kiếm tố chất nào của doanh nghiệp Việt Nam?

Ông Han Myong-sup: Là một doanh nghiệp quốc tế, Samsung đưa ra rất nhiều tiêu chuẩn để doanh nghiệp có thể tham gia chuỗi sản xuất của Samsung. Nhưng điều quan trọng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là: Doanh nghiệp Việt Nam phải có ý chí, ý định, và mong muốn tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung. Ngoài ra, hỗ trợ của Chính phủ về vấn đề chính sách và tài chính cũng rất cần thiết.

* Hiện tại, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung rất ít. Vấn đề ở đây là gì, thưa ông?

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng của Samsung là 41 doanh nghiệp (bao gồm cả các doanh nghiệp đang xem xét – PV). Chúng tôi rất mong muốn doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia và chuỗi sản xuất của mình.

Thông qua triển lãm lần này, chúng tôi hy vọng con số doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng càng nhiều hơn.

Chúng tôi mong chờ ý chí, quyết tâm của doanh nghiệp Việt Nam trong việc trở thành nhà cung ứng của Samsung.

* Tỷ lệ nội địa hóa của Samsung tính đến thời điểm này là bao nhiêu?

Tỷ lệ nội địa hóa do bên Samsung và Chính phủ đã thống kê là khoảng 36%. Tỷ lệ nội địa hóa này không đơn thuần chỉ là doanh nghiệp Việt Nam mà bao gồm tất cả các doanh nghiệp đang sản xuất tại Việt Nam, tức cả doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước sản xuất tại thị trường Việt Nam.

Còn nếu tách riêng,chúng tôi không thể đưa ra một con số chính xác là doanh nghiệp Việt Nam chiếm bao nhiêu % trong chuỗi sản xuất của Samsung, bởi chúng tôi có nhiều vendor cấp 1, cấp 2, cấp 3, mà ở các vendor này, tỷ lệ tham gia của doanh nghiệp Việt Nam cũng rất nhiều. Có đơn vị 100% là doanh nghiệp Việt Nam cung cấp, có đơn vị có đến 3 – 4 nơi cung cấp. Cho nên, để đưa ra một con số cụ thể thì chúng tôi không thể.

Không khó để doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng của Samsung

* Mặc dù Samsung luôn cởi mở với các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng có ý kiến cho rằng nhiều bộ phận của Samsung vẫn có tư tưởng ưu tiên các doanh nghiệp đi theo, các doanh nghiệp “con, cháu”. Ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?

Như tôi đã nói, các doanh nghiệp Việt Nam phải có ý chí cũng như quyết tâm tham gia vào chuỗi sản xuất của chúng tôi. Các bạn cũng biết, Samsung sản xuất ra sản phẩm bán trên toàn thế giới. Thế nên,chúng tôi đặt rất cao vấn đề chất lượng. Chúng tôi không thể bán sản phẩm kém chất lượng ra thị trường thế giới.

Chính vì thế, khởi đầu tuy khó khăn, nhưng chúng tôi hy vọng doanh nghiệp Việt Nam có thể cố gắng, có ý chí cũng như quyết tâm cùng tham gia với chúng tôi trong chuỗi sản xuất, bắt đầu từ cái nhỏ đến cái lớn. Tôi nghĩ không khó để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào dây chuyền sản xuất của chúng tôi.

Tôi cũng xin nói rằng: Các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia vào chuỗi sản xuất của chúng tôi là những doanh nghiệp có mối quan hệ giao dịch với chúng tôi khoảng vài chục năm nay. Vì vậy, trong quá trình sản xuất, độ tin cậy cũng như chất lượng sản phẩm mà họ cung cấp cho chúng tôi đã được chúng tôi kiểm chứng và công nhận.

Hiện tại, chúng tôi đang bắt đầu các mối quan hệ và tạo sự tin tưởng lẫn nhau khi cùng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam. Tôi tin chắc rằng một thời gian tới đây, mối quan hệ giao dịch giữa Samsung và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ngày càng mở rộng hơn.

* Ông có kiến nghị gì để ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển?

Để có thể đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, tôi xin tóm tắt lại 3 ý như sau:

1- Ý chí, quyết tâm của các doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung;

2- Sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam về vốn, chế độ chính sách đầu tư cho doanh nghiệp và tìm đầu ra cho sản phẩm;

3- Sự hợp tác với doanh nghiệp toàn cầu như Samsung của chúng tôi. Thông qua buổi triển lãm này, chúng tôi có giới thiệu quá trình sản xuất linh – phụ kiện điện thoại cho các doanh nghiệp có thể nhìn thấy phần nào họ có thể làm được.

* Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Hàn Quốc đã ký kết. Ông đánh giá thế nào về hiệp định này? Hiệp định có ảnh hưởng thế nào đến kế hoạch sản xuất của Samsung tại Việt Nam?

Với FTA Việt Nam – Hàn Quốc, hiện tại, 2 nhà máy sản xuất ở khu vực phía Bắc của Samsung sản xuất các sản phẩm về IT, nằm ngoài hạng mục được ưu đãi. Sắp tới, khu phức hợp trong TPHCM của chúng tôi sẽ sản xuất điện gia dụng. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ nhận phần nào ưu đãi từ việc ký kết FTA Việt Nam – Hàn Quốc.

* Xin cảm ơn ông!

Theo Trí thức trẻ/CafeBiz