Sếp Huawei Việt Nam nhận xét gì về năng lực kỹ sư người Việt?

VietTimes – Ông Fan Jun, CEO Huawei Việt Nam, nói ông tự hào về đội ngũ kỹ sư Việt Nam: “Họ có tính chuyên nghiệp và luôn giữ được tinh thần học tập. Hợp tác với họ, chúng tôi cũng học được rất nhiều. Đây chính là nhân tài ưu tú để phát triển ngành ICT của Việt Nam trong tương lai”.  
Ông Fan Jun, CEO Huawei Việt Nam.
Ông Fan Jun, CEO Huawei Việt Nam.

Trao đổi về năng lực của kỹ sư Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao như 5G, các giải pháp thông minh cũng như vai trò của các kỹ sư Việt Nam tại Huawei, CEO Huawei Việt Nam chia sẻ, 75% kỹ sư của Huawei Việt Nam là người Việt Nam.

“Họ luôn tuân thủ nguyên tắc lấy khách hàng làm trung tâm, coi việc đáp ứng yêu cầu của khách hàng làm nên tảng để tự yêu cầu bản thân. Trong quá trình giao tiếp với khách hàng, chúng tôi cũng không ngừng học hỏi và nâng cao chính mình. Khách hàng vừa là bạn vừa là thầy.

Tôi rất tự hào vì đội ngũ kỹ sư Việt Nam vô cùng xuất sắc. Cảm ơn họ luôn tin tưởng và ủng hộ bản thân tôi cũng như khách hàng”, ông nói.

Ông nhận định, họ có tính chuyên nghiệp và luôn giữ được tinh thần học tập. “Hợp tác với họ, chúng tôi cũng học được rất nhiều, cũng khiến cho việc hợp tác của chúng tôi càng trở nên có chiều sâu hơn. Những nhân tài ưu tú này chính là lực lượng kiên trung để phát triển ngành ICT của Việt Nam trong tương lai”, CEO Huawei Việt Nam nói thêm.

Chia sẻ thêm về việc đào tạo năng lực kỹ sư tại chỗ, ông Fan Jun cho biết trong 20 năm qua, Huawei luôn coi bản thân mình là một doanh nghiệp Việt Nam và đã liên tục đầu tư vào việc đào tạo tài năng và chuyển giao kỹ năng cao cấp trong ngành ICT tại Việt Nam.

Trong việc bản địa hóa công ty, đặt so sánh giữa Huawei Việt Nam và một doanh nghiệp tương tự là Coca Cola thì số lượng người Trung Quốc tại Huawei Việt Nam nhiều hơn hẳn, trong Coca Cola chỉ có chưa đến 3 người nước ngoài. Tuy vậy, ông Fan Jun vẫn khẳng định, bản địa hóa luôn là chiến lược phát triển tại các nước của Huawei. Hiện nay tỉ lệ nhân viên Việt Nam tại Huawei Việt Nam đang ở mức trên 75%. Cũng theo ông Fan Jun, tỷ lệ này bị chi phối mạnh bởi yếu tố ngành nghề và trong mảng ICT thì tỷ lệ nhân sự bản địa như vậy đã đạt mức rất cao.

Huawei trao tặng máy tính cho các trường học ở vùng sâu, vùng xa với mong muốn góp phần bắc cây cầu số đưa các em đến với máy tính, Internet và tiếp cận các tri thức mới.
Huawei trao tặng máy tính cho các trường học ở vùng sâu, vùng xa với mong muốn góp phần bắc cây cầu số đưa các em đến với máy tính, Internet và tiếp cận các tri thức mới. 

Thực tế, ngành ICT là lĩnh vực công nghệ cao, việc nghiên cứu phát triển chú trọng nhất tới sự ủng hộ về mặt nhân tài, trong khi đó, tầng lớp thanh niên Việt Nam khá đông đảo, họ có chí tiến thủ và tràn đầy năng lượng. CEO Huawei Việt Nam dự đoán sẽ có ngày càng nhiều những người trẻ học tập công nghệ thông tin và khoa học cơ bản, như toán học, vật lý, nhiệt lực học, hóa học, công nghệ vật liệu… Bởi, đột phá trong công nghệ mới được sản sinh trong quá trình nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu cơ bản và khoa học cơ bản là nền tảng để hồi sinh nền công nghiệp của một quốc gia.

Tuy nhiên, ông nhận định, việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam hiện nay mới đang ở giai đoạn sơ khai, chủ yếu tập trung cho việc đào tạo bồi dưỡng nhân tài, phát triển hệ sinh thái công nghiệp lớn.

“Chúng tôi tin rằng, với nỗ lực trong những năm qua, nếu thời cơ chín muồi, chúng tôi sẽ suy nghĩ tới việc hợp tác nghiên cứu phát triển sâu hơn nữa, cũng rất hy vọng những người trẻ trong lĩnh vực ICT tại Việt Nam nhanh chóng trưởng thành”, CEO Huawei Việt Nam nhấn mạnh.

Trao đổi về một trong những vấn đề “nóng” nhất của ICT Việt Nam hiện nay, câu chuyện phát triển 5G, CEO Huawei Việt Nam thẳng thắn, với sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam hiện nay, Việt Nam có lợi thế trong việc phát triển công nghệ 5G. Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư của các nhà mạng xuất phát từ nhu cầu kinh doanh của chính họ và nhu cầu của xã hội. Các công ty khác nhau sẽ có các giai đoạn phát triển khác nhau.

Việc hiện thực hóa 5G cần 4 điều kiện cơ bản: Chính sách nền công nghiệp quốc gia, quy hoạch tần số, sự chuẩn bị của hạ tầng ứng dụng và đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhân tài. Trong đó, quy hoạch băng tần cũng là một dấu mốc quan trọng của một quốc gia trong quá trình xây dựng ICT. Và bản thân việc triển khai mạng 5G liên quan đến toàn bộ chuỗi công nghiệp của thiết bị đầu cuối, thiết bị hệ thống, mạng lõi, truyền dẫn, liên quan đến hàng ngàn doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có liên quan này đều có thể cùng góp phần xây dựng hệ sinh thái.

Trong tương lai, “chúng tôi sẽ đầu tư nhiều hơn vào ngành 5G và cũng sẽ phán đoán khả năng phát triển 5G trong tương lai. Ví dụ như tận dụng các đặc tính của công nghệ 5G như băng thông lớn, độ trễ thấp và nhiều kết nối để đưa các dịch vụ “lên đám mây”. Những kịch bản kinh doanh này là hệ sinh thái rất mạnh”, ông Fan Jun nói thêm.