Ông Lê Quang Tự Do chia sẻ, việc kiểm tra TikTok đã được Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành từ tháng 5 và đến nay đang bước vào những khâu cuối cùng. Khoảng 1 tháng nữa có kết quả, Cục sẽ tổ chức họp báo để thông tin cho báo chí. Việc kiểm tra hoạt động của nền tảng xuyên biên giới có nhiều phức tạp hơn so với các nền tảng nội địa, vì thế thời gian kiểm tra tương đối dài.
Như thông tin báo chí đã đăng tải từ trước đây, Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành kiểm tra toàn diện TikTok ở 8 nội dung, bao gồm:
Thứ nhất, kiểm tra việc chấp hành các quy định về hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội cho người sử dụng trong nước gồm: Quy trình kiểm duyệt thông tin, xác thực người dùng, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam, xử lý khiếu nại của người dùng; Thuật toán phân phối, đề xuất nội dung cho người dùng; Thu thập, quản lý, lưu trữ, sử dụng dữ liệu của người dùng; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.
Thứ hai, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quảng cáo. Thứ ba, việc quản lý người nổi tiếng, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trên TikTok.
Thứ tư, việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em; Phòng, chống tệ nạn xã hội trên không gian mạng. Thứ năm, đánh giá tác động của TikTok đối với thanh, thiếu niên.
Thứ sáu, kiểm tra việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Thứ bảy, kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế và Thứ tám là đánh giá tác động, ảnh hưởng của TikTok đến xu hướng và vai trò của truyền thông chính thống.
Định danh người dùng trên mạng xã hội
Một vấn đề khác cũng được ông Lê Quang Tự Do nêu ra tại buổi họp báo của Bộ Thông tin và Truyền thông, đó là tầm quan trọng của định danh người dùng trên mạng xã hội
Về vấn đề này, ông Lê Quang Tự Do chia sẻ rằng có nhiều người quan niệm mạng xã hội là ảo, mà ảo thì có thể nói bất cứ điều gì trên đó mà không bị xử phạt. Đây là quan điểm sai lầm, bởi những phát ngôn sai lệch trên mạng có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến uy tín của các tổ chức, cá nhân. Việc định danh người dùng sẽ khiến họ trở nên cẩn trọng hơn trong phát ngôn, hạn chế đăng tải các tin giả, tin sai lệch.
Ông Lê Quang Tự Do đề xuất báo chí tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để người dùng mạng xã hội nhận thức được quyền và nghĩa vụ của mình khi phát ngôn và đăng tải các nội dung trên mạng, đồng thời để người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc định danh trên mạng xã hội.
Việc định danh tài khoản trên mạng xã hội sẽ giúp người dùng bảo vệ tài khoản khỏi nguy cơ bị đánh cắp, cũng như hạn chế rủi ro bị mất tiền do những kẻ lừa đảo gây ra. Việc định danh cũng giúp không gian mạng an toàn và hữu ích.
Bảo vệ bản quyền trên không gian mạng
Về bảo vệ bản quyền trên không gian mạng, ông Lê Quang Tự Do cho biết, thời gian qua các vi phạm chủ yếu được biết đến ở các giải bóng đá, thi đấu thể thao quốc tế, chẳng hạn như giải Ngoại hạng Anh. Theo đánh giá của đối tác K+ thì Việt Nam là một trong số ít các quốc gia bảo vệ bản quyền giải Ngoại hạng Anh tốt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng các website lậu chiếu phát các trận đấu Ngoại hạng Anh, mà vi phạm trầm trọng nhất là website Xôi lạc. Thống kê trong 4 trận đầu tiên của giải Ngoại hạng Anh năm nay, đã có 3200 đường link khác nhau trình chiếu trận đấu, riêng Xôi lạc có 20 tên miền khác nhau.
Khi bị phát hiện và ngăn chặn, các website lậu có thể đổi IP, tên miền trong vòng 5 đến 10 phút để tiếp tục livestream nội dung vi phạm. Ông Lê Quang Tự Do nói rằng cuộc chiến với website lậu là một cuộc chiến cam go. Mặc dù đã có quy định pháp luật xử lý tình trạng này, cũng như việc ngăn chặn về mặt kỹ thuật là khả thi, nhưng cần một lực lượng trực chiến liên tục, cũng như giải bài toán về cơ chế phối hợp, con người và tài chính cho hoạt động ngăn chặn website lậu.