|
(Ảnh minh hoạ) |
Theo ông Phan Chí Hiếu - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Nghị quyết số 172/NQ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng đã xác định rõ các mục tiêu tổng quát, đưa ra 4 định hướng lớn cùng các nhóm giải pháp, nhiệm vụ đồng thời phân công cụ thể trách nhiệm cho các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội công chứng viên Việt Nam trong việc phát triển nghề công chứng tại Việt Nam.
“Nghị quyết là căn cứ pháp lý quan trọng để tạo cơ hội phát triển lớn cho nghề công chứng tại Việt Nam trong thời gian tới. Để triển khai hiệu quả các nội dung của Nghị quyết vào thực tế, chúng ta cần nắm được các nội dung chính, các chính sách, phương hướng, nhiệm vụ, đặc biệt là các giải pháp mới đã được xác định trong Nghị quyết để tham mưu thực hiện và thực hiện phù hợp, hiệu quả theo chức năng nhiệm vụ được giao” - Thứ trưởng Phan Chí Hiếu chia sẻ.
Cũng theo ông Hiếu, để xây dựng dự thảo Nghị quyết, Cục Bổ trợ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Tư pháp địa phương, Hiệp hội công chứng viên Việt Nam, Hội Công chứng viên một số tỉnh, các công chứng viên trên toàn quốc nhằm chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt nội dung.
Bên cạnh đó, ông Hiếu cho hay, Nghị quyết đã đề cập toàn diện các nội dung liên quan đến chính sách phát triển nghề công chứng, xác định rõ các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hành nghề công chứng, trong việc thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động này; phát huy trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên.
Theo Thứ trưởng Hiếu, mục tiêu cuối cùng cần hướng tới đó là việc triển khai Nghị quyết hiệu quả trong thực tế, từ đó góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cả về tổ chức và hoạt động để nghề công chứng phát triển bền vững, ổn định, tham gia ngày càng sâu vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phát biểu tham luận, ông Phạm Văn Hưng - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sơn La - cho biết, là địa phương vùng xa, địa hình miền núi nên hoạt động của các phòng công chứng gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu hụt đội ngũ công chứng viên. Vì vậy, theo ông Hưng, Bộ Tư pháp cần cần nghiên cứu ban hành chính sách phát triển tổ chức hành nghề công chứng đối với các địa phương đặc thù, ở vùng núi, biên giới, kinh tế khó khăn. Trong đó, cần duy trì hoạt động của phòng công chứng để làm nền tảng và giữ vai trò chủ đạo trong việc cung ứng dịch vụ công.
Ngoài ra, ông Hưng cũng đề nghị Bộ Tư pháp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng theo hướng kết nối, chia sẻ dữ liệu về đất đai, nhà ở, doanh nghiệp, dân cư với cơ sở dữ liệu công chứng bảo đảm việc kết nối liên thông giữa các Sở, ban ngành có liên quan với các tổ chức hành nghề công chứng.
"Cần hoàn chỉnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng theo quy định của Luật Công chứng và thực hiện thí điểm liên thông khi có yêu cầu của cá nhân, tổ chức đối với thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế…" - ông Hưng đề xuất.
Là một trong 3 địa phương sẽ tiến hành thí điểm liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất và thuế, ông Ngô Quang Giáp - Giám đốc Sở Tư pháp Hải Dương - cho rằng, việc liên thông các thủ tục là việc cần thiết để minh bạch hóa, chống nạn giấy tờ giả và hỗ trợ người dân thực hiện các giao dịch thuận lợi, nhanh chóng.
“Tuy nhiên, đây là vấn đề khá mới nên đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp các Bộ ngành liên quan như Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng, Bộ Công an,… để tạo thuận lợi cho địa phương trong quá trình thí điểm” – ông Giáp nói
Đồng quan điểm với lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Sơn La, ông Tuấn Đạo Thanh - Chủ tịch Hiệp hội công chứng viên Việt Nam nhiều lần nhắc tới đề nghị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng nhằm giúp đẩy lùi vấn nạn giấy tờ giả, giao dịch giả hiện nay đồng thời góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức.