Theo đó, chạy quá tốc độ, điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quy định, chạy xe máy trên đường cao tốc... đều là các hành vi bị tăng mức hình phạt nặng so với quy định hiện nay.
Vượt mức nồng độ cồn bị xử phạt tới 18 triệu đồng
Một trong những lỗi bị tăng nặng mức xử phạt là người sử dụng phương tiện có nồng độ cồn vượt mức. Theo đó, người điều khiển xe máy có nồng độ cồn trong người vượt mức cho phép sẽ bị phạt lỗi thấp nhất từ 3 - 4 triệu đồng. Với người điều khiển ô tô, vi phạm lỗi này bị phạt mức cao nhất 16 - 18 triệu đồng (mức phạt này theo Nghị định 171 hiện nay là 10 - 15 triệu đồng).
Nghị định mới cũng tăng mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. Cụ thể, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (GPLX) từ 22 - 24 tháng hoặc phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng. Theo Nghị định số 171/2013/NĐ - CP thì hành vi vi phạm này chỉ bị phạt từ 8 - 10 triệu đồng.
Nhiều hành vi khác gây uy hiếp tới an toàn giao thông cũng bị áp dụng mức xử phạt rất cao, ví dụ như chở quá tải. Theo đó, với lái xe và chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa vi phạm về vận tải đường bộ các mức chở vượt từ 20 - 50%, 50 - 100%, 100 - 150% tải trọng cho phép sẽ phạt tiền từ 8 - 12 triệu đồng. Đối với chủ phương tiện, phạt tiền từ 28 - 32 triệu đồng với cá nhân; từ 56 - 64 triệu đồng với tổ chức. “Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng GPLX 3 - 5 tháng, bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phải hạ phần hàng quá tải, dỡ phần hàng vượt quá kích thước”, Nghị định 46 nêu.
Theo ông Trịnh Xuân Thủy, Chánh thanh tra Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nếu một xe tải vừa vi phạm chở quá tải trên 150%, vừa vi phạm kích thước thành thùng, nếu lái xe và chủ xe là cá nhân thì mức phạt lên đến 90 triệu đồng, là tổ chức thì mức phạt cao nhất lên đến trên 130 triệu đồng...
Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (ATGTQG) Nguyễn Trọng Thái cho rằng, khi điều kiện hạ tầng đã tốt lên, tốc độ phương tiện được tăng thêm, việc tuân thủ luật pháp khi tham gia giao thông và xử phạt nghiêm minh để răn đe là cần thiết. “Việc phải tăng mạnh mức xử phạt đối với các nhóm hành vi vi phạm về nồng độ cồn, chở người và hàng quá tải vì theo thống kê, số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia, chở quá tải chiếm phần lớn. Tỷ lệ này có xu hướng ngày càng gia tăng thời gian gần đây”, ông Nguyễn Trọng Thái nhấn mạnh.
Có lo ngại tình trạng chung chi?
Ủy ban ATGTQG thống kê 6 tháng đầu năm, tai nạn giao thông (TNGT) trên cả nước giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Cả nước đã xảy ra 10.227 vụ TNGT, làm chết 4.362 người, làm bị thương 8.939 người. So với cùng kỳ năm 2015 giảm 952 vụ (giảm 8,52%), giảm 116 người chết (giảm 2,59%), giảm 1.213 người bị thương (giảm 11,95%). Tuy nhiên, vẫn còn 22 địa phương có số người chết vì TNGT tăng, trong đó 12 tỉnh tăng trên 10%. Đặc biệt, vẫn xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGTQG Khuất Việt Hùng nhận định: Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do ý thức tuân thủ pháp luật ATGT của không ít người điều khiển phương tiện tham gia giao thông hạn chế, coi thường pháp luật; hiện tượng dung túng, tiếp tay cho hành vi vi phạm còn nhiều... Do vậy, việc tăng nặng các mức xử phạt vi phạm giao thông theo Nghị định 46/2016/NQ - CP tới đây sẽ góp phần răn đe vi phạm.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, việc tăng mức xử phạt giao thông nếu không triển khai nghiêm túc và triệt để sẽ dẫn đến tình trạng chung chi. Bởi vì mức phạt cao nên “để tiện đôi đường” người vi phạm thường có tâm lý thỏa thuận hoặc “cưa đôi” mức phạt với lực lượng chức năng để tránh bị lập biên bản. Hiện nay, một chiếc xe máy có trị giá thấp có giá chỉ từ 10 đến 15 triệu đồng, nhưng theo quy định tại Nghị định 46/2016/NQ - CP, một lỗi vi phạm lớn nhất chủ xe sẽ bị phạt 14 triệu đồng. Với mức phạt này, người dân sẽ nghiêng về phía chạy chọt, thỏa thuận hơn là để lập biên bản rồi đi nộp phạt.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Huyện lại cho rằng, nâng mức phạt sẽ giảm tình trạng chung chi, bao che. “Khoảng 10% số xe quá tải còn lại hiện nay rơi vào các đối tượng cố tình không chấp hành và có lực lượng ‘bảo kê’. Việc nâng mức phạt sẽ làm công tác kiểm soát xe quá tải bền vững, có tính lan tỏa, đặc biệt sẽ giảm tình trạng chung chi, bao che. Với mức phạt lớn, bản thân người nhận cũng không dám chung chi. Khi đã nhận rồi mà không ‘bảo kê’ được, rất dễ xảy ra đấu tố lẫn nhau. Chưa kể đến việc thoát được địa phương này nhưng sang địa phương khác sẽ bị bắt, lái xe và doanh nghiệp sẽ không đủ sức chung chi mãi”, ông Huyện nêu quan điểm.
Trong bối cảnh tai nạn giao thông vẫn đang là vấn đề bức xúc, các chuyên gia giao thông cũng lưu ý rằng, để giảm bền vững tai nạn giao thông, cần giải quyết nhiều vấn đề đồng bộ: tổ chức tốt hạ tầng giao thông, tuyên truyền nâng cao ý thức người tham gia giao thông... chứ không chỉ quá tập trung vào giải pháp: Phạt nặng sẽ nâng cao được tính răn đe.
Theo Báo tin tức