Cụ thể, phóng viên báo Tuổi Trẻ phản ánh: mấy ngày gần đây, các nhà mạng chặn các tin nhắn có từ “bầu cử”, và việc này ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của người dân.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, ông chưa biết có thông tin này, và sẽ cho kiểm tra ngay.
Đồng thời, phóng viên Vietnamnet băn khoăn, hiện nay Uỷ ban Bầu cử Tp.HCM đề nghị các nhà mạng gửi tin nhắn vận động cử tri đi bầu cử, ý tưởng đó có khả thi không, trong điều kiện tin nhắn có hai chữ “bầu cử” đang bị chặn?
“Nếu các ủy ban bầu cử các tỉnh có đề nghị, thì chúng tôi sẵn sàng yêu cầu các nhà mạng nhắn tin vận động nhân dân đi bầu cử”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời.
Bầu ai là quyền cử tri
Liên quan đến chất lượng các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuý khẳng định, tất cả 870 ứng viên đều đủ tiêu chuẩn để bầu vào Quốc hội.
Phóng viên VnEconomy hỏi, theo khẳng định từ Hội đồng Bầu cử Quốc gia thì các ứng viên đại biểu Quốc hội đều đủ tiêu chuẩn và được thực hiện vận động bầu cử công bằng. Nhưng tại đơn vị bầu cử số 2 của tỉnh Yên Bái (5 ứng viên bầu 3 đại biểu) thì có tới 3 ứng viên là nông dân cùng huyện (trong đó có hai chị ở cùng một thôn trong cùng xã) được giới thiệu tranh cử với một vị là Uỷ viên Bộ Chính trị và một tỉnh uỷ viên. Trong trường hợp 3 ứng viên là nông dân cùng trúng cử thì Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý có bình luận gì, khi trong số 500 đại biểu Quốc hội lại có tới 3 nông dân ở cùng một huyện?
Ông Tuý trả lời, danh sách ứng cử viên được lập theo quy trình rất chặt chẽ, đảm bảo đủ tiêu chuẩn. Nhưng cũng cần hiểu là Quốc hội mang tính đại diện, phải tính đến cơ cấu thành phần, nên không thể đòi hỏi các ứng viên đều có trình độ ngang nhau, tuy nhiên bầu ai là do sự tín nhiệm và là quyền của cử tri.
Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tổng số tổ bầu cử trong cả nước đến thời điểm hiện nay là 91.476 tổ với tổng số cử tri cả nước là 69.265.810 người. Hiện nay, các tổ bầu cử đã tiến hành xong việc cấp phát thẻ cử tri.
Về tình hình vận động bầu cử, ông Phúc khẳng định, các hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với những người ứng cử đã diễn ra trong không khí dân chủ, cởi mở, bảo đảm công bằng giữa các ứng viên. Không có sự phân biệt, khoảng cách giữa những người có chức quyền với những người không đảm nhiệm chức vụ hoặc người tự ứng cử.
Thời gian vận động bầu cử sẽ kết thúc trước 7h ngày 21/5/2016, ông Phúc cho biết.
Phóng viên được chứng kiến kiểm phiếu
Theo thông tin từ cuộc họp báo, trong thời gian qua, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã tiếp nhận nhiều đơn thư khiếu nại tố cáo, kiến nghị của công dân. Trong đó, có nhiều đơn, thư không liên quan đến cuộc bầu cử, có nhiều đơn thư nặc danh, nội dung không rõ ràng và trùng lặp, một số trường hợp lợi dụng dịp bầu cử để khiếu kiện những vấn đề đã khiếu kiện trước đây đã được giải quyết.
Hầu hết các đơn, thư khiếu nại, tố cáo đã được nghiên cứu, xem xét chuyển đến cơ quan có thẩm quyền, các tổ chức bầu cử xem xét giải quyết.
Các cơ quan chức năng đã thực hiện các biện pháp đấu tranh, phòng chống âm mưu phá hoại cuộc bầu cử, để bảo đảm an toàn tuyệt đối trước, trong và sau ngày bầu cử.
Ông Phúc cũng thông tin, trong ngày bầu cử, dư luận trong nhân dân về cuộc bầu cử và các ứng viên đại biểu Quốc hội sẽ được báo cáo về Hội đồng Bầu cử Quốc gia, định kỳ hai giờ một lần.
Một điểm rất mới được ông Phúc nhấn mạnh là trong cuộc bầu cử này, những người ứng cử, đại diện cơ quan giới thiệu người ứng cử, các phóng viên báo chí được chứng kiến việc kiểm phiếu.
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cũng cho biết, các phóng viên muốn chứng kiến việc kiểm phiếu phải có thẻ nhà báo đang có hiệu lực và giấy giới thiệu của cơ quan báo chí, để xuất trình cho tổ trưởng tổ bầu cử.
Theo VnEconomy