Sẽ kéo dài cách ly toàn xã hội để khống chế dịch bệnh COVID-19?

VietTimes – Bộ Y tế đề nghị kéo dài thời gian cách ly xã hội, nhằm khống chế dịch bệnh. TP.HCM cũng đánh giá: “Khống chế được dịch là do sự đồng thuận tuân thủ cách ly toàn xã hội của người dân”.
Họp Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 chiều 6/4/2020 (Ảnh- VGP:Quang Hiếu)

Đề xuất kéo dài thời gian cách ly toàn xã hội

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 chiều nay 6/4 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng cách ly toàn xã hội là biện pháp quan trọng để khống chế dịch bệnh. Vì vậy, Bộ Y tế đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét kéo dài thời gian cách ly toàn xã hội sau khi kết thúc 2 tuần thực hiện.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhiều lần nhấn mạnh thực hiện cách ly toàn xã hội là việc làm cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Giai đoạn từ nay đến hết ngày 15/4 được Thủ tướng chỉ đạo cần đặc biệt coi trọng: “Chúng ta không được chủ quan trong phòng, chống dịch. Giai đoạn này cần tập trung, không chủ quan vì vẫn còn ca nhiễm, còn ca chưa tìm rõ nguyên nhân và còn tình trạng lây lan trong cộng đồng.” – Thủ tướng nói.

“Giãn cách xã hội là biện pháp rất quan trọng mà Chính phủ, ban chỉ đạo các cấp, các ngành đã thực hiện. Vậy hiện nay nên tiếp tục hay không? Có cần thiết phải tiếp tục hay như thế nào?”, Người đứng đầu Chính phủ đặt vấn đề.

Thủ tướng nhận định: “Chỉ thị 15, 16 đã làm cho cuộc sống người dân thay đổi nhưng người dân vẫn tuân thủ rất tốt. Lãnh đạo Chính phủ nhận định Việt Nam khống chế được dịch bệnh chính nhờ sự tuân thủ này của người dân”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các Bộ, ngành cùng thảo luận và xem xét việc kéo dài thời gian giãn cách giao tiếp xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục kéo dài giãn cách xã hội (Ảnh- VGP)


Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dự kiến thời gian tới số ca nhiễm không tăng nhanh, mà chỉ xuất hiện một số trường hợp, do người dân đã thực hiện nghiêm túc cách ly toàn xã hội. 

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng cảm ơn nhân dân đã chung sức, đồng lòng chống dịch cho dù phải chịu không ít bất tiện, thậm chí thiệt thòi về lợi ích kinh tế. Đồng thời, Phó Thủ tướng cảnh báo vẫn còn nguy cơ nên không thể chủ quan.

Hà Nội đề nghị cách ly tập trung 24 ngày

Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề xuất cách ly và xét nghiệm tất cả những người nhập cảnh là nhân viên ngoại giao, công vụ, chuyên gia, dù có giấy chứng nhận âm tính. Những trường hợp đặc biệt cần có phương án giải quyết cụ thể, phải xin ý kiến Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông Vận tải.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Hàng không thông báo cho tất cả hãng bay không chở người vào Việt Nam, trừ trường hợp đặc biệt.

Bộ Công an cần chỉ đạo Công an địa phương nắm chặt tình hình người nước ngoài nhập cư để lập danh sách và áp dụng biện pháp quản lý phù hợp.

“Hiện có một lượng người nhập cảnh không giấy tờ tùy thân, cách ly xong không biết đi đâu, không có người thân ở Việt Nam. Chúng tôi đã đề xuất cần có khu tạm trú cho nhóm người này tại khu vực phía nam, do TP.HCM vẫn còn đủ cơ sở cách ly tập trung”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảm ơn người dân đã nỗ lực chống dịch (Ảnh: VGP)


Trước tình hình phức tạp khi Hà Nội ngày hôm qua vừa phát hiện một bệnh nhân ủ bệnh tới 24 ngày, lãnh đạo Hà Nội đề nghị các quận, huyện tiếp tục rà soát, cách ly ngay các trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai “vì đây vẫn là ổ dịch tiềm tàng nguy cơ lớn” – Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói.

Ông Chung cũng đề nghị các quận, huyện xem xét kéo dài thời gian cách ly lên tới 24 ngày. Với những trường hợp đã hết 14 ngày cách ly và trở về gia đình, chủ tịch xã, phường phải yêu cầu họ tự cách ly tại nhà thêm 14 ngày để tránh dịch lây lan ra cộng đồng.

Người dân đồng thuận thực hiện cách ly toàn xã hội

“Gần một tuần lễ sau khi cả nước thực hiện cách ly xã hội và hai tháng nỗ lực khống chế dịch bệnh đã có những thành công nhất định” – Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định tại cuộc họp chiều 6/4. 

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cũng khẳng định: "TP.HCM quyết liệt thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly toàn xã hội, đã triển khai 62 chốt kiểm dịch COVID-19 xung quanh thành phố nhưng không “ngăn sông cấm chợ”.

Các doanh nghiệp hỗ trợ tiền bạc, vật chất, trang thiết bị y tế chống dịch. TP.HCM đã thu nhận hơn 81,6 tỷ đồng tài trợ cho công cuộc chống dịch COVID-19 và hạn mặn miền Tây. Người dân đồng lòng tuân thủ các chính sách nghiêm ngặt về phòng chống dịch bệnh mà chính quyền đưa ra.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp Ban Phòng, chống COVID-19 (Ảnh-TTBC)


Bí thư Thành ủy TP.HCM đánh giá cao sự đồng lòng của người dân, ông cũng bày tỏ tin tưởng vào kết quả chống dịch COVID-19.

“Ở tuyến đầu, đội ngũ y bác sỹ, các quân nhân và nhiều lực lượng khác cũng ngày đêm nai lưng chống dịch không quản hiểm nguy, gian khổ. Ở một “mặt trận” khác, nhiều bệnh viện đang vào cuộc tiến hành test miễn phí hoặc tài trợ các thiết bị đo thân nhiệt, test” – Bí thư Nhân nói.