Trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo quý 3 của Bộ Giao thông Vận tải chiều tối ngày 13/10, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, khi xây dựng Nghị định 18 trước đây có đưa ra việc phải thu phí sử dụng đường bộ với xe máy.
Khi đặt vấn đề này ra, Bộ Giao thông Vận tải đã xin ý kiến rộng rãi người dân, đặc biệt là các tỉnh, thành; trong đó toàn bộ số tiền xe máy sẽ đưa về địa phương để duy tu, sửa chữa các tuyến đường.
Theo tính toán của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, tại thời điểm lập Quỹ bảo trì đường bộ, lúc đó, cả nước có 30 triệu xe máy và hiện giờ là 45 triệu xe. Nếu thu 70.000 đồng/xe thì mỗi năm cũng sẽ thu được trên 3.000 tỷ đồng tiền phí sử dụng xe máy, trong khi phí bảo trì đường bộ thu từ ôtô qua các trạm đăng kiểm cũng chỉ rơi vào khoảng 4.500 tỷ đồng.
“Số tiền này là không hề nhỏ, nếu thu đúng, thu đủ thì sẽ góp phần vào việc nâng cấp tuyến đường địa phương. Việc thu phí bảo trì đường bộ với xe máy không phải là chuyện hỏng đường nên phải thu mà mong muốn người dân góp phần vào công cuộc nâng cấp đường sá”, ông Trường cho biết.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường trao đổi với báo chí chiều 13/10. (Ảnh: Xuân Tùng) |
Theo ông Trường, sở dĩ có việc sau một thời gian thực hiện thu phí bảo trì đường bộ với xe máy rồi lại tạm dừng là do khi thu phí, mặc dù đã đưa về cho các phường nộp cùng với việc đóng tiền đất nhưng trên thực tế xảy ra tình trạng người thu được người không thu được; trong khi đó không có chế tài xử phạt cho nên hiệu quả thu phí không cao.
“Thời gian đầu triển khai thu phí sử dụng đường bộ xe máy đạt tới 50%. Gần đây, tại các địa phương con số thu được chỉ rơi vào 10-15%, đặc biệt năm nay là 5% nên số thu không đủ chi cho người đi thu. Do đó, nhiều địa phương kiến nghị bỏ thu phí bảo trì đường bộ xe máy”, ông Trường cho hay.
Nhận định việc tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ xe máy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn ngân sách và ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định, các địa phương không có nguồn thu phí từ loại phương tiện này sẽ phải tự cân đối nguồn vốn.
“Việc các địa phương kiến nghị bỏ thu phí xe máy là phù hợp với nguyện vọng của người dân nên chúng ta bỏ. Trong phiên họp của chính phủ vừa qua, Chính phủ cũng đã nhất trí là tạm dừng nhưng sẽ theo hướng bỏ hẳn”, ông Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khẳng định.
Trước đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ sáng 30/9 vừa qua, các thành viên Chính phủ đã nhất trí đề xuất tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy trên cả nước từ ngày 1/1/2016.
Nguyên nhân của việc tạm dừng là do trong 3 năm thu phí, số tiền thu được không cao. Trong 2 năm 2013 và 2014, mỗi năm chỉ thu được trên 550 tỷ đồng, còn trong nửa đầu năm nay chỉ được gần 175 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chế tài xử phạt đối với các trường hợp không nộp phí chưa khả thi. Mặc dù việc thu phí này là hoàn toàn phù hợp với Luật Giao thông đường bộ và Pháp lệnh phí, lệ phí, nhưng Bộ GTVT vẫn trình Chính phủ tạm dừng thu loại phí vốn chưa có tiền lệ này.
Còn theo thống kê của Hội đồng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, qua số liệu thu phí thực tế, sau hơn 2 năm thực hiện chính sách thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với mô tô có thể thấy công tác thu phí rất khó khăn, hiệu quả rất thấp.
Năm 2013 và 2014, số thu chỉ đạt khoảng hơn 21% kế hoạch thu. Sang năm 2015, số thu 6 tháng đầu năm 2015 giảm rõ rệt so với cùng kỳ các năm trước và mới chỉ đạt 6,71% kế hoạch năm.
Theo Infonet