|
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo bán đấu giá cả lô cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại CTCP Dược Lâm Đồng (viết tắt: Ladophar - Mã CK: LDP).
Theo đó, SCIC dự kiến sẽ bán toàn bộ hơn 2,49 triệu cổ phần đang nắm giữ, tương đương với tỷ lệ sở hữu 31,88% vốn điều lệ của LDP. Với mức giá khởi điểm là 28.100 đồng/cổ phần, trong trường hợp phiên đấu giá thành công, SCIC sẽ thu về số tiền ít nhất là 70,13 tỷ đồng.
Bản công bố thông tin cho biết mục tiêu thoái vốn nhằm bán cổ phần nhà nước do SCIC nắm giữ tại LDP cho các nhà đầu tư có nguyện vọng tham gia sâu vào điều hành công ty. Việc thoái vốn giúp LDP tìm kiếm những nhà đầu tư có kinh nghiệm tham gia vào quá trình tái cấu trúc và quản trị, điều hành doanh nghiệp, mở rộng sản xuất kinh doanh.
So với các công ty cùng ngành, quy mô vốn điều lệ của LDP không quá nổi bật, chỉ ở mức 78,29 tỷ đồng.
Tuy nhiên, LDP là doanh nghiệp có lịch sử hoạt động lâu năm, là một trong số những công ty vừa sở hữu nhà máy sản xuất (3 nhà máy sản xuất đông dược) và vừa có hệ thống kênh phân phối (trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng).
Giai đoạn 2016 - 2018, thị trường đã chứng kiến làn sóng dòng vốn (chủ yếu là vốn ngoại) tìm đến các doanh nghiệp dược trong nước. Một loạt thương vụ M&A (thâu tóm và sáp nhập) đáng chú ý có thể kể tới như: Taisho Group gom mua cổ phần CTCP Dược Hậu Giang (Mã CK: DHG); Abbott thâu tóm CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (Mã CK: DMC).
Khẩu vị của khối ngoại là các doanh nghiệp có vị thế trong lĩnh vực đông dược, có nhà máy sản xuất nhưng chưa phát huy được tiềm năng. Mặt khác, theo các quy định của pháp luật, nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa được tham gia mảng phân phối dược phẩm.
Vì vậy, việc thâu tóm các công ty dược trong nước sẽ mở ra cơ hội cho những nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia đón đầu tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam.
Trong làn sóng M&A của ngành dược, LDP cũng là một trong những mục tiêu được nhắm tới với sự tham gia của CTCP Đầu tư và phát triển Nguyễn Kim (Nguyễn Kim JSC).
Tính đến ngày 26/2/2019, Nguyễn Kim JSC đã chiếm tỷ lệ sở hữu lớn nhất tại LDP việc nắm giữ hơn 2,64 triệu cổ phần, tương được 33,72% vốn điều lệ. Tiếp đến là SCIC và bà Nguyễn Thị Ánh Mai với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 31,88% và 12,44% vốn điều lệ.
Nhà đầu tư muốn mua cổ phần của SCIC tại LDP cũng cần phải lưu ý rằng, tính đến ngày 3/5/2019, Nguyễn Kim JSC đã nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 51,15% vốn điều lệ của công ty này. Bên cạnh đó, bà Vũ Thu Mười - Ủy viên HĐQT Nguyễn Kim JSC - đã trở thành Chủ tịch HĐQT Dược Lâm Đồng nhiệm kỳ 2018 - 2022.
Báo cáo tài chính bán niên năm 2019 đã soát xét cũng thể hiện, Nguyễn Kim JSC đã cho LDP vay tín chấp 20 tỷ đồng, với lãi suất 6,5%/năm, nhằm bổ sung vốn lưu động.
Như vậy, Nguyễn Kim JSC vẫn sẽ là nhà đầu tư có vị thế hơn cả tại LDP dù kết quả của cuộc đấu giá vào ngày 10/10/2019 sắp tới tại HNX ra sao.
Được biết, Nguyễn Kim JSC là một doanh nghiệp có tiềm lực với quy mô vốn điều lệ đạt 5.000 tỷ đồng (tính đến 31/12/201), hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản và tư vấn quản lý dự án. Công ty này được thành lập vào năm 2007 do ông Nguyễn Văn Kim (sinh năm 1969) làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật.
Ông Kim còn là cổ đông sáng lập của CTCP Thương Mại Nguyễn Kim - đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Tới năm 2015, Tập đoàn Central Group của Thái Lan đã thông qua công ty thành viên là Power Buy mua vào 49% cổ phần của chuỗi siêu thị này.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, vào đầu tháng 8/2019, ông Kim đã nhường lại vị trí Chủ tịch HĐQT của Nguyễn Kim JSC cho người con trai Nguyễn Minh Nhật (sinh năm 1994)./.