|
SCIC báo lãi 7.500 tỷ đồng, có 30.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng (Ảnh: Internet) |
Theo báo cáo hợp nhất, hầu hết các chỉ tiêu tài chính quan trọng của SCIC đều đã giảm trong năm.
45% tài sản là tiền gửi ngân hàng
Tính tới 31/12/2016, tổng tài sản đạt 66.015 tỷ đồng, giảm 7.331 tỷ đồng so với đầu năm; Bao gồm 38.371 tỷ đồng tài sản ngắn hạn và 27.644 tỷ đồng tài sản dài hạn.
Trong tài sản sản ngắn hạn, chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, với giá trị 35.826 tỷ đồng (giảm 1.578 tỷ đồng so với số đầu năm); Chia làm 22.960 tỷ đồng của Tổng công ty và 13.238 tỷ đồng của Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Tuy vậy, SCIC cũng phải dự phòng giảm giá 371 tỷ đồng cho khoản đầu tư này.
Như trước đây, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của SCIC chủ yếu vẫn là tiền gửi ngân hàng. Lưu ý là tuy quy mô tài sản giảm sâu nhưng quy mô tiền gửi ngân hàng lại tăng mạnh so với đầu năm.
Cụ thể, Tổng công ty có 16.586 tỷ tiền gửi ngân hàng (đầu năm là 12.347 tỷ đồng); Còn Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp có 13.238 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng (đầu năm là 12.645 tỷ đồng). Gộp lại, tổng số tiền gửi ngân hàng của SCIC tại thời điểm cuối năm 2016 là 29.824 tỷ đồng, chiếm 77,73% tài sản ngắn hạn và bằng 45,18% tổng tài sản.
Bên cạnh gửi ngân hàng, Tổng công ty cũng dành hơn 6.000 tỷ đồng để đầu tư cổ phiếu, bao gồm 3.898 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu niêm yết và 2.433 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu chưa niêm yết.
Đối với tài sản dài hạn, chiếm tỷ trọng lớn nhất là các khoản đầu tư tài chính dài hạn, với giá trị 27.334 tỷ đồng – giảm mạnh so với mức 32.525 tỷ đồng của đầu năm. Sự sụt giảm này chủ yếu đến từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp – từ 16.794 tỷ đồng xuống còn 12.374 tỷ đồng; Bởi, giá trị các khoản đầu tư tài chính dài hạn của Tổng công ty vẫn ổn định quanh mức 15.000 tỷ đồng.
Nguồn thu của Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp gồm: Nguồn thu từ CPH doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước; Nguồn thu từ các hình thức sắp xếp chuyển đổi khác như giao, bán, giải thể, phá sản với DN 100% vốn nhà nước; Các khoản thu sau cổ phần hóa; Khoản lợi nhuận được chia, cổ tức của phần vốn Nhà nước góp tại các DN đã chuyển đổi do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc TW thực hiện quyền đại diện vốn; Thu từ lợi nhuận sau thuế và khoản chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ của các DN 100% vốn sở hữu nhà nước đã được chủ sở hữu phê duyệt; Khoản lãi tiền gửi của Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tại các NHTM; Các khoản phải thu khác theo quy định của pháp luật.
Nội dung chi của Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp gồm: Hỗ trợ các nông, lâm trường quốc doanh, DN 100% vốn sở hữu nhà nước thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu để giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư và xử lý các vấn đề khác theo quy định của pháp luật; Hỗ trợ kinh phí cho các Công ty mẹ của Tập đoàn Kinh tế; Tcty nhà nước, Công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con không đủ nguồn để giải quyết chính sách cho người lao động dôi dư khi thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu các đơn vị thành viên theo quy định pháp luật; Bổ sung vốn điều lệ cho các Công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Tcty nhà nước nước, DN 100% vốn chủ sở hữu nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính; Đầu tư bổ sung vốn để duy trì hoặc tăng tỷ lệ phần vốn nhà nước đang tham gia tại các DN khác; Đầu tư vào các dự án quan trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Các khoản chi khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Tính tới 31/12/2016, giá trị vốn chủ sở hữu của SCIC là 38.079 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm; Trong đó, vốn đầu tư của chủ sở hữu là 21.886 tỷ đồng và Quỹ đầu tư phát triển là 15.601 tỷ đồng.
Ở hướng ngược lại, nợ phải trả của SCIC là 27.936 tỷ đồng. Hầu hết trong đó là hạng mục Các quỹ phải trả - cụ thể là 27.259 tỷ đồng của Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.
Theo Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg, Thủ tướng đã giao cho SCIC tổ chức giữ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp để thực hiện thu, chi theo quy định của pháp luật và quyết định của cấp có thẩm quyền.
Báo lãi 7.426 tỷ đồng, trình bày lại nhiều số liệu
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất cho thấy, tình hình kinh doanh của SCIC trong năm 2016 khá tương đồng so với năm 2015.
Doanh thu hoạt động đầu tư kinh doanh vốn đạt 10.530 tỷ đồng, không khác biệt nhiều so với mức 10.638 tỷ đồng của cùng kỳ 2015.
Hết năm 2016, SCIC báo lãi trước thuế 8.097 tỷ đồng, giảm gần 600 tỷ đồng so với 2015. Sau thuế, mức lợi nhuận ròng là 7.426 tỷ đồng.
Nên biết, cuối năm 2016, SCIC đã đấu giá thành công 5,4% cổ phần tại Vinamilk, thu về 11.286 tỷ đồng, gấp 28 lần so với giá vốn.
Thuyết minh cho hay, theo kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền, SCIC đã phải trình bày lại một số số liệu của năm 2015.
Cụ thể, so với báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, thì tại báo cáo vừa công bố, SCIC đã điều chỉnh lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 31/12/2015 từ mức lãi 326 tỷ đồng thành lỗ 83,6 tỷ đồng; Tương ứng giảm 406,9 tỷ đồng.
Đồng thời, SCIC cũng phải điều chỉnh lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2015 từ mức 7.850,5 tỷ đồng về còn 7.837,9 tỷ đồng; Tương ứng giảm 12,6 tỷ đồng.
Chi cho nhân viên 436 triệu đồng/người/năm
Theo báo cáo, tổng chi phí dành cho nhân viên của SCIC trong năm 2016 là 118,373 tỷ đồng; Bao gồm 50,101 tỷ đồng chi phí nhân viên trong hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn và 68.272 tỷ đồng chi phí nhân viên quản lý.
Tại 31/12/2016, SCIC có 270 nhân viên giảm 3 người so với mức 273 nhân viên của đầu năm. Tương ứng, số nhân viên trung bình của SCIC trong năm 2016 là 271,5 người.
Tạm tính theo các số liệu trên, mức chi trung bình cho mỗi nhân viên của SCIC trong năm 2016 là 436 triệu đồng/người/năm. Con số này cũng phần nào phản ánh thu nhập hay mức đãi ngộ bình quân mà SCIC đã dành cho cán bộ của mình.
Liên quan đến nhân sự tại SCIC, được biết, sau khi ông Lại Văn Đạo nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/5/2016, tính đến nay – gần một năm trôi qua - Tổng Công ty này vẫn chưa có Tổng Giám đốc mới.
Phó Tổng Giám đốc Hoàng Nguyên Học hiện là người được giao phụ trách Ban điều hành. Ông Học là một trong 5 Phó Tổng Giám đốc đương nhiệm của SCIC, bên cạnh ông Nguyễn Quốc Huy, ông Lê Song Lai, ông Nguyễn Hồng Hiển và ông Nguyễn Chí Thành./.