Bộ Tài chính “đòi” tiền BIDV và Vietinbank
Câu chuyện Bộ Tài chính "đòi" hai ngân hàng BIDV và Vietinbank trả cổ tức bằng tiền mặt đang làm nóng thị trường mấy ngày qua.
Tất nhiên, ai cũng hiểu cơ nguyên sâu xa của động thái này chính là từ những căng thẳng ngân sách và áp lực nợ công. Tuy nhiên, công chúng cũng tự hỏi, là doanh nghiệp cổ phần, BIDV và Vietinbank sẽ phải nghe theo ai, có phải là Đại hội đồng cổ đông – cơ quan có thẩm quyền quyết định cao nhất của Công ty cổ phần, xét theo Luật Doanh nghiệp hiện thời – hay là các mệnh lệnh hành chính.
Được biết, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2016 diễn ra hồi tháng 4, các cổ đông của BIDV đã nhất trí thông qua quyết nghị trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 8,5%, còn VietinBank vì nhiều lý do đã quyết nghị không chia cổ tức. Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2015, cả hai ngân hàng này đều cam kết sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt, tỷ lệ trên dưới 10%
Hiện, phần vốn Nhà nước tại VietinBank là 64,46% (VĐL: 37.234 tỷ đồng), tại BIDV là hơn 95% (VĐL: 34.187 tỷ đồng), do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý và cử người đại diện phần vốn. Như vậy, nếu BIDV và Vietinbank giữ đúng như cam kết đưa ra tại ĐHĐCĐ 2015 – trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% - thì cổ đông Nhà nước sẽ thu về khoảng 5.600 tỷ đồng tiền mặt. Tất nhiên, nguồn thu này sẽ “đổ” về ngân sách và Bộ Tài chính là cơ quan được Chính phủ phân công giữ “tay hòm chìa khóa”.
Liên quan đến nguồn thu cổ tức từ các doanh nghiệp mà Nhà nước tham gia góp vốn, nên biết, Bộ Tài chính đang có một tổng công ty được giao nhiệm vụ tiếp quản, quản lý, kinh doanh và đầu tư nguồn vốn khổng lồ của Nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn quốc doanh.
Đó là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Cổ tức từ hàng trăm pháp nhân mà Nhà nước tham gia góp vốn cũng được chuyển về SCIC, chứ không phải là chuyển trực tiếp về ngân sách.
SCIC dư hơn 2 tỷ USD gửi ngân hàng và mua trái phiếu
Lần đầu tiên sau gần 10 năm ra đời và hoạt động, SCIC đã công bố một bản Báo cáo tài chính (BCTC) với đầy đủ thuyết minh.
Thông tin trong báo cáo này cho hay, tính đến ngày 31/12/2015, tổng tài sản của SCIC đạt hơn 73,3 nghìn tỷ đồng (khoảng 3,3 tỷ USD) trong đó vốn chủ sở hữu đạt hơn 35 nghìn tỷ đồng.
Năm 2015, SCIC ghi nhận lợi nhuận ròng 7.850 tỷ đồng; trong khi tổng nộp ngân sách nhà nước hợp nhất là 6.254 tỷ đồng chia làm: 733 tỷ đồng tiền thuế và 5.521 tỷ đồng các khoản phải nộp khác.
Trong cơ cấu tổ chức của SCIC có hình thành một quỹ trực thuộc với tên gọi Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (Quỹ Doanh Nghiệp) quản lý khối tài sản lên đến 37,8 nghìn tỷ đồng.
Quỹ có tiền thân là Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương (hình thành năm 2008). Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ chính thức ra quyết định chuyển Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương thành Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp và giao cho SCIC tổ chức giữ Quỹ để thực hiện thu, chi theo quy định của pháp luật và quyết định của cấp có thẩm quyền.
Nguồn thu của Quỹ Doanh nghiệp gồm: Nguồn thu từ CPH doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước; Nguồn thu từ các hình thức sắp xếp chuyển đổi khác như giao, bán, giải thể, phá sản với DN 100% vốn nhà nước; Các khoản thu sau cổ phần hóa; Khoản lợi nhuận được chia, cổ tức của phần vốn Nhà nước góp tại các DN đã chuyển đổi do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc TW thực hiện quyền đại diện vốn; Thu từ lợi nhuận sau thuế và khoản chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ của các DN 100% vốn sở hữu nhà nước đã được chủ sở hữu phê duyệt; Khoản lãi tiền gửi của Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tại các NHTM; Các khoản phải thu khác theo quy định của pháp luật.
Nội dung chi của Quỹ Doanh nghiệp gồm: Hỗ trợ các nông, lâm trường quốc doanh, DN 100% vốn sở hữu nhà nước thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu để giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư và xử lý các vấn đề khác theo quy định của pháp luật; Hỗ trợ kinh phí cho các Công ty mẹ của Tập đoàn Kinh tế; Tcty nhà nước, Công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con không đủ nguồn để giải quyết chính sách cho người lao động dôi dư khi thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu các đơn vị thành viên theo quy định pháp luật; Bổ sung vốn điều lệ cho các Công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Tcty nhà nước nước, DN 100% vốn chủ sở hữu nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính; Đầu tư bổ sung vốn để duy trì hoặc tăng tỷ lệ phần vốn nhà nước đang tham gia tại các DN khác; Đầu tư vào các dự án quan trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Các khoản chi khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Với tên gọi là “Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước” song đáng nói khi có tới 2/3 tài sản của SCIC, tương đương với 46 nghìn tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD), đang được đầu tư vào… tiền gửi ngân hàng (25,3 nghìn tỷ đồng) và trái phiếu (20,5 nghìn tỷ đồng) – một kênh đầu tư an toàn nhưng lợi suất thấp, đồng thời cũng là quá đơn giản để thể hiện trình độ “đầu tư và kinh doanh vốn” cho SCIC.
Trong số này, có 12,6 nghìn tỷ đồng tiền gửi và 15 nghìn tỷ đồng đầu tư trái phiếu là thuộc về Quỹ Doanh nghiệp.
Về khoản 15 nghìn tỷ đầu tư trái phiếu của Quỹ, theo phân tích của VietTimes, nhiều khả năng nó đã được “đảo nợ”; Bởi lẽ, tại thời điểm đầu năm 2015, Quỹ cũng có một khoản 15 nghìn tỷ đồng đầu tư trái phiếu ngắn hạn (tức là sẽ đến hạn thanh toán trong năm 2015) nhưng đến cuối năm nó đã “biến mất” và thay vào đó, danh mục các khoản đầu tư tài chính dài hạn lại xuất hiện một khoản đầu tư tài chính dài hạn là trái phiếu cùng với giá trị 15 nghìn tỷ đồng.
Ngoài các khoản trên, Quỹ Doanh nghiệp còn đầu tư 1,5 nghìn tỷ đồng vào cổ phiếu niêm yết và cho vay 6 nghìn tỷ đồng (SCIC không thông tin cụ thể về bên vay).
Trong khi đó, danh mục đầu tư của riêng SCIC sau khi tách bạch các khoản đầu tư của Quỹ Doanh nghiệp, gồm có 17 nghìn tỷ đồng đầu tư cổ phiếu (ghi nhận theo giá trị sổ sách), hơn 12,7 nghìn tỷ đồng tỷ đồng tiền mặt - tiền gửi cùng 5,75 nghìn tỷ đồng trái phiếu và đầu tư khác.
Thu tiền SCIC, gỡ khó ngân sách?
Câu chuyện đầu tư của SCIC, đặt trong bối cảnh căng thẳng ngân sách như hiện nay, đang đặt ra một câu hỏi rằng, liệu đã đến lúc Nhà nước nên thu lại hơn 2 tỷ USD gửi ngân hàng và đầu tư trái phiếu của tổng công ty này để bổ sung vào nguồn thu ngân sách quốc gia (?). Như đã đề cập, Bộ Tài chính thậm chí còn đang “thúc” Ngân hàng Nhà nước để đòi hơn 5 nghìn tỷ đồng cổ tức của BIDV và Vietinbank (!).
Trao đổi với VietTimes về vấn đề này, một chuyên gia kinh tế kỳ cựu, nhiều năm tham gia đảm nhiệm vai trò đại biểu Quốc hội nêu quan điểm: “SCIC chưa cho thấy năng lực đầu tư hiệu quả với nguồn vốn khổng lồ trong tay. Đa phần lợi nhuận của họ đến từ các doanh nghiệp tốt mà họ được tiếp quản vốn góp nhà nước trong đó, như ở Vinamilk hay Dược Hậu Giang chẳng hạn. Trong bối cảnh ngân sách căng thẳng này, tôi nghĩ Nhà nước nên thu lại một phần vốn mà họ đang đem gửi ngân hàng hoặc đầu tư trái phiếu, ít nhất là đối với Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, khi mà quỹ này trên thực tế cũng chưa phát huy được nhiều vai trò”.
Vị chuyên gia cũng phân tích khách quan rằng, trên thực tế, ngoài khoản thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước hàng năm, có thể SCIC vẫn âm thầm đóng góp vào số thu ngân sách, thông qua nghiệp vụ đầu tư trái phiếu chính phủ.
Tuy nhiên, hoạt động này cũng đặt ra vấn đề là, nếu SCIC đầu tư trái phiếu chính phủ, rõ ràng tiền đầu tư là tiền nhà nước nhưng hàng năm nhà nước vẫn phải “đi trả lãi” cho tiền của mình. “Nếu lãi suất 6%/năm thì chỉ với riêng 15.000 tỷ đồng mà Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp bỏ ra mua trái phiếu, ngân sách cũng đã mất 900 tỷ đồng trả lãi mỗi năm. Và nó lại trở thành thành tích đầu tư của SCIC và lãnh đạo của tổng công ty này”.
Ông cũng chỉ ra một kịch bản đối với các khoản tiền gửi ngân hàng của SCIC: “SCIC đem tiền gửi ngân hàng và sau đó ngân hàng đem đầu tư trái phiếu chính phủ, nhà nước lại phải trả lãi hàng năm. Đó là chưa kể việc, nhiều doanh nghiệp, công trình nhà nước thiếu vốn vẫn đang phải đi vay ngân hàng với lãi suất cao”./.
Trao đổi với VietTimes về việc SCIC đầu tư hơn 100 tỷ đồng để thuê văn phòng với thời hạn gần nửa thế kỷ tại tại tòa nhà Charmvit Plaza Tower, một chuyên gia kinh tế đã bày tỏ sự băn khoăn.
“SCIC có chắc mình tồn tại đến năm 2058 mà thuê văn phòng đến lúc đấy, cho dù hoạt động thuê này về bản chất cũng là mua. SCIC thuộc Bộ Tài chính, sao họ không phối hợp với Cục quản lý công sản (cũng thuộc Bộ Tài chính), để tìm một nơi để làm một trụ sở, với đầy đủ quyền sở hữu chứ không phải là thuê. Với hơn 100 tỷ đồng thuê trụ sở tại Charmvit, tôi nghĩ là quá đủ để xây một trụ sở mới”, ông nói.
Vị chuyên gia nhận định, có thể việc thuê trụ sở tại Charmvit thì lãnh đạo SCIC có thể tự quyết được, còn nếu mua mới hoặc xây mới trụ sở thì đó là đầu tư lớn, việc phê duyệt sẽ thuộc thẩm quyền của lãnh đạo cấp cao hơn.
Ninh Giang – Hoàng Nguyên