Sau to tiếng là thì thầm, quản xăng dầu vẫn hở

VietTimes -- Sau khi Bộ Công Thương phát công văn ngày 23/3 “nặng lời” phản ứng về vai trò chủ trì quyết định mức thuế nhập khẩu xăng dầu mới, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã lên tiếng công khai nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, sự “lệch pha” giữa hai bộ trong “quản” xăng dầu xem ra còn lâu kết thúc
Sau to tiếng là thì thầm, quản xăng dầu vẫn hở

Theo nguồn tin riêng của VietTimes, Bộ Tài chính đang khá vướng với những những quy định của nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Oái oăm là để “gỡ” vướng, thì Bộ Tài chính lại phải… chờ Bộ Công thương “gật đầu”.

 Vậy những khiếm khuyết của nghị định 83/2014/NĐ-CP cụ thể là gì, mà sau 1,5 năm có hiệu lực, khi mà Bộ Tài chính đã nhận thấy, thì Bộ Công thương lại chưa kịp “đọc” ra ?

Theo Cục quản lý Giá (Bộ Tài chính), thì cần bổ sung vào nghị định việc yêu cầu cơ sở kinh doanh xăng dầu (thuộc quản lý của Bộ Công thương) phải đảm bảo khả năng kết nối dữ liệu hóa đơn bán hàng với cơ quan quản lý thuế. Và nên xem yêu cầu này như là một điều kiện của kinh doanh xăng dầu, để chấm dứt tình trạng thất thu thuế từ bán lẻ xăng dầu.

Bên cạnh đó là việc nghiên cứu, bổ sung các nội dung cụ thể liên quan đến việc hướng dẫn kê khai giá của các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối và các thương nhân phân phối

Sau đó là cần nghiên cứu bổ sung cơ sở pháp lý vững chắc, rõ ràng, minh bạch hơn cho việc xác định thuế nhập khẩu theo phương án bình quân gia quyền đã được thủ tướng chấp thuận. Đây là điều rất quan trọng trong bối cảnh đang tồn tại nhiều mức thuế suất nhập khẩu xăng dầu khác nhau giữa các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia.

Ngoài ra là các nội dung liên quan tới chuyển loại xăng dầu trong kho ngoại quan, hay là nội dung về tỷ giá ngoại tệ để tính thuế nhập khẩu….cần được hoàn thiện hơn.

Việc sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện nghị định 83/2014/NĐ-CP cần nhanh chóng hơn, khi chính những khiếm khuyết của nghị định là nguyên nhân đầu tiên dẫn tới doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu thu lợi 3500 tỷ đồng từ “lỗ hổng” chênh lệch giữa biểu thuế nhập khẩu và suất thuế quy định tính giá bán lẻ cơ sở.

Để triển khai các bước sửa đổi, bổ sung nghị định 83/2014/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã giao một số cơ quan chức năng của bộ này tiến hành tổng hợp và làm việc với Bộ Công thương nhằm bàn bạc, sửa đổi các khiếm khuyết của nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Tuy nhiên, báo cáo của các cơ quan trực thuộc bộ Tài chính cho thấy việc sửa này là… khó khăn. Lý do vì muốn sửa đổi, bổ sung nghị định này, thì phải đăng ký trước với chương trình xây dựng pháp luật của chính phủ.

Nhưng do nghị định 83/2014/NĐ-CP được Bộ Công thương chủ trì soạn thảo, nên cũng chính Bộ Công thương phải đăng ký sửa đổi bổ sung nghị định này.

Qua rà soát giữa đại diện hai bộ, thì nghị định 83/2014/NĐ-CP lại chưa được Bộ Công thương đưa vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2016 của Chính phủ. Đến nay Bộ Công thương cũng chưa có kế hoạch sửa đổi, bổ sung nghị định.

Nói cách khác, trong khi Bộ Tài chính bảo có, thì Bộ Công thương lại “chưa thấy” nghị định có khiếm khuyết lớn. Trong tình huống này, cố chờ Bộ Công thương thực hiện quy trình tổng kết, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung nghị định thì thời gian sẽ bị kéo dài.

Do vậy, ý kiến các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính đề xuất là tìm cách...lách quy trình, cụ thể báo cáo, đưa những vấn đề liên quan tới sửa đổi, bổ sung nghị định vào nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 3/2016. Từ đó giao Bộ Công thương phối hợp với Bộ tài chính thực hiện sửa đổi, bổ sung nghị định trong thời gian nhanh nhất có thể.

Vậy là, dù đã… hạ giọng nói thầm, thì không vì thế mà Bộ Tài chính, Bộ Công thương bớt “lệch pha” nhau trong quản lý thị trường xăng dầu. Bao giờ hai Bộ “đồng điệu” được trong thì vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ?