Ở Đức, việc làm dồi dào, dự trữ quốc gia tăng lên trong khi các nước châu Âu khác chìm trong nợ nần, và có nhiều cuốn sách được viết về những thứ mà các nước khác có thể học hỏi từ Đức.
Nhưng thời kỳ đó đã qua. Giờ đây, Đức là nền kinh tế phát triển hoạt động yếu kém nhất thế giới, khiến cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) dự đoán nền kinh tế này sẽ suy giảm trong năm nay.
Điều này xảy ra sau khi chiến sự Ukraine bùng phát và sự thiếu hụt nguồn khí đốt tự nhiên giá rẻ đến từ Nga - một cú sốc chưa từng có đối với các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng của Đức, cường quốc sản xuất lâu đời của châu Âu.
Sự kém hiệu quả bất ngờ của nền kinh tế hàng đầu châu Âu đã gây ra một làn sóng chỉ trích và tranh luận về hướng đi của Đức trong tương lai.
Đức có nguy cơ “phi công nghiệp hóa” khi chi phí năng lượng cao và sự thờ ơ của chính phủ đối với các vấn đề kinh niên khác đe dọa đưa các nhà máy mới và công việc lương cao đi nơi khác, Christian Kullmann, Giám đốc điều hành của công ty hóa chất lớn của Đức Evonik Industries AG, cho biết.
Từ văn phòng trên tầng 21 của mình ở thị trấn Essen phía tây nước Đức, Kullmann chỉ ra những biểu tượng thành công trước đó trên khắp khu vực công nghiệp Thung lũng Ruhr lịch sử: ống khói từ các nhà máy kim loại, đống chất thải khổng lồ từ các mỏ than hiện đã đóng cửa, một nhà máy lọc dầu khổng lồ của BP và cơ sở sản xuất hóa chất đồ sộ của Evonik.
Ngày nay, khu vực khai thác mỏ trước đây là biểu tượng của quá trình chuyển đổi năng lượng, điểm xuyết bằng tua-bin gió và không gian xanh.
Mất đi nguồn khí đốt tự nhiên giá rẻ của Nga, vốn cần thiết cho các nhà máy điện, đã “gây tổn hại nặng nề đến mô hình kinh doanh của nền kinh tế Đức”, ông Kullmann nói với hãng tin AP. "Chúng tôi đang phải đối mặt với sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ các yếu tố bên ngoài".
Sau khi Nga cắt giảm phần lớn khí đốt sang EU, khơi dậy cuộc khủng hoảng năng lượng trong khối 27 quốc gia vốn phải nhập khẩu 40% nhiên liệu từ Moscow, chính phủ Đức đã yêu cầu Evonik tiếp tục vận hành nhà máy nhiệt điện than có từ những năm 1960 của mình thêm vài tháng nữa.
Công ty này vốn đang chuyển dịch từ nhà máy – nơi có ống khói cao 40 tầng chuyên sản xuất nhựa và các hàng hóa khác – sang 2 máy phát điện chạy bằng khí đốt mà sau này có thể chạy bằng nhiên liệu hydro, theo như kế hoạch trung hòa carbon vào năm 2030.
Một giải pháp được tranh luận sôi nổi, đó là mức trần do chính phủ đưa ra đối với giá điện công nghiệp để đưa nền kinh tế vượt qua quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo.
Ngành công nghiệp “khát” năng lượng
Giá khí đốt đã tăng gần gấp đôi so với năm 2021, gây tổn hại cho các công ty vốn cần nhiều năng lượng để giữ cho thủy tinh hoặc kim loại nóng chảy 24 giờ mỗi ngày, để sản xuất lớp phủ thủy tinh, giấy và kim loại sử dụng trong các tòa nhà và ô tô.
Đòn giáng thứ hai xảy ra khi đối tác thương mại quan trọng của Đức, Trung Quốc, đang trải qua thời kỳ suy thoái sau nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
Những cú sốc bên ngoài này đã làm bộc lộ nhiều rạn nứt trong nền tảng của Đức vốn bị bỏ qua trong nhiều năm, bao gồm sự chậm trễ trong việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong chính phủ và doanh nghiệp, quy trình phê duyệt các dự án năng lượng tái tạo tiêu tốn nhiều thời gian.
Thêm nữa, số tiền mà chính phủ Đức sẵn có một phần đến từ sự chậm trễ trong việc đầu tư vào đường sá, mạng lưới đường sắt và Internet tốc độ cao ở khu vực nông thôn. Quyết định đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân còn lại của Đức vào năm 2011 đã làm dấy lên nhiều câu hỏi trong bối cảnh lo ngại về giá điện và tình trạng thiếu điện. Nhiều công ty phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động có tay nghề nghiêm trọng, với số việc làm mới chỉ đạt dưới 2 triệu.
Và việc dựa vào Nga làm nguồn cung khí đốt tin cậy thông qua các đường ống Nord Stream dưới Biển Baltic - được xây dựng dưới thời cựu Thủ tướng Angela Merkel nay đã ngừng hoạt động và bị hư hại trong chiến tranh - đã được chính phủ thừa nhận là một sai lầm.
Giờ đây, các dự án năng lượng sạch đang bị trì hoãn do tình trạng quan liêu và sự phản đối. Giới hạn khoảng cách giữa các ngôi nhà khiến việc xây dựng tuabin gió hàng năm ở phía nam Bavaria chỉ dừng lại ở một con số.
Đường dây điện trị giá 10 tỉ euro (10,68 tỉ USD) đưa năng lượng gió từ khu vực phía bắc đến khu công nghiệp ở phía nam đã phải đối mặt với sự trì hoãn tốn kém do phản đối về mặt chính trị liên quan đến các tòa tháp điện. Trong khi đó, nếu chuyển sang phương án cáp điện ngầm, sẽ phải đến năm 2028 mới hoàn thành thay vì 2022, theo dự kiến ban đầu.
Các khoản trợ cấp năng lượng sạch khổng lồ mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra để mời gọi các công ty đầu tư vào Mỹ đã làm dấy lên sự đố kỵ và cũng là lời cảnh báo rằng Đức đang bị bỏ lại phía sau.
“Chúng ta đang chứng kiến sự cạnh tranh trên toàn thế giới của các chính phủ quốc gia nhằm giành lấy những công nghệ tương lai hấp dẫn nhất - hấp dẫn nghĩa là mang lại nhiều lợi nhuận nhất, những công nghệ thúc đẩy tăng trưởng”, Kullmann cho biết.
Ông trích dẫn quyết định của Evonik về việc xây dựng một cơ sở sản xuất lipid trị giá 220 triệu USD – thành phần chính trong vaccine COVID-19 – ở Lafayette, bang Indiana, Mỹ. Ông nói, sự phê duyệt nhanh chóng cùng khoản trợ cấp lên tới 150 triệu USD của Mỹ đã tạo ra sự khác biệt, trong khi các quan chức Đức lại tỏ ra ít quan tâm.
Hậu quả từ chính sách năng lượng
Trong khi đó, các công ty sử dụng nhiều năng lượng đang tìm cách đối phó với cú sốc giá.
Drewsen Spezialpapiere, công ty sản xuất giấy in hộ chiếu, giấy in tem và ống hút giấy, đã mua 3 tuabin gió gần nhà máy của họ ở miền bắc nước Đức để đáp ứng khoảng 25% nhu cầu điện bên ngoài khi họ tách khỏi khí tự nhiên.
Công ty thủy tinh Schott AG, chuyên sản xuất các sản phẩm từ mặt bếp, lọ vaccine cho đến tấm gương dài 39 mét cho đài quan sát thiên văn ELT ở Chile, đã thử nghiệm sử dụng hydro không phát thải thay cho khí đốt tại nhà máy sản xuất thủy tinh của họ.
Kết quả thử nghiệm là khả thi - nhưng chỉ ở quy mô nhỏ, bởi khí hydro hiện chỉ được vận chuyển bằng xe tải. Công ty này cần một lượng lớn hydro được sản xuất bằng điện tái tạo và phân phối bằng đường ống dẫn, nhưng hiện những cơ sở này không sẵn có.
Thủ tướng Scholz đã kêu gọi quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra theo “nhịp độ của Đức”, mức độ khẩn trương tương tự việc thiết lập 4 trạm khí đốt tự nhiên nổi trong vài tháng để thay thế lượng khí đốt nhập từ Nga. Khí tự nhiên hóa lỏng đến các nhà ga bằng tàu từ Mỹ, Qatar và các nơi khác đắt hơn nhiều so với nguồn cung cấp qua đường ống của Nga, nhưng nỗ lực này đã cho thấy Đức có thể làm gì khi cần thiết.
Holger Schmieding, kinh tế trưởng tại ngân hàng Berenberg, cho biết Đức đã trở nên "tự mãn" trong “thập kỷ vàng” tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2010-2020, nhờ vào những cải cách dưới thời Thủ tướng Gerhard Schroeder năm 2003-2005 nhằm giảm chi phí lao động và tăng khả năng cạnh tranh.
“Nhận thức về sức mạnh của Đức cũng có thể góp phần dẫn đến những quyết định sai lầm khi thoát khỏi năng lượng hạt nhân, cấm khai thác khí đốt tự nhiên và đặt cược vào nguồn cung khí đốt tự nhiên dồi dào từ Nga”, ông nói. “Đức đang phải trả giá cho chính sách năng lượng của mình”.
Schmieding, người từng gọi nước Đức là “người bệnh của châu Âu” trong một bài phân tích đầy ảnh hưởng năm 1998, cho rằng ngày nay danh hiệu đó đã trở nên quá lố khi xét đến tỷ lệ thất nghiệp thấp và nguồn tài chính mạnh mẽ của chính phủ. Điều đó mang lại cho Đức cơ hội hành động nhưng cũng làm giảm áp lực phải thay đổi.
Ông cho biết, bước quan trọng nhất trước mắt sẽ là chấm dứt tình trạng bất ổn về giá năng lượng, thông qua việc áp giá trần để giúp đỡ không chỉ các công ty lớn mà cả các công ty nhỏ hơn./.
Đức có thể trở thành nền kinh tế lớn duy nhất ở châu Âu suy thoái trong năm 2023
Chính phủ Đức ngăn chặn công ty Trung Quốc mua công ty khởi nghiệp vệ tinh
Theo AP