Đức có thể trở thành nền kinh tế lớn duy nhất ở châu Âu suy thoái trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Theo dự báo mới của Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, Đức sẽ phải đối mặt với một cuộc suy thoái kéo dài trong năm nay và là nền kinh tế lớn duy nhất ở châu Âu trải qua sự suy thoái trong năm 2023.

Hoạt động sản xuất của Đức hiện đang gặp khó khăn (Ảnh: CNBC)
Hoạt động sản xuất của Đức hiện đang gặp khó khăn (Ảnh: CNBC)

Nền kinh tế Đức bắt đầu gặp khó khăn sau khi chiến sự ở Ukraine bùng phát, trong đó quốc gia này phải nhanh chóng chấm dứt nhiều năm phụ thuộc năng lượng vào Nga. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong tháng 7 cho biết nền kinh tế Đức có thể sẽ thu hẹp 0,3% trong năm nay.

Các nhà kinh tế hàng đầu hiện đang mô tả nền kinh tế Đức như “người bệnh của châu Âu”. Khái niệm này được đặt ra vào năm 1998 khi Đức phải đối mặt với những thách thức kinh tế sâu sắc. Nhưng hiện nay nó lại quay trở lại khi Berlin ghi nhận sản lượng sụt giảm sâu.

Dữ liệu công bố đầu tháng 9 cho thấy hoạt động sản xuất của Đức giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 6/2009, ngoại trừ giai đoạn đại dịch COVID.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế học khác không cho rằng những vấn đề hiện tại của Đức có thể được so sánh với những cuộc suy thoái trước đó.

“Tình hình nước Đức ngày nay khác biệt rất nhiều so với những rắc rối giai đoạn 1995-2004. Thứ nhất, Đức có số lượng việc làm kỷ lục, nhu cầu lao động cao và vị thế tài chính vững chãi nhất trong tất cả các nền kinh tế phát triển. Điều đó giúp cho việc điều chỉnh trước những cú sốc trở nên dễ dàng hơn nhiều”, Holger Schmieding, kinh tế trưởng tại Berenberg, nhận định.

Đà suy giảm chung ở châu Âu

Các dự báo kinh tế mới nhất chỉ ra sự suy thoái chung trên toàn khu vực châu Âu. 27 nền kinh tế EU hiện được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 0,8% trong năm nay. Con số này giảm so với ước tính 1% được đưa ra vào tháng 5.

Bước sang năm sau, bức tranh kinh tế cũng ảm đạm hơn dự báo trước đó. EU dự kiến ​​​​sẽ tăng trưởng 1,4% thay vì dự báo 1,7% - con số được đưa ra trong tháng 5.

“Sự suy yếu của nhu cầu trong nước, đặc biệt là tiêu dùng, cho thấy giá tiêu dùng cao và vẫn đang tăng đối với hầu hết hàng hóa và dịch vụ, điều này gây thiệt hại nặng nề hơn so với dự kiến”, Ủy ban châu Âu cho biết trong một tuyên bố hôm 11/9.

Lạm phát cao tiếp tục là một trong những thách thức chính của EU. Dự báo mới nhất cho thấy giá tiêu dùng sẽ giảm trong những tháng tới, nhưng vẫn có khả năng cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vào cuối năm 2024.

Lạm phát chung của khu vực đồng euro được dự báo ở mức 5,6% vào năm 2023 và sau đó là 2,9% vào cuối năm 2024.

“Lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ cho đến nay vẫn dai dẳng hơn dự kiến, nhưng nó sẽ tiếp tục ở mức vừa phải do nhu cầu giảm bớt dưới tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ và đà tăng giai đoạn hậu Covid giảm dần”, Ủy ban châu Âu cho biết.

Cơ quan này cảnh báo rằng áp lực giá có thể kéo dài lâu hơn. ECB sẽ họp trong hôm thứ Năm tuần này và quyết định xem có tăng lãi suất lần nữa hay không. Ngân hàng Trung ương, kể từ tháng 7/2022, đã tăng lãi suất thêm 4,25 điểm phần trăm trong nỗ lực giảm lạm phát cao lịch sử trong khu vực./.

Theo CNBC