Trong lá thư gửi cổ đông năm 2021, Colin Huang đã giải thích hai lý do đằng sau việc từ chức. Thứ nhất là để đảm bảo sự phát triển chất lượng cao và tốc độ cao của Pinduoduo trong 10 năm tới. Với tư cách là nhà sáng lập công ty, ông nhận thấy mình là người thích hợp nhất để đảm nhận nhiệm vụ này bằng cách bước ra khỏi lĩnh vực kinh doanh và vùng an toàn để bắt tay vào hành trình khám phá. Thứ hai là xóa đi màu sắc cá nhân. Colin Huang hy vọng sẽ dần dần có thêm nhiều nhân tố để định hình nên Pinduoduo.
"Tôi hy vọng rằng ngày hôm nay tôi nghỉ hưu, hội đồng quản trị sẽ giúp nhiều thanh niên độc lập trưởng thành hơn" - tỷ phú Colin Huang viết trong thư.
Sau khi nghỉ hưu, Colin Huang muốn thực hiện một số nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học thực phẩm và khoa học đời sống. Ông nói: “Khi chúng tôi còn nhỏ, giáo viên hỏi chúng tôi muốn làm gì khi lớn lên. Giống như nhiều người, tôi nói rằng tôi muốn trở thành một nhà khoa học. Tôi không thể trở thành một nhà khoa học, nhưng tôi có thể có cơ hội trở thành trợ lý cho nhà khoa học (vĩ đại) trong tương lai. Chúc các bạn thành công."
Tuy nhiên, động thái này của Colin Huang đã khiến Pinduoduo biến động tiêu cực trên thị trường chứng khoán. Kết thúc phiên giao dịch 17/3, giá cổ phiếu của công ty thương mại điện tử Pinduoduo lao dốc tới 7,1%.
Trong con mắt của thế giới, lựa chọn rút lui của Colin Huang vào lúc này rõ ràng là không đúng lúc. Vào tháng 1 năm nay, Pinduoduo đã vướng vào “vụ kiện bóc lột sức lao động”. Một nữ nhân viên 22 tuổi của Pinduoduo đột ngột qua đời trên đường nghỉ làm vào sáng sớm, khiến doanh nghiệp trở thành tâm điểm chỉ trích từ dư luận. Sau đó, vụ việc một nhân viên trẻ khác tự tử tại nhà, "ép" nhân viên từ chức, bị buộc tội bán sách lậu và nhiều vấn đề khác xảy đến khiến Pinduoduo dường như đang trải qua một năm không mấy thuận lợi.
Sau khi Colin Huang từ chức chủ tịch, Pinduoduo chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức.
Giá cổ phiếu của công ty thương mại điện tử Pinduoduo lao dốc sau khi nhà sáng lập từ chức. |
1. Colin Huang từ chức chủ tịch, nhưng Pinduoduo vẫn mang họ "Huang"
Việc Colin Huang từ chức chủ tịch không phải là quyết định một sớm một chiều. Ông đã sớm chuẩn bị để giảm dần sự vướng mắc, dành nhiều tâm sức hơn cho việc đánh bóng sản phẩm và trải nghiệm người dùng của Pinduoduo.
Ngay từ ngày 1/7/2020, Colin Huang thông báo ông sẽ từ chức Giám đốc điều hành, đồng thời tuyên bố rằng Pinduoduo sẽ tiếp tục thiết lập và cải thiện hệ thống đối tác. Colin Huang đăng ký mua 370.772.220 cổ phiếu phổ thông của Pinduoduo theo tên cá nhân của mình (xấp xỉ 7.74 % tổng số cổ phần của công ty) cho tập thể đối tác của Pinduoduo. Ngoài ra, Colin Huang còn quyên góp một số cổ phiếu để làm quỹ từ thiện.
Theo các tài liệu sau đó của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC), tỷ lệ cổ phiếu Pinduoduo do Colin Huang kiểm soát đã giảm từ 43,3% xuống 29,4%. Quyền biểu quyết của ông cũng giảm từ 88,4% xuống 80,7%.
Ngày 25/4/2020, Pinduoduo đã phát hành báo cáo thường niên năm 2019. Đánh giá từ dữ liệu vốn chủ sở hữu được tiết lộ, Tencent - cổ đông lớn thứ hai của Pinduoduo - đã nắm giữ 16,5% cổ phần và 3,4% quyền biểu quyết. Tiếp đến là Banyan Partners Funds với 7,7% cổ phần và 1,6% quyền biểu quyết. Sequoia Funds nắm giữ 7,0% cổ phần và có 1,4% quyền biểu quyết. Shen Nanpeng có 4% cổ phần và quyền biểu quyết là 0,8%.
Có thể thấy, tỷ lệ sở hữu cổ phần và quyền biểu quyết của Colin Huang cao hơn nhiều so với các tổ chức và cá nhân khác.
Tỉ phú Trung Quốc Colin Huang - người sáng lập nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo. |
Sau khi Colin Huang thôi giữ chức vụ CEO của Pinduoduo, quyền biểu quyết siêu cao của ông cũng sẽ mất hiệu lực. Quyền này sẽ được giao cho hội đồng quản trị của Pinduoduo. Colin Huang cũng hứa rằng, cổ phiếu do ông đứng tên cá nhân sẽ tiếp tục khóa trong vòng 3 năm tới và sẽ không bán ra thị trường.
Nhưng ngay cả khi quyền biểu quyết siêu cao của Colin Huang mất hiệu lực, ông vẫn là cổ đông lớn nhất của Pinduoduo và là người kiểm soát tuyệt đối Pinduoduo.
2. Kế thừa phong cách của "bố già" ngành công nghiệp smartphone Trung Quốc - Duan Yongping và "giải nghệ" ở tuổi 40
Duan Yongping xuất hiện trong lễ kỷ niệm 20 năm thành lập BBK Electronics Corp. Ảnh: Tech Wire Asia. |
Cuộc đời của Duan Yongping và Colin Huang luôn là một chủ đề nóng. Colin Huang được gọi là "học trò" thứ 4 của Duan Yongping. Ba người còn lại là Chen Mingyong từ OPPO, Shen Wei từ Vivo và Jin Zhijiang từ BBK Education Electronics.
Truyền thông thế giới biết đến Duan Yongping lần đầu vào năm 2006 khi ông mạnh tay chi 620.100 USD trong cuộc đấu giá bữa ăn trưa với nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett - Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Berkshire Hathaway. Trong bữa trưa này, Duan Yongping đã có cơ hội đưa một người đến dự tiệc, sự lựa chọn của ông ấy là Colin Huang.
Năm 2001, Duan Yongping, khi đó mới 40 tuổi, đã lựa chọn "giải nghệ" và chuyển đến Mỹ để “dưỡng già”. Ông đã vụt sáng và trở thành một huyền thoại trong giới đầu tư.
Là "học trò cưng" của Duan Yongping, Colin Huang cũng tuyên bố từ chức CEO Pinduoduo khi 40 tuổi và bắt đầu tập trung vào nghiên cứu khoa học đời sống và thực phẩm theo đam mê của mình.
Ngày nay, hai người họ đều là huyền thoại trong lịch sử khởi nghiệp Trung Quốc, và họ cũng chọn đường lui ở cái tuổi “không lẫn vào đâu”.
Nhưng không giống như Duan Yongping, quyết định rút lui của Colin Huang không có nghĩa là ông sẽ thành "đám mây tự do", mà là lên kế hoạch cho Pinduoduo trong những thập kỷ tiếp theo.
Mặc dù Pinduoduo đang vướng phải nhiều vụ việc tiêu cực, Colin Huang vẫn tin rằng Pinduoduo sẽ có một tương lai tươi sáng và thậm chí trở thành một tổ chức tầm quốc tế. "Pinduoduo phải hoạt động như một tổ chức công độc lập, thể hiện giá trị xã hội độc đáo, cơ cấu tổ chức và văn hóa minh bạch, đồng thời tiếp tục phát triển theo hướng đi duy nhất của chính nó" - Colin Huang nói trong thư từ chức.
3. Pinduoduo vượt qua Alibaba để trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn nhất tại Trung Quốc
Pinduoduo hiện là sàn TMĐT Trung Quốc có số lượng người mua hàng mỗi năm lớn nhất. Ảnh: WSJ |
Năm 2020, Pinduoduo đã vượt qua Alibaba để trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc. Tính đến cuối năm 2020, số lượng người mua của Pinduoduo đạt 788,4 triệu, tăng 35% so với con số 585,2 triệu cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, số lượng người mua trên Alibaba là 779 triệu người và của JD.com là 472 triệu người. Trong quý IV/2020, doanh thu của Pinduoduo tăng 146% so với cùng kỳ năm trước lên mức 4 tỉ USD.
Tương tự Taobao, JD.com..., Pinduoduo cung cấp nhiều mặt hàng thuộc nhiều danh mục khác nhau. Nhưng độc đáo hơn, công ty kết hợp yếu tố mạng xã hội vào quy trình mua sắm trực tuyến truyền thống.
Đầu năm nay, Pinduoduo công bố kế hoạch đầu tư ít nhất 50 tỉ nhân dân tệ (7,1 tỉ USD) để triển khai các chương trình bán lẻ trực tuyến tại các khu vực nông thôn của Trung Quốc. Đây là động thái giúp tạo ra "cơ sở hạ tầng mới" để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nông sản trên toàn quốc trong vòng 5 năm tới.
Pinduoduo đã trở thành duy nhất kể từ khi “khai sinh” - công ty lên sàn chứng khoán Mỹ chỉ trong vòng ba năm, đạt giá trị thị trường hơn 100 tỉ USD trong năm năm. Sau khi nhà sáng lập từ chức, đây là một phước lành hay một lời nguyền cho Pinduoduo, chỉ có thời gian mới kiểm chứng được.
Theo NetEase