Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang ngày trở nên khốc liệt, ngoài sắc lệnh trừng phạt WeChat hay TikTok, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn đề xuất xóa sổ hàng loạt cái tên Trung Quốc ra khỏi thị trường chứng khoán nước này nếu không đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn về kiểm toán.
Không dừng lại ở đó, theo CNBC hôm 5/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công bố chiến dịch “Clean Network” (Mạng lưới sạch) với mục tiêu chống lại những nhà sản xuất điện thoại và phát triển ứng dụng “không đáng tin cậy” của Trung Quốc.
Tuy thuật ngữ “không đáng tin cậy” không trực tiếp ám chỉ bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào, tuyên bố của chính quyền Tổng thống Trump vẫn được coi là lời cảnh báo gửi đến tất cả nhà sản xuất điện thoại thông minh tại Trung Quốc. Đây là tin xấu với nhiều sản xuất smartphone như Huawei, Xiaomi hay Oppo.
Năm 2019, gã khổng lồ công nghệ Huawei đã phải hứng lấy làn sóng trừng phạt từ chính phủ Mỹ khi xuất hiện trong danh sách đen của quốc gia này, một rào cản pháp lý ngăn sự hợp tác giữa các công ty công nghệ Mỹ với Huawei Technologies.
Trước những thách thức trong tương lai, các công ty công nghệ Trung Quốc cần có phương án để sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.
Nhiều thương hiệu rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”
Theo Android Authority, Google là một trong những công ty quan trọng nhất buộc phải cắt đứt mối quan hệ hợp tác với Huawei.
Kể từ khi Huawei mất quyền truy cập với hệ thống dịch vụ Google năm 2019, công ty này đã phải nỗ lực phát triển hệ điều hành và cửa hàng ứng dụng cho riêng mình.
Vị thế của công ty trên thị trường toàn cầu vẫn được đảm bảo, nhưng đó là nhờ doanh số bán hàng tại thị trường nội địa của Huawei.
Trong trường hợp chính phủ Mỹ tuyên bố tất cả thương hiệu sản xuất smartphone Trung Quốc đều “không đáng tin cậy”, nhiều ông lớn lĩnh vực điện thoại thông minh như OnePlus, TCL, Oppo cho đến Xiaomi có khả năng phải chịu chung số phận.
Để giảm thiểu những tác động do thiếu vắng Google, những thương hiệu smartphone Trung Quốc có thể nhanh chóng gửi thiết bị đến công ty này để được chứng nhận càng sớm càng tốt.
Tuy không chắc chắn có thể kìm chân các lệnh trừng phạt của Mỹ, những nhà sản xuất smartphone Trung Quốc vẫn có thể thiết lập một danh mục thiết bị sắp ra mắt với các dịch vụ của Google để đề phòng lệnh cấm có thể xảy ra.
Ở một giải pháp khác, nhà sản xuất điện thoại thông minh có thể “hồi sinh” những mẫu điện thoại được cấp quyền sử dụng Google. Tuy nhiên, trong bối cảnh người tiêu dùng hiện nay đang ngày càng trở nên thông thái, thủ thuật “bình mới rượu cũ” có khả năng thất bại.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung còn có thể cắt đứt nguồn cung cấp chip xử lý quan trọng của Oppo, OnePlus và Xiaomi. Những thương hiệu điện thoại Trung Quốc này vẫn phải phụ thuộc vào các đơn hàng chip xử lý của Qualcomm hay MediaTek.
Ngay cả khi một công ty như Oppo nếu bước chân vào lĩnh vực thiết kế chip của riêng mình, họ vẫn sẽ bị tụt hậu lại so với đối thủ về sức mạnh, tính năng và độ hiệu quả.
Huawei đang là “tấm gương” tốt nhất hiện nay
Trên thực tế, dù sở hữu một công ty thiết kế chip như HiSilicon, Huawei vẫn rơi vào tình huống “tiến thoái lưỡng nan” khi không thể bắt tay với đối tác gia công chip hàng đầu thế giới như TSMC do lệnh trừng phạt mà chính phủ Mỹ giáng xuống.
Trong khuôn khổ sự kiện hội nghị thượng đỉnh công nghệ Trung Quốc 2020, Richard Yu - CEO mảng Kinh doanh Tiêu dùng của Huawei xác nhận dòng flagship chủ lực Mate 40 sử dụng chip Kirin 1000 sẽ được ra mắt vào mùa thu năm nay.
Ông Yu cũng xác nhận dòng chip Kirin sẽ không được sản xuất kể từ ngày 15/9 sau khi TSMC, công ty gia công vi xử lý chính cho Huawei hoàn thành đơn hàng cuối cùng.
Theo GSMArena, các lãnh đạo của Huawei đã dự đoán trước việc TSMC dừng hợp tác và mua sẵn số lượng lớn chipset Kirin 1000 đủ dùng trên khoảng 15 triệu máy thuộc dòng Mate 40.
Nếu lệnh cấm được mở rộng, nhiều nhà sản xuất smartphone Trung Quốc sẽ không thể tiếp cận công nghệ chip tiên tiến của Mỹ, cho dù các nhà sản xuất bắt đầu tính đến trường hợp phải dự trữ chip ngay lập tức.
Đối với Huawei, gã khổng lồ này tiếp tục chứng tỏ vị thế cũng như tầm nhìn của mình khi liên tục đầu tư vào hệ thống dịch vụ di động thay thế cho Google. Quý II/2020, Huawei đã vượt mặt Samsung để giành vị trí dẫn đầu thị phần toàn cầu, 70% lô hàng của Huawei trong quý đến từ thị trường Trung Quốc.
Hợp tác là hy vọng cuối cùng
Theo Android Authority, một giải pháp khả thi khác nên được các công ty công nghệ Trung Quốc tính tới chính là bắt tay chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Đầu năm 2020, Xiaomi, Oppo, Vivo và Huawei đã hợp lực để thành lập Liên minh Dịch vụ Nhà phát triển Toàn cầu, với mục đích kêu gọi sự tham gia của nhiều nhà phát triển ứng dụng nước ngoài.
Các công ty này gần đây còn cho ra mắt Liên minh Truyền tải Ngang hàng (Peer-to-Peer Transmission Alliance) để hỗ trợ chia sẻ dữ liệu cục bộ giữa các thiết bị, một tính năng trên hệ điều hành Android mà Google đã bỏ qua.
Ngoài ra còn có Liên minh Unified Push, một giải pháp thay thế dịch vụ thông báo của Google có trụ sở tại Trung Quốc, bao gồm sự tham gia của Huawei, OnePlus, Oppo, Vivo, Xiaomi, Realme và cả sự góp mặt của Samsung.
Trước những dấu hiệu leo thang căng thẳng trong mối quan hệ 2 nước, các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ thúc đẩy sự hợp tác giữa những gã khổng lồ sản xuất smartphone tại Trung Quốc. Họ thậm chí có thể đoàn kết để xây dựng giải pháp thay thế hoàn toàn hệ điều hành Android, hoặc phối hợp cùng Huawei phát triển hệ điều hành HarmonyOS.