Cấm WeChat: đòn hiểm của ông Donald Trump đối với Trung Quốc

VietTimes – Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký lệnh hành chính vào ngày 6/8, ngoài việc cấm TikTok của ByteDance, ông cũng ra lệnh cấm tất cả người Mỹ hoặc công ty của Mỹ thực hiện bất kỳ giao dịch nào liên quan đến WeChat của công ty Tencent sau 45 ngày nữa. Điều này gây nên cú sốc đối với người Trung Quốc ở trong và ngoài nước...
Việc ông Trump ra lệnh cấm WeChat bị coi là cắt đứt huyết mạch kết nối giữa người Trung Quốc ở trong, ngoài nước (Ảnh: Creaders).
Việc ông Trump ra lệnh cấm WeChat bị coi là cắt đứt huyết mạch kết nối giữa người Trung Quốc ở trong, ngoài nước (Ảnh: Creaders).

Trang Tin tức thế giới của cộng đồng người Hoa ở Mỹ ngày 8/8 đăng bài viết nhan đề “Nếu WeChat bị cấm, người Hoa ở Mỹ sợ rằng sẽ quay trở lại thời kỳ trước giải phóng (1949) chỉ sau một đêm”.

Bài báo viết, WeChat là một công cụ quan trọng để liên lạc miễn phí và rất thuận tiện giữa người Hoa ở nước ngoài với người thân, bạn bè ở quê nhà. Nhiều người lo ngại một khi WeChat bị cấm hoàn toàn thì chỉ có thể chuyển sang phần mềm ứng dụng khác, nhưng người già thì không thạo về công nghệ, có thể quay trở lại thời kỳ gọi điện toại đường dài. Nhiều tổ chức người Hoa ở địa phương của   dựa vào WeChat để giữ liên lạc với các thành viên và lan truyền tin tức cộng đồng. Phương thức liên lạc này cũng có thể buộc phải thay đổi do lệnh cấm WeChat.

Trần Lệ Na (Chen Lina), người đứng đầu Hiệp hội Y tế Trung Quốc ở quận Brooklyn, thành phố New York, cho biết lệnh cấm WeChat có tác động sâu sắc hơn đến những người già hơn là giới trẻ. Trước đây, khi WeChat mới phổ biến ở New York, người ta phải mất rất nhiều thời gian để dạy họ sử dụng nó để giúp những người già hòa nhập cộng đồng. Sự phụ thuộc của cộng đồng người Hoa vào WeChat đã trở nên thâm căn cố đế. Nếu muốn chuyển sang các công cụ giao tiếp khác, lại phải hướng dẫn cho những người cao tuổi cách sử dụng giao diện và chức năng mới, điều này không thể hoàn thành trong một sớm một chiều.

Nhiều người Hoa ở nước ngoài lo ngại WeChat bị cấm giống như quay trở lại thời kỳ trước năm 1949 (Ảnh: Creaders).
Nhiều người Hoa ở nước ngoài lo ngại WeChat bị cấm giống như quay trở lại thời kỳ trước năm 1949 (Ảnh: Creaders).

Khi biết tin về lệnh cấm, Trần Lệ Na đã tải ứng dụng LINE về dùng thử, LINE có chức năng tương tự như WeChat, bà cho rằng việc sử dụng LINE để đăng các thông tin trong cộng đồng sẽ không gây nên quá nhiều vấn đề. Vấn đề lớn nhất hiện nay là cách thức người Hoa ở nước ngoài liên lạc với người thân và bạn bè ở trong nước Trung Quốc. LINE bị cấm sử dụng ở Trung Quốc; các phần mềm khác của Mỹ ở Trung Quốc đều phải "vượt tường lửa" mới sử dụng được. Những người cảm thấy phiền phức chỉ có thể quay trở lại thời kỳ gọi điện thoại đường dài, nhưng họ sẽ không thể "tán gẫu bao lâu tùy thích hoặc gọi video call khi muốn nhìn mặt người trò chuyện."

Ông La Thiên Phúc (Luo Tianfu), người đứng đầu Trung tâm Dịch vụ người Hoa tại Brooklyn cho biết, ngoài việc gọi điện và gửi tin nhắn, cộng đồng người Hoa rất phụ thuộc vào WeChat để thu thập tin tức. thông tin trong và ngoài nước, cũng như mọi chuyện lớn nhỏ trong cộng đồng. Một khi sự tiện lợi này bị mất đi, sau này sẽ khó có thể lan truyền tin tức nhanh chóng và rộng rãi được; người già không dễ dàng để chấp nhận những điều mới mẻ, vì vậy tôi dự định sắp tới chỉ có thể sẽ gọi điện nhiều hơn để thăm hỏi, an ủi họ.

Ông Thạch, người điều hành một thẩm mỹ viện ở Brooklyn, cho biết trước đây, một bộ phận khách hàng đã sử dụng WeChat để chuyển khoản thanh toán hoặc “bo”thêm, nhưng phần lớn vẫn là sử dụng tiền mặt và thẻ ngân hàng của Mỹ; việc tạm dừng WeChat được cho là không ảnh hưởng gì nhiều; nhưng ông luôn dùng WeChat để quan hệ với các nhà sản xuất Trung Quốc,sau khi lấy hàng đều dùng WeChat để thanh toán. Sau này nếu muốn chuyển khoản điện tử sẽ bị tính phí. "Việc này rắc rối hơn và thời gian xử lý cũng lâu hơn" – ông than phiền.

 Bàn về việc ông Trump tuyên bố cấm WeChat, một bài báo trên Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức ngày 7/8 đã viết: "Chính phủ Mỹ nói rằng chính phủ Trung Quốc sử dụng WeChat để theo dõi, kiểm duyệt nội dung, kiểm soát người Hoa ở nước ngoài và bắt họ tuân thủ kỷ luật. Đây đều là sự thật. Nghiên cứu đã chứng minh điều này và đó là một bí mật đã công khai ở Trung Quốc. Ai muốn gửi qua WeChat cho bạn bè một bài báo trên Frankfurter Allgemeine Zeitung có nội dung chỉ trích chính phủ Trung Quốc có thể không được gửi đi, bởi vì tin nhắn đã được lọc ra trước tiên bởi thuật toán kiểm duyệt và không thể đến được với người khác...”.

Bài báo cho rằng lệnh cấm của Mỹ đối với WeChat và công ty mẹ Tencent có tác động lớn hơn nhiều lệnh cấm đối với TikTok: "Công ty mẹ Tencent của WeChat cũng bán trò chơi điện tử ở Mỹ, có tài sản trị giá gần 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 121 tỷ euro. Giá trị thị trường của Tencent trên thị trường chứng khoán là khoảng 700 tỷ USD và WeChat là cốt lõi của Tencent”.

WeChat là nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất tại Trung Quốc. Vào năm 2018, trên toàn thế giới đã có hơn 1 tỷ người dùng. Người dân Trung Quốc sử dụng hàng loạt dịch vụ được tích hợp vào WeChat, bao gồm liên lạc, thanh toán điện tử, ngân hàng, gọi xe và mua sắm trực tuyến.

Trong thời gian cao điểm của đại dịch Covid-19 tại Trung Quốc, WeChat cũng vận hành các ứng dụng theo dõi sức khỏe, lịch sử đi lại và phát hiện tiếp xúc gần người bệnh, với sự ủy quyền của chính phủ.

Việc Mỹ cấm sử dụng WeChat sẽ khiến quan hệ hai nước Trung - Mỹ càng tồi tệ hơn (Ảnh: udn).
Việc Mỹ cấm sử dụng WeChat sẽ khiến quan hệ hai nước Trung - Mỹ càng  tồi tệ hơn (Ảnh: udn).

Hầu hết dịch vụ nhắn tin có nguồn gốc từ phương Tây như Facebook, Twitter và WhatsApp, đều bị cấm tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Vì vậy, người Trung Quốc ở Mỹ buộc phải sử dụng WeChat để liên lạc với bạn bè, gia đình ở Trung Quốc, cũng như thực hiện các giao dịch kinh doanh và quảng cáo.  Đối với người Trung Quốc ở trong nước và người Hoa ở nước ngoài, WeChat là huyết mạch giao tiếp với nhau.

Bài báo nói về phản ứng của Tiểu Đường, một nữ du học sinh Trung Quốc học luật tại Mỹ trước lệnh cấm WeChat của ông Trump: "Cô ấy tin rằng ông Trump không thể cấm WeChat một cách tùy tiện cho đến khi cơ quan hiến pháp Hoa Kỳ xem xét tính pháp lý của nó. Cô ấy tin rằng sẽ có nhiều hơn những tiếng nói phản đối, bao gồm cả những công ty Mỹ kinh doanh thông qua WeChat ở Trung Quốc. Nếu lệnh cấm cuối cùng vẫn có hiệu lực, Nếu lệnh cấm cuối cùng có hiệu lực, cô sẽ phải sử dụng cái gọi là đường hầm dữ liệu ảo - hay VPN, được sử dụng bằng cách khiến nhà điều hành mạng nghĩ rằng thiết bị đang ở Trung Quốc. Nhưng sẽ rất phiền toái khi phải chuyển VPN hàng trăm lần mỗi ngày. Những người nước ngoài sống ở Trung Quốc biết rõ điều này, để sử dụng Whatsapp bị chặn ở Trung Quốc, họ cũng phải sử dụng VPN.

Tiểu Đường nói, một sự lựa chọn khác ngoài WeChat là dịch vụ QQ của Trung Quốc và QQ cũng có thể được sử dụng ở Mỹ... Cô cho rằng ông Trump muốn sử dụng những động thái này chống lại công nghệ cao của Trung Quốc trước cuộc bầu cử để kéo những cử tri đang dao động về phía mình. Có lẽ nó thực sự hữu ích với ông. Tiểu Đường nói: “Cá nhân tôi cho rằng ông Trump đang đánh trận chiến cuối cùng”.