Sau đền bù, Formosa vẫn “giữ lại” 2.900 tỷ đồng, nhờ được hoàn thuế hơn 14.600 tỷ đồng

VietTimes --Theo Tổng cục Thuế, đến nay số thuế đã hoàn cho Công ty Formosa Hà Tĩnh là hơn 14.600 tỷ đồng và đều thực hiện đúng quy định của pháp luật. Trước đó, khi gây ra "thảm họa" môi trường biển miền trung, Formosa Hà Tĩnh cũng phải chi bồi thường 500 triệu USD, tương đương hơn 11.500 tỷ đồng, 
Formosa Hà tĩnh cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền tương đương trên 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD).
Formosa Hà tĩnh cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền tương đương trên 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD).

Tại buổi họp báo chuyên đề ngày 31/8, đại diện Tổng cục Thuế cho biết cơ quan thuế đã hoàn thuế cho Công ty Formosa tổng số hơn 14.600 tỷ đồng. Trong đó, có 10.601 tỷ đồng là các hàng hóa nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị... do Công ty Formosa nhập khẩu về đã được doanh nghiệp này nộp vào ngân sách nhà nước.

Theo đại diện Tổng cục Thuế thì việc hoàn thuế cho Formosa là hoàn toàn đúng với Luật Thuế giá trị gia tăng. Vì theo Luật Thuế giá trị gia tăng về hoàn thuế đối với các dự án đầu tư mới, sau khi bù trừ nếu số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư mới chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT cho dự án đầu tư.

Formosa là một dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, bắt đầu hoạt động đầu tư ở Việt Nam từ năm 2009. Do vậy, Formosa được hoàn thuế theo đúng quy định của Luật Thuế GTGT đối với doanh nghiệp mới thành lập đang trong giai đoạn đầu tư.

Cùng lúc, Bộ TNMT cũng cho biết doanh nghiệp này đã hoàn thành việc đền bù 500 triệu USD cho sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung. Nếu không có sự cố này, đương nhiên Formosa đã được hưởng toàn bộ số tiền hoàn thuế này, thay vì chỉ là 2.900 tỷ đồng chênh lệch giữa giá trị thuế được hoàn và số tiền đền bù.

Liên quan tới việc hoàn thuế cho Formosa, cơ quan thuế cũng đã từng đặt nghi vấn về các dấu hiệu khai tăng giá trị nhập khẩu tại hợp đồng đối với những mặt hàng được ưu đãi thuế do doanh nghiệp này nhập khẩu. Hiện, Formosa công bố tổng đầu tư của doanh nghiệp này cho khu liên hợp sản xuất thép và cảng nước sâu Sơn Dương là gần 10 tỷ USD. Formosa cũng đã công bố ý định đầu tư mở rộng dự án này lên mức đầu tư đạt 27 tỷ USD. 

Nói cách khác, số thuế Formosa được hoàn sẽ tiếp tục tăng lên, chứ chưa dừng lại ở 14.600 tỷ đồng như cơ quan thuế công bố đã hoàn cho doanh nghiệp này.