Theo The National Interest: tên lửa chống tăng hạng nặng TOW được trang bị trong các trung đội chống tăng của quân đội Mỹ, đồng thời có trong trang bị của quân đội hơn 30 nước khác nhau. Trong quân đội Mỹ, tổ hợp tên lửa TOW được lắp đặt trên các xe cơ giới, xe bộ binh chiến đấu M2 và M3 Bradley, trên trực thăng tấn công AH-1 Corba.
Tên lửa chống tăng BGM-71 TOW là tên lửa chống tăng thiết giáp tầm xa. Tên lửa được chế tạo theo nhiều phương án sử dụng khác nhau như: điều khiền dây dẫn, điều khiển không dây, đầu đạn kép tandem, tấn công mục tiêu tăng thiết giáp và tấn công các công trình công sự vững chắc. Hiện nay, các tổ hợp tên lửa được sử dụng rộng rãi trong quân đội Mỹ và nước ngoài là TOW-2A и TOW-2B.
Trên chiến trường Syria, Iraq, sử dụng chủ yếu là tổ hợp tên lửa chống tăng TOW-2A. Tên lửa TOW-2A được điều khiển bằng dây dẫn, lợi thế này cho phép tên lửa tránh được nhiễu và bức xạ nhiệt trên chiến trường. Để dẫn đạn vào mục tiêu, xạ thủ phải theo dõi đạn tại vị trí bắn và điều khiển đạn bay thẳng vào điểm cần thiết của mục tiêu. Độ chính xác của đường đạn phụ thuộc nhiều vào màn khói ngụy trang hoặc các vật cản che khuất mục tiêu và mục tiêu cơ động trên địa hình.
Với những xạ thủ được huấn luyện kỹ lưỡng, thực hành bắn nhiều lần, TOW-2A có khả năng tiêu diệt các phương tiện bay có tốc độ đến 180/giây, trên khoảng cách đến 3.750 m, nhưng để làm được điều đó cần đến 20 giây điều khiền tên lửa.
Trên chiến trường, trong điều kiện kíp lái các phương tiện tăng thiết giáp có kinh nghiệm, xe tăng, thiết giáp cơ động theo địa hình, khả năng đánh trúng mục tiêu của TOW-2A suy giảm đáng kể.
Đầu đạn của TOW-2 có khả năng xuyên giáp đến 900 mm thép đồng chất. Nhưng theo The National Interest, các xe tăng hiện đại đều được lắp hệ thống giáp chống lại luồng xuyên của hiệu ứng nổ lõm. Trên các xe tăng phương Tây thường sử dung hệ thống giáp tổng hợp nhiều lớp Chobham armour. Trên các xe tăng do Nga chế tạo sử dụng hệ thống giáp phản ứng nổ ERA, kích nổ tên lửa khi va chạm vào giáp bảo vệ và vô hiệu hóa luồng xuyên hiệu ứng nổ lõm.
Hệ thống này gây phiền hà do phải lắp đặt trên tăng, thiết giáp nhưng rẻ hơn và nhẹ hơn giáp tổng hợp nhiều lớp của phương Tây. Để chọc thủng hệ thống giáp phản ứng nổ, tên lửa TOW-2 được thiết kế đầu đạn tandem, nhưng theo các chuyên gia phương Tây, khả năng xuyên giáp ERA không có độ tin cậy cao.
Tên lửa chống tăng TOW-2B có thể tiêu diệt mục tiêu trên khoảng cách đến 4,5 km, được điều khiển vô tuyến. Nhưng ngay cả các tần số được bảo mật cũng không đảm bảo chắc chắn chống được nhiễu trên chiến trường. Nhưng TOW-2B có ưu điểm là khi bay đến gần mục tiêu tên lửa có khả năng lấy độ cao và tấn công tăng thiết giáp từ trên xuống bằng đầu đạn tandem. Phương pháp tấn công này cho phép nâng cao hiệu quả tấn công mục tiêu của tên lửa vào vị trí kém được bảo vệ nhất của xe tăng như nóc tháp pháo, buồng động lực, khoang chứa đạn dược.
Từ góc nhận xét của mình The National Interest thừa nhận là Armata được bảo vệ rất tốt chống lại các đòn tấn công bằng tên lửa chống tăng. Tác giả bài viết nhận định rằng, Armata tương tự như "các quý bà thời Victoria mặc chiếc váy nhiều lớp" để bảo vệ tránh khỏi những cái nhìn ác ý.
Tình báo Anh gọi Armata là cuộc cách mạng của ngành tăng thiết giáp. Vấn đề được đề cập đến là hệ thống phòng thủ tích cực Afghanit, hệ thống này không chỉ cảnh báo kíp xe về nguy cơ mà còn có thể gây tác động kép “cứng” và “mềm” lên tên lửa chống tăng đang đến gần. Hệ thống phòng thủ này cho phép đẩy tên lửa chống tăng bay lạc khỏi quỹ đạo đường đạn.
Những ống phóng đạn khói của xe tăng được bố trí để không chỉ tạo lên bức màn khói dày đặc che chắn thân xe, mà còn tạo ra nhiễu hồng ngoại, phong tỏa và vô hiệu hóa chùm tia radar hoặc laser của đối phương khi ngắm bắn và dẫn trên lửa bằng sóng phản hồi radar – hồng ngoại. Trong tình huống màn khói dày đặc, dù đạn được điều khiển bằng dây dẫn như TOW-2A, xạ thủ vẫn có thể không bắn trúng nếu không nhìn thấy mục tiêu, đặc biệt trong điều kiện xe đang cơ động. Hệ thống này cũng rất hiệu quả khi tiến hành các vụ tấn công từ trên xuống.
Ngoài ra, hệ thống phòng thủ Afghanit tự động kích hoạt các đầu đạn chống tên lửa, có khả năng bắn hạ những tên lửa chống tăng của đối phương bay đến khoảng cách đánh chặn hiệu quả. Mặc dù hệ thống phòng thủ Afghanit chưa từng được thử nghiệm công khai trong điều kiện tác chiến thực tế, nhưng các hệ thống phòng thủ thế hệ trước của nó cho thấy hiệu quả tác chiến của hệ thống phòng thủ Afghanit.
Hệ thống phòng thủ thứ 2 của Armata là hệ thống giáp phản ứng nổ ERA, giáp phản ứng nổ trên xe tăng sẽ phát nổ trong tình huống đầu đạn xuyên giáp tấn công vào hệ thống bảo vệ xe tăng. Vụ nổ của ERA được tính toán sao cho có khả năng vô hiệu hóa được đầu đạn tên lửa chống tăng kép tandem. Hệ thống giáp phản ứng nổ ERA đã chứng minh được hiệu quả bảo vệ xe tăng khi bị tên lửa chống tăng TOW đánh trúng.
Nhiều tình huống thực tế trên chiến Syria cho thấy, xe tăng T-90 không bị phá hủy khi trúng tên lửa TOW. Những chiếc tăng T-90 được bảo vệ bởi hệ thống giáp phản ứng nổ Kontakt – 5. Nhưng trên xe tăng Armata là hệ thống giáp phản ứng nổ hoàn toàn mới.
Giả thiết rằng trên chiến trường, bằng một cách nào đó tên lửa chống tăng có thể xuyên qua được hai hệ thống bảo vệ đã nêu, việc chọc thủng vỏ thép xe tăng cũng sẽ không đơn giản. Mặc dù Armata nhẹ hơn M1A2 Abrams, giáp nhiều lớp vật liệu tổng hợp của Armata có cấu trúc phức tạp khiến độ dày của tấm giáp tương đương với khoảng 1200 – 1400 mm thép đồng chất. Trong khi đó, đầu đạn TOW có khả năng xuyên qua lớp giáp có độ dày 900 mm.
Đề có thể xuyên thủng vỏ giáp tổng hợp nhiều lớp phức hợp của Armata, cần phải liên tiếp tấn công nhiều tên lửa. Nhưng ngay cả trong trường hợp đòn tấn công đánh trúng vào tháp pháo, nơi có vỏ thép mỏng nhất và các bộ phận trong tháp pháo không người bị hư hỏng, kíp xe vẫn an toàn và đưa xe thoát ly chiến trường.
Theo The National Interest, để hiểu được kết quả cuộc chiến giữa TOW với Armata, chỉ có thể là thực tế chiến đấu trên chiến trường tương tự như T-90. Nhưng tác giả cũng cho rằng: “Chúng ta hy vọng rằng một cuộc đấu như vậy sẽ không bao giờ xảy ra”.
TTB