|
Người dân sẽ hưởng lợi với mô hình bệnh viện thông minh |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa phê duyệt Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019-2025.
“Đề án có mục tiêu chung là ứng dụng và phát triển công nghệ số, góp phần xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả, hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Bộ Y tế sẽ xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh, góp phần thực hiện thành công chương trình sức khỏe Việt Nam. Xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, phấn đấu đến năm 2025, bảo đảm 100% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử. Ưu tiên triển khai các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc theo dõi, cảnh báo dịch bệnh trên cả nước. Phát triển các ứng dụng cung cấp tri thức phòng bệnh, khám, chữa bệnh (KCB), chăm sóc sức khỏe người dân.
Đáng chú ý với mô hình “bệnh viện thông minh” cùng hồ sơ bệnh án điện tử triển khai tại các cơ sở KCB, người dân sẽ được sử dụng các dịch vụ KCB tiên tiến và thuận lợi, hạn chế các rủi ro, tai biến khi điều trị.
Ngoài ra, hệ thống KCB thông minh sẽ góp phần giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng KCB, giảm thiểu tối đa các lỗi bất cẩn của con người. Từ đó, xây dựng hình ảnh mới của bệnh viện: văn minh, hiện đại, hết lòng vì bệnh nhân.
Theo PGS.TS. Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), đến nay, Bộ Y tế là bộ, ngành đầu tiên phê duyệt Đề án về chủ động tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kể từ khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị về một số chủ chương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khi Đề án được triển khai sẽ mang lại nhiều hiệu quả kinh tế, xã hội có ý nghĩa.