Theo báo cáo của ngành Giao thông Vận tải, 9 tháng đầu năm 2015 đã có thêm 3 công trình, dự án trọng điểm được khởi công (cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 2; Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh Tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương).
Trong khi đó, trong 9 tháng, ngành giao thông đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng hàng loạt công trình trọng điểm: cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Nhà ga T2 - Cảng hàng không Nội Bài; đưa vào khai thác 770 km dự án quốc lộ 1; thông xe toàn bộ 663 km đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên; hoàn thành dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (giai đoạn 1); đưa vào khai thác 20 km đầu tiên của dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, tại một số công trình, dự án trọng điểm đang triển khai vẫn còn khó khăn, vướng mắc về tiến độ, đặc biệt là các dự án đường sắt đô thị; về vốn giải phóng mặt bằng; về chất lượng công trình, dự án, nhất là đối với các dự án BOT.
Trước thực tế đó, tại phiên họp lần thứ 12 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải hôm 25/9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban Chỉ đạo đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án, Nhà đầu tư thực hiện có hiệu quả chủ trương tiết kiệm chi phí đầu tư, trong đó yêu cầu lựa chọn phương án đầu tư tối ưu, giải pháp kỹ thuật - công nghệ, vật liệu thi công hợp lý; tăng cường quản lý đấu thầu, công tác kiểm soát giá thành xây dựng, định mức, đơn giá công trình.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan có giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong công tác quản lý chất lượng, tiến độ công trình, dự án, đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trên tất cả công trình, dự án; đặc biệt chú trọng công tác khảo sát, thiết kế đảm bảo bền vững công trình, tạo êm thuận tại điểm tiếp giáp giữa đường và cầu.
Bên cạnh đó tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, đặc biệt là với địa phương để kịp thời giải quyết cơ chế chính sách, giám sát quản lý tiến độ thi công, chất lượng công trình, công tác giải phóng mặt bằng. Một số công trình thực hiện giải phóng mặt bằng nhanh nhất từ trước đến nay như quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên cần có tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm.
Riêng với Bộ Xây dựng, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát, cải cách các thủ tục đầu tư, hướng dẫn thực hiện, tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình đầu tư xây dựng, rút ngắn thời gian thực hiện dự án, sớm đưa lại hiệu quả đầu tư cho xã hội; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình thực hiện "Quy hoạch khu dân cư, đô thị" để đồng bộ, thống nhất về công tác quy hoạch; phát huy hiệu quả đầu tư dự án, đặc biệt là các tuyến đường cao tốc.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giao thông vận tải giải quyết nhanh chóng các vướng mắc trong công tác giải ngân; công tác tạm ứng hợp đồng đặc biệt đối với các dự án ODA; tăng cường quản lý công tác kiểm soát vốn đầu tư theo quy định; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, báo cáo Bộ Chính trị phương án sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp để bổ sung vốn đối ứng ODA.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan, đặc biệt là thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu quan tâm, chú trọng chỉ đạo, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng các dự án cụ thể đảm bảo đáp ứng tiến độ thi công công trình, dự án trọng điểm; kịp thời xử lý các trường hợp không chấp hành pháp luật.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý bổ sung Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào danh mục các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải.
Trước đó, hôm 22/9, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCT GT) Trần Xuân Sanh cho biết, tính từ tháng 1-30/9/2015, Bộ Giao thông Vận tải đã khởi công 37 công trình, dự án và hoàn thành 77 công trình, dự án. Dự kiến từ nay đến cuối năm, Bộ Giao thông Vận tải sẽ khởi công 15 công trình, dự án và hoàn thành 40 công trình, dự án.
Liên quan đến tiến độ các dự án, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu Cục QLXD&CLCT GT rà soát cụ thể từng công trình, dự án từ đó đẩy nhanh tiến độ, đáp ứng yêu cầu cả về chất lượng và thời gian.
“Mỗi cây cầu, con đường sớm được đưa vào khai thác ngày nào tốt cho bà con khu vực đó ngày đấy, kinh tế cũng từ đó được thúc đẩy, nâng cao, cải thiện cuộc sống cho người dân có dự án đi qua", Bộ trưởng Đinh La Thăng nhắc nhở.
Liên quan đến dự án sân bay Long Thành, mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh cũng vừa kiến nghị Chính phủ xin cơ chế đặc biệt cho dự án sân bay Long Thành. Lý lẽ của Đồng Nai là nhằm đảm bảo mục tiêu cho dự án được khởi công vào đầu năm 2018, bởi nếu chờ dự án được phê duyệt mới thu hồi đất thì nhiều khả năng việc giải tỏa mặt bằng sẽ bị chậm.
Theo Vnmedia