Samsung và SK Hynix thông báo ngừng bán chip và viễn cảnh bi đát của Huawei

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo trang mạng Sina Tài chính (finance.sina.com.cn) ngày 9/9, do chính quyền Tổng thống Trump thắt chặt các hạn chế đối với Huawei, các hãng Samsung và SK Hynix đã thông báo sẽ ngừng bán chip cho Huawei. Hai công ty này sẽ ngừng mọi giao dịch vào hôm 15/9, cùng ngày với lệnh cấm cung cấp chip của Mỹ cho Huawei có hiệu lực.
Samsung và SK Hynix chấm dứt cung cấp chip sẽ là đòn chí tử giáng vào gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei (Ảnh: Đa Chiều).
Samsung và SK Hynix chấm dứt cung cấp chip sẽ là đòn chí tử giáng vào gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei (Ảnh: Đa Chiều).

Các biện pháp hạn chế mới nhất của Mỹ đối với Huawei đã được đưa ra vào tháng 8, trước đó Mỹ đã thực hiện một loạt các biện pháp khác chống Huawei. Họ cấm các công ty ngoài Mỹ bán các bộ phận và linh kiện được phát triển bằng công nghệ của Mỹ trừ khi các công ty này được sự chấp thuận đặc biệt. Điều này đã đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với Huawei, hãng đã tuyên bố rằng có lẽ không thể sản xuất được chipset Kirin.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Huawei rất quan trọng đối với nhiều công ty khác vì gần đây nó đã trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới. Việc không được cung cấp hàng đã gây ra một cú đánh lớn đối với chuỗi cung ứng trong thời gian ngắn. Ông Dan Hutcheson, Giám đốc điều hành của VLSI Research, một công ty nghiên cứu ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ, nói rằng các hạn chế của Mỹ đối với Huawei đã dẫn đến ứ đọng một lượng lớn sản phẩm chưa bán được trong toàn bộ ngành công nghiệp chip và đề xuất của chính phủ hỗ trợ ngành công nghiệp này là chưa đủ để để lấp đầy khoảng trống cần thiết.

Huawei bị mắc kẹt trong cuộc chiến toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc (Ảnh: stcn.com).
Huawei bị mắc kẹt trong cuộc chiến toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc (Ảnh: stcn.com).

Huawei đã chuẩn bị đối phó với việc bị cắt đứt nguồn cung ra sao?

Để phá vỡ tình trạng khó khăn về chip, cả Huawei và nhiều người trong ngành đã thấy tầm quan trọng của việc tự lực cánh sinh.

Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là lệnh cấm chip của chính phủ Mỹ có hiệu lực. Công ty Huawei Trung Quốc đang gấp rút tăng lượng chip dự trữ trước ngày 15/9 để chuẩn bị cho việc bị “cắt nguồn cung”. Do lệnh trừng phạt của Mỹ, chip Kirin cao cấp của Huawei không thể được sản xuất sau ngày 15/9. Con chip Kirin 9000 dự kiến ra mắt trong năm nay có thể trở thành thế hệ chip Kirin cao cấp cuối cùng. Là nhà sản xuất điện thoại di động và nhà cung cấp thiết bị 5G quan trọng nhất thế giới, việc Huawei đi về đâu dưới áp lực nặng nề của Mỹ đã trở thành tâm điểm chú ý trong và ngoài nước.

Chính phủ Mỹ cấm các công ty Mỹ và nước ngoài sử dụng công nghệ Mỹ cung cấp sản phẩm và giao dịch với Huawei kể từ ngày 15/9 (Ảnh: Sina).
Chính phủ Mỹ cấm các công ty Mỹ và nước ngoài sử dụng công nghệ Mỹ cung cấp sản phẩm và giao dịch với Huawei kể từ ngày 15/9 (Ảnh: Sina).

Chip Trung Quốc đang bị kẹt ở đâu?

Vào ngày 3/9, tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng quốc tế Berlin (IFA) ở Đức, Huawei đã không công bố chip Kirin 9000 mới nhất như thị trường đồn đoán; nghe nói dòng Huawei Mate 40 sẽ là sản phẩm đầu tiên mang chip này của Huawei. Trấp Nhân Quý (Ji Rengui), chủ tịch khu vực châu Âu của tập đoàn Huawei, không đề cập đến thông tin liên quan trong bài phát biểu của mình, mà tập trung vào việc giới thiệu bố trí ở châu Âu của Huawei.

Trung Quốc là nước nhập khẩu chip lớn nhất thế giới, với tổng giá trị nhập khẩu vi mạch tích hợp vượt quá 300 tỷ đô la Mỹ trong năm 2018 và 2019. Theo số liệu do các bộ phận liên quan công bố, tỷ lệ tự cung tự cấp chip của Trung Quốc năm 2019 chỉ chiếm khoảng 30%, phản ánh khoảng cách lớn giữa ngành công nghiệp bán dẫn trong nước và quốc tế.

Ngành công nghiệp chip bao gồm một chuỗi công nghiệp lớn và phức tạp, có thể được chia thành bốn khâu chính: thiết kế, sản xuất, đóng gói và thử nghiệm. Ông Hoàng Hải Phong, một chuyên gia phân tích độc lập cấp cao trong lĩnh vực truyền thông, hôm 3/9 nói với phóng viên Thời báo Hoàn cầu, Trung Quốc đã đạt được khá nhiều thành tựu trong lĩnh vực thiết kế chip. Đặc biệt, chip do Huawei HiSilicon sản xuất đã đạt được một số đột phá, nhưng vẫn còn một số bất cập trong các khâu khác, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất chip. Chuyên gia truyền thông Hạng Lập Cương cũng cho rằng, chế tạo hiện đang là cửa ải khó khăn nhất trong chuỗi công nghiệp chip nội địa.

Hiện tại, hầu hết các sản phẩm của các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc đại lục đều sử dụng chip do Qualcomm và MediaTek Đài Loan sản xuất, riêng Huawei chủ yếu sử dụng chip dòng Kirin do hãng tự phát triển. Tuy nhiên, dù chip Kirin chủ yếu do Huawei thiết kế, nhưng khâu sản xuất chủ chốt vẫn được giao cho TSMC Đài Loan gia công.

Chip Kirin của Huawei chỉ do Huawei thiết kế, việc sản xuất lại do TSMC của Đài Loan thực hiện (Ảnh: resouwang.com)
Chip Kirin của Huawei chỉ do Huawei thiết kế, việc sản xuất lại do TSMC của Đài Loan thực hiện (Ảnh: resouwang.com)

Số liệu thống kê quý 2 năm 2020 do tổ chức nghiên cứu TrendForce công bố cho thấy TSMC là công ty sản xuất chip lớn nhất thế giới với hơn 50% thị phần toàn cầu. Huawei, Apple, v.v. là khách hàng chính của công ty này. Samsung của Hàn Quốc đứng thứ hai với thị phần 18,8% và SMIC của Trung Quốc đứng thứ năm với thị phần 4,8%. Mặc dù SMIC xếp hạng cao, nhưng có khoảng cách vài năm về công nghệ với TSMC và Samsung, những công ty đại diện cho công nghệ tiên tiến nhất. Hiện tại, SMIC chỉ sản xuất được chip 14 nanomet (nm) và phần điện thoại di động Play4T của Huawei Honor được trang bị chip Kirin 710A do công ty này gia công. Ngược lại, cả công nghệ của TSMC và Samsung đều có thể sản xuất hàng loạt chip 7 nm hoặc thậm chí 5 nm. Dòng chip Kirin cao cấp của Huawei chủ yếu là của TSMC.

Kế hoạch “lốp dự phòng” liệu có khả thi?

Theo các biện pháp trừng phạt liên quan được Mỹ công bố vào tháng 5 năm nay, bất kỳ công ty nào cung cấp các sản phẩm bán dẫn có chứa công nghệ của Mỹ cho Huawei đều phải có giấy phép xuất khẩu từ chính phủ Mỹ. Lệnh cấm có hiệu lực vào ngày 15/9. “Công nghệ Mỹ là gì?”, ông Hạng Lập Cương nói với các phóng viên, “Phạm vi này có thể rất, rất rộng. Hệ điều hành Windows mà chúng ta sử dụng và thậm chí cả Word của Microsoft, v.v., đều là công nghệ của Mỹ, vì vậy lệnh cấm của Mỹ tương đương với việc cắt đứt con đường cung cấp chip của thế giới bên ngoài cho Huawei”.

Gian hàng của Huawei tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng quốc tế Berlin (IFA) ở Đức vắng vẻ hơn dự kiến (Ảnh: Sina).
Gian hàng của Huawei tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng quốc tế Berlin (IFA) ở Đức vắng vẻ hơn dự kiến (Ảnh: Sina).

Về lệnh cấm của Hoa Kỳ, Chủ tịch TSMC Lưu Đức Âm đã chính thức tuyên bố: “Còn quá sớm để xác nhận, nhưng dựa trên tình hình hiện tại, Công ty sản xuất chất bán dẫn TSMC không có kế hoạch cung cấm tấm wafer cho Huawei sau ngày 15/9.” Điều này cũng có nghĩa là nếu không được chính phủ Mỹ cho phép, chip Kirin của Huawei không thể được giao cho TSMC gia công và các công ty như Qualcomm cũng không thể cung cấp chip cao cấp cho Huawei; nếu không, họ cũng sẽ đối mặt với nguy cơ bị Mỹ trừng phạt.

Khi được hỏi liệu họ có tiếp tục cung cấp sản phẩm cho Huawei sau ngày 15/9 hay không, Lương Mạnh Tùng, đồng CEO của SMIC, nói rằng “chúng tôi sẽ không bao giờ làm bất cứ điều gì vi phạm các quy định quốc tế”. Phân tích cho rằng vì Mỹ về cơ bản thống trị thượng nguồn ngành thiết bị bán dẫn, SMIC không thể thoát khỏi lệnh cấm của Mỹ.

Nhiều cơ quan truyền thông đề cập rằng Huawei đang gấp rút mua một số lượng lớn chip trước ngày 15/9 để tăng cường nguồn dự trữ cho việc sản xuất điện thoại di động trong tương lai. Theo báo cáo thường niên năm 2019 của Huawei, các lô hàng điện thoại thông minh của Huawei (bao gồm cả Honor) đạt 240 triệu chiếc vào năm ngoái. Có thể dự đoán rằng dù lượng chip dự trữ của Huawei có nhiều đến đâu cũng sẽ xảy ra tình trạng thiếu chip trong thời gian tới.

Điện thoại Huawei Mate 40 mang chip Kirin 9000 mới nhất của Huawei (Ảnh: Huawei).
Điện thoại Huawei Mate 40 mang chip Kirin 9000 mới nhất của Huawei (Ảnh: Huawei).

Mặc dù vậy, nguồn cung chip của Huawei vẫn có thể có. Ông Hạng Lập Cương nói với phóng viên Thời báo Hoàn cầu rằng sau cuộc bầu cử tháng 11, chính phủ Mỹ mới của Mỹ có thể nới lỏng lệnh cấm. Ngoài ra, một số kênh hợp tác với một số nhà sản xuất chip và xưởng gia công có thể không bị chặn hoàn toàn. MediaTek của Đài Loan đã đệ đơn lên chính phủ Mỹ vào ngày 28/8, yêu cầu được tiếp tục cung cấp sản phẩm cho Huawei sau ngày 15/9.

Để giải quyết tình trạng khó khăn về chip, Huawei và nhiều người trong ngành đã nhận thấy tầm quan trọng của việc tự lực, năm ngoái, Huawei cũng đã chủ động công bố kế hoạch “lốp dự phòng”. Giám đốc điều hành kinh doanh tiêu dùng của Huawei, Dư Thừa Đông, gần đây cho biết, trong hơn mười năm qua, hoạt động khám phá của Huawei trong lĩnh vực chip đã từ tụt hậu nghiêm trọng, đến tương đối tụt hậu, dẫn đầu rồi bị chặn lại. “Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều cho việc nghiên cứu và phát triển; nhưng rất tiếc, trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, Huawei đã không tham gia. Chúng tôi chỉ thiết kế chip chứ không sản xuất chip. Nhiều loại chip rất mạnh của chúng tôi đã không thể sản xuất được. Chúng tôi cho rằng, để giải quyết những vấn đề này, cần phải đổi mới công nghệ. Công nghệ, công nghệ và công nghệ”.

  5 năm? 10 năm? Trung Quốc mất bao lâu để bắt kịp?

Hạng Lập Cương cho rằng việc Mỹ tiếp tục sử dụng vị trí thống lĩnh ngành chip toàn cầu để chặn Trung Quốc đã dần hình thành sự đồng thuận mạnh mẽ trong toàn xã hội: đối với ngành cốt lõi là chip thì phải có quyền chủ động, không thể bị người khác kiểm soát. Mới đây, Quốc Vụ viện Trung Quốc đã ban hành “Một số chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp vi mạch và công nghiệp phần mềm chất lượng cao trong thời kỳ mới”, được coi là động thái tăng cường hỗ trợ hơn nữa cho ngành công nghiệp chip.

Hiện Huawei và các hãng công nghệ Trung Quốc vẫn phụ thuộc lớn vào chip của Qualcomm (Ảnh: Gnew).
Hiện Huawei và các hãng công nghệ Trung Quốc vẫn phụ thuộc lớn vào chip của Qualcomm (Ảnh: Gnew).

“Nhưng đối với Huawei, nước xa không giúp giải cơn khát”, ông Hạng cho biết nếu lệnh cấm vẫn còn nghiêm ngặt, các lô hàng điện thoại di động của Huawei có thể sẽ sụt giảm mạnh trong năm tới. Hoàng Hải Phong cũng tiết lộ với Thời báo Hoàn cầu, kho chip cao cấp “thế hệ cuối cùng” Kirin 9000 của Huawei có khoảng 10 triệu chiếc, nghĩa là có khoảng 10 triệu điện thoại di động Huawei có thể sử dụng chip này, có lẽ chỉ cầm cự được trong khoảng nửa năm. Khi nguồn dự trữ sử dụng hết, mảng kinh doanh điện thoại di động của Huawei, đặc biệt là mảng kinh doanh điện thoại cao cấp, sẽ sớm gặp phải thách thức lớn.

Hoàng Hải Phong nói, ngành công nghiệp chip có vốn đầu tư lớn, rủi ro cao, đầu ra không chắc chắn, liên quan đến các công ty lớn và nhỏ ở thượng nguồn và hạ nguồn của chuỗi ngành, đòi hỏi sự phát triển tổng thể. Với sự trưởng thành của ngành công nghiệp thiết bị đầu cuối của Trung Quốc, nhu cầu về chip ngày càng tăng, và sản xuất chip đang trở thành một ngành có vốn đầu tư lớn và lợi nhuận lớn. Ngoài nguồn vốn và hỗ trợ chính sách của chính phủ, sự hỗ trợ của thị trường vốn đối với chip nội địa vượt xa sức tưởng tượng. Năm nay, SMIC, Cambrian và các công ty chip khác đã huy động được rất nhiều vốn. Tính đến ngày 5/7, các công ty bán dẫn Trung Quốc đã huy động được khoảng 144 tỷ nhân dân tệ trong năm 2020, tức là chỉ nửa năm đã gấp 2,2 lần so với cả năm 2019.

Hoàng Hải Phong dự đoán trong vòng 10 năm tới, chip Trung Quốc có thể tạo ra đột phá trong một số công nghệ tiên tiến. Hạng Lập Cương lạc quan hơn, ông nói với các phóng viên rằng nếu toàn bộ ngành công nghiệp trong nước hợp tác với nhau thì có thể bắt kịp các nhà sản xuất nước ngoài như Qualcomm trong khoảng 5 năm tới.