Theo thông tin từ hãng điện tử Hàn Quốc, các bộ xử lý chuyên dụng này sẽ được sản xuất trên dây chuyền công nghệ 8nm, có 8 lõi xử lý ARM Cortex-A76 vận hành ở xung nhịp 2,1GHz. Sự hiện diện của nó sẽ cho phép những chiếc ô tô có đủ sức mạnh điện toán để cung cấp các tính năng âm thanh cao cấp, thậm chí hiển thị đa màn hình (tối đa 6 màn hình và 12 máy quay).
Song hành với các lõi xử lý nói trên là bộ xử lý đồ họa ARM Mali G76, bộ xử lý thần kinh và bộ xử lý tín hiệu âm thanh số HiFi 4. Theo Samsung, Exynos Auto V9 đạt tiêu chuẩn tích hợp an toàn ASIL-B.
Trước đây, khi Samsung công bố hợp tác với Audi vào năm 2017, nhiều ý kiến đã dự đoán rằng việc một chip xử lý chuyên dụng sẽ hiện diện chỉ còn là vấn đề thời gian. Thực tế, quan hệ giữa hai hãng đã khởi động từ năm 2015, khi Samsung trở thành nhà cung cấp bộ nhớ đầu tiên tham gia vào Chương trình Xúc tiến bán dẫn của hãng xe Đức.
Tới tháng 10-2018, Samsung cũng cho biết sẽ cung cấp các màn hình OLED cho xe điện đầu tay e-tron của Audi, đồng thời hé lộ việc nghiên cứu và phát triển 2 bộ xử lý dành riêng cho ô tô.
Dĩ nhiên, Samsung không phải là công ty công nghệ duy nhất đang mong muốn giành một phần lợi nhuận từ thị trường thiết bị điện tử dành cho ô tô, vốn có giá trị hàng trăm tỷ USD. Hiện nay, một số hệ thống giải trí trên xe (như của Panasonic) cũng đang sử dụng bộ xử lý của Qualcomm.
Trong khi đó, BlackBerry từ lâu đã sở hữu nền tảng phần mềm QNX dành cho các hệ thống này (được Volkswagen triển khai hết sức rộng rãi), còn NVIDIA cũng đang có những bước tiến hết sức vững chắc trong việc cung cấp nền tảng trí tuệ nhân tạo cho các tính năng của ô tô thông qua quan hệ hợp tác với nhiều “đại gia” như Mercedes-Benz, Tesla…
Theo Hà Nội mới