Theo Reuters cùng ngày 21/12, Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 11 đã soạn thảo một danh sách các công ty có liên hệ với quân đội Trung Quốc và Nga, động thái đã bị Bắc Kinh lên án.
Danh sách cuối cùng do Bộ Thương mại Mỹ công bố bao gồm 103 công ty, ít hơn 14 công ty so với danh sách dự thảo. Một quan chức tiết lộ rằng có 58 thực thể của Trung Quốc được xác định, thấp hơn con số 89 được tiết lộ trước đó; trong khi có 45 thực thể liên quan đến Nga, cao hơn con số 28 thực thể trước đó.
Ngoại trưởng Mỹ Wilbur Ross tuyên bố rằng hành động này đã thiết lập một quy trình mới "để giúp các nhà xuất khẩu sàng lọc khách hàng của họ và tìm kiếm người dùng cuối trong quân đội". Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ đã mở rộng định nghĩa về "người dùng cuối trong quân đội". Ngoài lực lượng vũ trang (PLA) và cảnh sát quốc gia, bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào ủng hộ hoặc hỗ trợ duy trì và sản xuất hàng hóa quân sự, ngay cả khi hoạt động kinh doanh của họ là phi quân sự, cũng sẽ bị coi là "Người dùng cuối quân sự” (Military End User, MEU). Các công ty Mỹ bán sản phẩm hoặc dịch vụ cho "người dùng cuối quân sự" cần phải được cấp giấy phép mới được bán sản phẩm cho họ, nhưng chính phủ sẽ không dễ dàng phê chuẩn.
Đội bay dịch vụ Hồng Kông cũng có tên trong danh sách các công ty Trung Quốc bị trừng phạt (Ảnh: Dongfang). |
Vào lúc Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump chuẩn bị rời chức, lại có thêm hàng chục công ty Trung Quốc đã bị đưa vào danh sách đen thương mại của Mỹ, trong đó có nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC và hãng sản xuất máy bay không người lái lớn nhất Trung Quốc và hàng đầu thế giới là Công ty TNHH Công nghệ Dajiang Thâm Quyến (SZ DJI Technology Co Ltd).Điều đáng chú ý là mặc dù Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) không có tên trong danh sách này, nhưng 7 đơn vị liên quan của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) vẫn có tên trong danh sách. Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc đang cung cấp sản phẩm cho COMAC, và COMAC đang cạnh tranh quyết liệt với hãng sản xuất máy bay Mỹ Boeing và hãng sản xuất máy bay Airbus của châu Âu. Điều bất ngờ là có cả tên của Đội dịch vụ bay Hồng Kông (Government Flying Service).
Trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) nêu rõ thêm, Bộ Thương mại Mỹ đã thông báo vào thứ Hai (21/12) rằng Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) sẽ sửa đổi Quy định Quản lý Xuất khẩu (EAR) để đưa 103 công ty Trung Quốc và Nga vào danh sách "Người dùng cuối quân sự" (Military End User) và hạn chế những công ty này mua hàng hóa hoặc công nghệ của Mỹ.
103 công ty này gồm 58 công ty Trung Quốc và 45 công ty Nga. Trong số 58 công ty Trung Quốc có 7 công ty trực thuộc Tổng công ty Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (The Aviation Industry Corporation of China, AVIC) và 8 công ty thuộc Tập đoàn Động cơ Hàng không Trung Quốc (Aero Engine Corporation of China, AECC). Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross chỉ ra rằng các nhà chức trách đã xác nhận rằng các công ty này có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc và Nga, và danh sách này có thể giúp các công ty Mỹ sàng lọc "người dùng cuối quân sự" trong số khách hàng của họ.
Bộ Thương mại Mỹ, nơi đưa ra các biện pháp trừng phạt các công ty Trung Quốc (Ảnh: Getty). |
Bộ Thương mại nhấn mạnh rằng trước khi các công ty Mỹ có thể bán các sản phẩm thương mại cho các công ty có tên trong danh sách này, họ phải được chính phủ liên bang cho phép; việc lập ra danh sách không có nghĩa là các công ty khác không có tên trong danh sách không phải chịu sự giám sát; yêu cầu các công ty Mỹ bắt buộc phải tiến hành thẩm định.
Tin tức cho biết, vào tháng 4 năm nay, Bộ Thương mại Mỹ đã mở rộng định nghĩa “Military End User” (người dùng cuối quân sự” mở rộng phạm vi từ lực lượng vũ trang và cảnh sát sang bất kỳ cá nhân hoặc thực thể nào ủng hộ hoặc hỗ trợ bảo trì hoặc sản xuất các mặt hàng quân sự có liên quan, ngay cả khi ngành kinh doanh chính là phi quân sự. Phạm vi hạn chế xuất khẩu áp dụng cho các lĩnh vực rộng rãi, bao gồm phần mềm máy tính xử lý văn bản, thiết bị khoa học và các linh kiện máy bay.
Trang Chinatimes nhận xét, các công ty nổi tiếng nhất trong danh sách gồm có 7 công ty trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) và Cơ quan Tình báo Nước ngoài của Nga (SVR), liên quan đến các cuộc tấn công mạng gần đây nhằm vào các cơ quan và công ty liên bang của Mỹ.
Hầu hết các công ty của Trung Quốc đại lục được chính phủ Mỹ đưa vào danh sách này đều có liên quan đến ngành hàng không vũ trụ, trong khi các Tập đoàn GE và Honeywell của Mỹ có liên quan đến Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc AVIC.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross (Ảnh: AP). |
Mặc dù Mỹ hiện đang trong thời kỳ quá độ chuyển giao tổng thống, nhưng quan hệ Mỹ - Trung Quốc tiếp tục xấu đi. Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump đã tăng cường các hành động chống lại Trung Quốc đại lục để đáp lại một loạt vấn đề như xuất khẩu công nghệ 5G, Hồng Kông, Tân Cương. Những hành động trừng phạt này nhắm vào các công ty thuộc sở hữu hoặc quyền kiểm soát của quân đội Trung Quốc. Đầu năm nay, chính phủ Mỹ đã liệt kê 31 công ty Trung Quốc có liên quan đến PLA, bao gồm Huawei, Hikvision và một số công ty nhà nước.
"Bộ Thương mại nhận thức được Mỹ sử dụng quan hệ đối tác với các công ty toàn cầu để chống lại việc Trung Quốc và Nga chuyển giao công nghệ của Mỹ cho các dự án quân sự của họ nhằm gây bất ổn", Bộ Thương mại Mỹ nói.
Bộ Thương mại cũng cho biết họ đang thực hiện hành động này và có kế hoạch công bố danh sách này trong Thông cáo Liên bang vào ngày 22/12 để đáp ứng yêu cầu từ công chúng về việc xác định định nghĩa “người dùng cuối quân sự MEU) cụ thể theo tên và địa chỉ.
Reuters dự đoán rằng động thái này có thể khiến chính phủ Trung Quốc tức giận hơn nữa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hồi tháng 11 đã phản ứng về vụ việc, nói rằng "đây là sự đàn áp vô lý của Mỹ đối với các công ty Trung Quốc".