Thậm chí đề nghị có cảng chuyên dụng cho ông lớn này tại sân bay Nội Bài.
Để thực hiện dự án Samsung Electronics CE Complex với tổng vốn đăng ký 1,4 tỷ USD, Samsung Electronics Việt Nam (gọi tắt là Samsung) đã “đòi” 3 ưu đãi đặc biệt, có tính ngoại lệ theo quy định hiện hành, Báo cáo tóm tắt đánh giá tác động của các hiệp định thương mại tự do và đầu tư song phương tới các mục tiêu phát triển dài hạn của Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)công bố sáng 29/6 cho biết.
Cụ thể, Samsung xin ưu đãi:
- Miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu xây dựng dự án;
- Miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu và linh kiện dùng cho sản xuất trong vòng 5 năm kể từ ngày bắt đầu đưa dự án vào sản xuất, hoặc cho tới khi tất cả các dòng thuế của Việt Nam được cắt giảm còn 0% theo các cam kết trong ATIGA;
- Cơ chế ưu đãi liên quan đến thủ tục hải quan/thông quan
Tổng giá trị miễn thuế theo đề xuất ước tính tương đương khoảng 15,5 triệu USD, bao gồm 7,5 triệu USD miễn thuế cho các đầu vào nhập khẩu dùng cho sản xuất các sản phẩm tiêu dùng nội địa và 8 triệu USD miễn thuế nhập khẩu đối với các nguyên vật liệu xây dựng.
Trước dự án nói trên, Samsung cũng đề xuất được hưởng những ưu đãi còn “đặc biệt” hơn. Với dự án SEVT2 tại tỉnh Thái Nguyên với tổng vốn đăng ký 3 tỷ USD, Samsung đề nghị:
- Hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 10% trong vòng 30 năm kể từ năm đầu tiên dự án có lợi nhuận;
- Miễn thuế thu nhập danh nghiệp trong vòng 4 năm kể từ năm đầu tiên SEVT2 có lợi nhuận chịu thuế;
- Giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 9 năm tiếp theo;
- Giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm tiếp sau 9 năm đó;
- Chính quyền tỉnh hỗ trợ 50% chi phí thuê cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp
“Trong một trường hợp khác, Samsung đề nghị có cảng chuyên dụng cho Samsung tại Sân bay quốc tế Nội Bài”, báo cáo cho biết.
Các đòi hỏi của Samsung làm dấy lên quan ngại, đòi hỏi Chính phủ và các chính quyền địa phương cần quan tâm nhiều hơn đến việc hạn chế “quyền mặc cả” của các ông lớn FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) trong ngành điện tử như Samsung nói riêng và các doanh nghiệp điện tử FDI nói chung.
“Một khi ưu đãi được cấp cho một doanh nghiệp, những doanh nghiệp khác sẽ yêu cầu những “ưu đãi đặc biệt” ở mức độ cao hơn”, báo cáo cảnh báo.
“Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước lại yếu thế hơn và bị đặt ra ngoài lề”.
Nhìn lại các “ưu đãi đặc biệt” cho Samsung, Việt Nam nhận lại được gì?
Về thu ngân sách: Tương đối thấp do mức miễn giảm thuế cao.
Năm 2012, tổng mức thuế nộp ngân sách nhà nước (ròng) của Samsung là 680 tỷ đồng (bao gồm cả tiền thuế của các nhà thầu), sau khi trừ đi 2.524 tỷ đồng miễn giảm thuế (hoàn thuế VAT và miễn thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp).
5 tháng đầu năm 2013, mức miễn giảm thuế của Samsung lên đến 18 triệu USD, còn mức đóng thuế ròng chỉ ở mức 17,3 triệu USD.
Trong khi đó, sự tham gia của doanh nghiệp trong nước và chuỗi giá trị của Samsung và chuyển giao công nghệ còn hạn chế, vì các doanh nghiệp trong nước chủ yếu tham gia vào các công đoạn sản xuất giản đơn.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tái lập thế cân bằng giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước?
Theo ông Nguyễn Anh Dương – Phó trưởng Ban, Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, CIEM, có 2 phương pháp. Một là, tăng ưu đãi cho doanh nghiệp trong nước. Phương thức này sẽ rất tốn kém.
Hai là, giảm ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, theo Hiệp định TPP, Chính phủ một nước gây thiệt cho nhà đầu tư nước ngoài đặt tại nước đó có thể bị kiện. Phương án này cũng gây tốn kém cho ngân sách Nhà nước khi phải tốn rất nhiều chi phí cho các vụ kiện liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài.
Một vấn đề khác liên quan đến hỗ trợ tài chính doanh nghiệp là việc thâu tóm doanh nghiệp Việt của các doanh nghiệp nước ngoài khi quy định nới lỏng hơn về sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài có hiệu lực.
“Muốn phát triển ngành điện tử Việt Nam phải hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Nhưng giả sử hỗ trợ doanh nghiệp trong nước được 10 năm, doanh nghiệp trong nước lại bán cho nhà đầu tư nước ngoài. Khi đó, quá trình hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thực chất lại là hỗ trợ cho doanh nghiệp nước ngoài”, ông Dương cho biết.
Trong khi các ưu đãi của doanh nghiệp trong nước còn thua xa doanh nghiệp FDI, vấn đề hội nhập lại đẩy doanh nghiệp trong nước vào thế “buộc phải cạnh tranh để phát triển”.
Theo các hiệp định đầu tư song phương (BIT) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang đàm phán (như TPP), những giải pháp như quy định về tỷ lệ xuất khẩu, hàm lượng nội địa... không còn nhiều giá trị. Trong một số trường hợp, các nhà đầu tư nước ngoài thậm chí được hưởng nhiều ưu đãi hơn so với các nhà đầu tư trong nước.
Các quy định mới ban hành trong năm 2014 đã đưa ra nhiều ưu đãi hơn, không giới hạn ở ưu đãi tài chính. Những chính sách ưu đãi này không chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, xét về tiêu chuẩn để hưởng ưu đãi xét về quy mô vốn và trình độ công nghệ..., các doanh nghiệp trong nước khó có khả năng được hưởng.
Với những bất lợi trước mắt trong hội nhập, TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng CIEM - nhận định: “Hội nhập có rủi ro, có khó khăn, nhưng rủi ro lớn nhất là không hội nhập thì không phát triển. Chúng ta chọn con đường hội nhập, chấp nhận khó khăn để phát triển”.
“Do vậy, chúng ta cần nghiên cứu sâu để có cách ứng xử tốt nhất, qua đó tận dụng điều kiện cần là hội nhập và gắn với việc tận dụng chính sách tốt, chuyển đổi chức năng Nhà nước (từ chỗ việc gì cũng can thiệp đến việc phải hỗ trợ về mặt đào tạo, thông tin, kết cấu hạ tầng...), như vậy là thêm được điều kiện đủ cho sự phát triển của đất nước”.
Theo Cafebiz/ Trí Thức Trẻ