Hãng Yonhap ngày 22/8 dẫn nguồn từ nhiều quan chức cao cấp của chính phủ Hàn Quốc nói, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đang tích cực thương thảo các phương án để loại bỏ những từ ngữ thể hiện “chính quyền và quân đội Triều Tiên là kẻ thù của chúng ta” được ghi trong Sách trắng Quốc phòng .
Tin cho biết, trong “Tuyên bố Panmunjom” được lãnh đạo hai nước ký ngày 27/4/2018 đã đề cập đến nội dung “hai bên đình chỉ các hành động đối địch”. Vì vậy, có ý kiến phân tích cho rằng, hành động này của Hàn Quốc là sự tôn trọng tinh thần của “Tuyên bố Panmunjom” và tích cực thực hiện những biện pháp sau tuyên bố chung.
Được biết, nội dung “chính quyền và quân đội Triều Tiên là kẻ thù của chúng ta” xuất hiện lần đầu trong Sách trắng Quốc phòng Hàn Quốc năm 2010, do năm đó xảy ra sự kiện Triều Tiên pháo kích đảo Yongpian, nội dung này liên tục được duy trì đến Sách trắng Quốc phòng năm 2017.
Các nhân sỹ chính phủ Hàn Quốc nói, việc trong văn kiện công khai của chính phủ phát hành đối ngoại gọi Triều Tiên là kẻ thù là mâu thuẫn với nội dung “đình chỉ các hành vi đối địch” nêu trong Tuyên bố. Vì vậy, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đang xem xét việc sử dụng cụm từ “mối uy hiếp quân sự” thay cho “kẻ thù”.
Lính Hàn Quốc và Triều Tiên tại khu phi quân sự Panmunjom
|
Ngoài ra, Yonhap còn cho biết, việc Triều Tiên hồi tháng 4 đã quyết định chấm dứt các cuộc thử nghiệm hạt nhân và phóng thử tên lửa đạn đạo, giảm bớt mức độ uy hiếp đối với Hàn Quốc, cũng trở thành bối cảnh để Hàn Quốc loại bỏ cách biểu đạt coi Triều Tiên là “kẻ thù” trong Sách trắng Quốc phòng.
Từ năm 1967, Hàn Quốc bắt đầu ra Sách trắng Quốc phòng. Năm 1995, Hàn Quốc lần đầu tiên sử dụng cụm từ “quân đội Triều Tiên là kẻ thù chính” trong Sách trắng Quốc phòng và sử dụng đến năm 2000. Năm đó diễn ra cuộc gặp gỡ cấp cao giữa lãnh đạo hai miền nên cách biểu đạt coi Triều Tiên là “kẻ thù chính” trở thành tiêu điểm tranh cãi. Từ năm 2004, Sách trắng Quốc phòng bỏ đi nội dung này và thay thế bằng cụm từ “mối đe dọa quân sự trực tiếp” hoặc “mối đe dọa nghiêm trọng”.