Có thể bạn sẽ bối rối khi lựa chọn một bộ sạc không dây phù hợp. Có quá nhiều thương hiệu sạc không dây trên thị trường và thật khó để biết chúng khác nhau như thế nào. Ngoài ra, bạn có thể “lăn tăn” rằng có cần thiết phải sắm một bộ sạc không dây hay không khi mà bạn đã có một bộ sạc thông thường trong túi xách.
Dưới đây là những thông tin để bạn quyết định có nên chọn mua sạc không dây hay không, và nếu mua thì bộ sạc của hãng nào là phù hợp:
Sạc không dây hoạt động như thế nào
Phần lớn các mẫu điện thoại có khả năng sạc không dây đều áp dụng chuẩn Qi – đây là một tiêu chuẩn truyền năng lượng thông qua một đế sạc. Bạn không cần phải quá quan tâm đến chuẩn Qi khác với các chuẩn sạc không dây khác (như PMA, A4WP) như thế nào, bạn chỉ cần nhớ nếu điện thoại và đế sạc có cùng chuẩn Qi thì mới sạc được.
Công nghệ sạc không dây dựa trên cuộn dây điện từ. Có một cuộn dây phát nằm bên trong bộ sạc, tạo ra trường điện từ với cuộn dây nằm trong điện thoại. Phương pháp này, được gọi là sạc cảm ứng, cho phép pin được sạc mà không cần kết nối trực tiếp với nguồn điện.
Tuy nhiên, kích thước của cuộn dây là rất quan trọng. Các cuộn dây lớn hơn có đầu ra năng lượng mạnh hơn, có nghĩa là bộ sạc và thiết bị được sạc có thể cách nhau xa hơn trong khi vẫn duy trì một trường điện từ. Với các cuộn dây nhỏ hơn, chẳng hạn như các cuộn dây trong bộ sạc điện thoại di động, hai cuộn dây này cần phải gần nhau để cấp nguồn cho pin.
Những lý do để bạn dùng sạc không dây thay vì sạc có dây
Ảnh minh họa: GottabeMobile
|
Đầu tiên, rõ ràng là sạc không dây dễ sử dụng hơn. Dù cắm dây vào điện thoại không phải là một thao tác quá khó khăn, nhưng với sạc không dây, bạn chỉ cần đặt điện thoại lên trên đế sạc nằm hoặc đế sạc đứng là pin sẽ được nạp năng lượng. Bạn cũng có thể dễ dàng kiểm tra các tin nhắn hoặc thông báo và sau đó đặt điện thoại xuống ngay trên bộ sạc mà không phải “lăn tăn” về bất kỳ dây dợ nào.
Ngoài ra, bộ sạc không dây sẽ giải phóng cổng sạc của điện thoại. Với việc nhiều hãng sản xuất smartphone loại bỏ đi cổng cắm tai nghe 3,5mm và cung cấp một bộ chuyển để dùng chung cổng sạc và cổng cắm tai nghe, sẽ rất bất tiện nếu bạn vừa muốn sạc vừa muốn nghe nhạc. Với bộ sạc không dây, bạn có thể vừa sử dụng tai nghe vừa sạc pin.
Một số bộ sạc không dây được thiết kế theo dạng đứng (đế sạc đứng), có nghĩa là bạn có thể rảnh tay đặt điện thoại vào đó để xem video, trò chuyện FaceTime với bạn bè hay xem tin nhắn rất tiện lợi.
Tất nhiên, sạc không dây cũng có một số hạn chế
Ảnh minh họa: Business Insider
|
Một sự khác biệt thấy rõ giữa sạc không dây và sạc có dây là thời gian sạc. Dù lượng điện nạp vào phụ thuộc vào công suất củ sạc của bạn, nhưng sạc không dây nói chung sẽ chậm hơn sạc có dây - công nghệ không dây vẫn chưa hoàn toàn hiệu quả. Một số bộ sạc không dây có khả năng sạc "nhanh" với củ sạc công suất cao, nhưng nó vẫn không nhanh như bộ sạc nhanh có dây.
Với sạc không dây, bạn cũng sẽ mất đi tính di động, vì bạn bị giới hạn ở vị trí đặt bộ sạc, thay vì chỉ bị giới hạn bởi dây sạc. Hầu hết mọi người thường đặt bộ sạc không dây của họ trên tủ đầu giường hoặc trên bàn làm việc.
Làm thế nào để chọn được bộ sạc không dây ngon, bổ, rẻ?
Có thể bạn sẽ gặp khó khăn trong việc lựa chọn một bộ sạc không dây, bởi trên thị trường hiện nay có rất nhiều bộ sạc không dây của các hãng khác nhau. Hầu hết chúng có bề ngoài gần như giống hệt nhau, và thật khó để biết sự khác biệt là gì.
Điều đầu tiên bạn cần xem xét là chiếc điện thoại bạn đang sở hữu. Một số nhà sản xuất đã tối ưu hóa điện thoại của họ với lượng điện khác nhau. Nếu bạn mua bộ sạc không dây và củ sạc mạnh hơn những gì điện thoại của bạn cần, có nghĩa là bạn đã lãng phí một số tiền vào công suất bổ sung.
iPhone có khả năng sạc không dây lên đến 7,5 watt và điện thoại Android, tùy thuộc vào nhà sản xuất, có khả năng nhận tới 15 watt. Tốt nhất bạn nên tham khảo hướng dẫn sử dụng điện thoại để xem khả năng sạc không dây của nó, và lưu ý rằng không phải mọi bộ sạc không dây đều bán kèm với củ sạc nhanh, vì vậy bạn có thể phải mua một củ sạc nhanh riêng.
Sạc không dây của hãng CHOETECH
Sạc không dây của CHOETECH được bán phổ biến trên Amazon, Lazada và ở Việt Nam bạn có thể mua sạc không dây CHOETECH trên Tiki.vn hoặc một số đại lý nhỏ lẻ. Bạn cũng có thể đặt mua trực tuyến tại trang web bán hàng của công ty này tại địa chỉ: www.ichoetech.com. Theo nhà sản xuất, với các sản phẩm có giá trên 20 USD, khách hàng được miễn phí ship đến Việt Nam.
VietTimes đã dùng thử bộ sạc không dây 5W của CHOETECH. Đây là sản phẩm được lựa chọn nhiều nhất trên Amazon. Thiết kế của nó là đế sạc nằm. CHOETECH 5W không phải là loại sạc nhanh không dây, nên bạn không cần phải mua một củ sạc công suất cao cho bộ sạc này. Giá của sản phẩm là khoảng 250 nghìn đồng.
Nếu bạn muốn sạc nhanh không dây, bạn có thể chọn bộ sạc CHOETECH T551-S. Công suất sạc có thể lên đến 10W. Chúng tôi đã thử sạc nhanh với chiếc Samsung Galaxy Note 5 thì thấy máy mất khoảng 125 phút để sạc từ 11% lên 100%. Nếu dùng với sạc có dây thì thời lượng sẽ là 90 phút. Giá sản phẩm tại thị trường Việt Nam là khoảng 400 nghìn đồng.
Các bộ sạc không dây của CHOETECH có chất lượng gia công khá tốt, nhìn không hề “rởm” mà rất cứng cáp. Trên bộ sạc có đèn báo trạng thái sạc để người dùng biết khi nào sạc đầy.
Sạc không dây CHOETECH sử dụng chuẩn Qi nên tương thích với hầu hết các smartphone hiện nay, từ iPhone 8/8Plus, iPhone X, iPhone XS cho đến các mẫu điện thoại Android như Galaxy Note 5, Note 7 FE, Note 8, Note 9, Galaxy S8/S8Plus, S9/S9Plus, BPhone 3, Asus ZenFone 5z…
Sạc không dây dạng giá đỡ
Người dùng cũng có thể đặt ở tủ táp đầu giường để đặt điện thoại thay cho đồng hồ báo thức.
Công suất sạc của CHOETECH T524-S tối đa là 10W. Tùy vào công suất củ sạc mà bạn có thể sạc nhanh hay chậm. Khi tôi sử dụng củ sạc nhanh 5V-2A của Samsung, thời gian sạc khoảng 2 giờ là đầy pin.
Giá của bộ sạc này tại thị trường Việt Nam là khoảng 400 nghìn đồng.
Sạc nhanh không dây dùng trên xe hơi
VietTimes cũng đã dùng thử bộ sạc của CHOETECH trên xe hơi. Bộ sạc này có ký hiệu là CHOETECH T521-S. Công suất sạc tối đa cũng là 10W.
Bộ sạc này có thể dùng thay các giá treo điện thoại trong xe hơi. Bạn có thể gắn nó vào kính xe do đế của bộ sạc có miếng mút chân không. Trọng lượng tổng thể của bộ sạc này là 249 gram.
Qua thử nghiệm, chúng tôi thấy CHOETECH có cơ cấu mút vào kính rất chắc chắn. Khi xe di chuyển vào các khu vực có rung lắc mạnh như ổ gà cũng không hề ảnh hưởng đến độ ổn định của bộ sạc.
Giữa phần chân gắn vào kính và phần giá đỡ có khớp nối rất linh hoạt cho phép điều chỉnh vị trí của điện thoại theo ý thích. Phần giá đỡ có một nút bấm ở sau lưng. Bạn chỉ cần bấm nhẹ là 2 ngàm đỡ sẽ mở ra để bạn có thể đưa điện thoại vào.
Đặc biệt, nếu điện thoại của bạn khi gắn vào phần giá đỡ mà có một khoảng cách nhỏ (mặt lưng điện thoại không ép sát vào bề mặt giá đỡ) thì việc sạc vẫn diễn ra bình thường chứ không hề bị ngắt. Cũng theo hãng sản xuất, khi pin sạc lên mức 95%, bộ sạc sẽ tự động chuyển sang chế độ sạc chậm để kéo dài tuổi thọ pin và tạo sự an toàn cho điện thoại.
Mặt lưng bộ sạc có một nút bấm để mở rộng 2 ngàm đỡ điện thoại
|
Giá của sản phẩm này khoảng 700 nghìn đồng.
Qua thử nghiệm với cả 3 bộ sạc nhanh không dây của CHOETECH, chúng tôi thấy thời gian sạc ổn định. Trong khi sạc, điện thoại chỉ ấm chứ không nóng.
Dù trên vỏ hộp của mỗi sản phẩm đều ghi thời gian đổi trả 30 ngày bất kể lý do, thời gian bảo hành 18 tháng và chế độ hỗ trợ kỹ thuật trọn đời, tuy nhiên do ở Việt Nam chưa có đơn vị phân phối chính hãng nên chúng tôi vẫn hơi “lăn tăn” về chế độ bảo hành đối với sản phẩm.
Nhưng với mức giá tương đối mềm thì sạc nhanh không dây CHOETECH là sự lựa chọn tốt cho những người muốn chuyển từ sạc có dây sang sạc không dây.