Rút đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo, Bộ GD&ĐT tăng đãi ngộ với giáo viên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau khi vấp phải ý kiến phản biện, trái chiều, Bộ GD&ĐT đã bỏ đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Bộ GD&ĐT đã bỏ đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo. Ảnh minh họa.
Bộ GD&ĐT đã bỏ đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo. Ảnh minh họa.

Chính phủ có tờ trình gửi Quốc hội về dự thảo Luật Nhà giáo. Theo chương trình, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khoá XV.

Trong những điểm mới ở dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu, đáng chú ý có việc bỏ đề xuất quy định miễn học phí cho con nhà giáo.

"Với tinh thần nghiêm túc lắng nghe các ý kiến góp ý, phản biện để điều chỉnh kịp thời nếu đủ căn cứ, sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra khỏi dự thảo nội dung quy định về chính sách miễn học phí cho con nhà giáo", Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thông tin

Tờ trình có nội dung giải thích thêm về quan điểm xây dựng Luật Nhà giáo, rằng nhằm kiến tạo các chính sách, trong đó sẽ một số chính sách đột phá, tạo điều kiện cho nhà giáo phát triển cũng như nâng cao vị thế nghề nghiệp của nhà giáo để thu hút người giỏi vào ngành.

Tăng đãi ngộ đối với nhà giáo

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại dự thảo mới, các quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ nhà giáo được quy định đầy đủ, theo hướng gia tăng các chính sách đãi ngộ để nhà giáo yên tâm công tác.

Trong đó, đối với tiền lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập như sau: Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp;

Phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật;

Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác;

Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập bảo đảm không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập có cùng trình độ đào tạo, cùng chức danh trừ khi có thỏa thuận khác.

Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù theo quy định và chỉ được hưởng ở một mức cao nhất nếu chính sách đó trùng với chính sách dành cho nhà giáo.

Dự thảo luật mới cũng bổ sung, làm rõ một số chính sách thu hút đối với nhà giáo. Trong đó, nhà giáo được hưởng phụ cấp và trợ cấp thu hút; Bảo đảm chỗ ở tập thể có đủ điều kiện thiết yếu hoặc được thuê nhà ở công vụ khi đến công tác tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Hỗ trợ trong đào tạo, bồi dưỡng.

Theo Bộ GD&ĐT, các chính sách thu hút được kỳ vọng sẽ giúp nhà giáo yên tâm với nghề, nhất là nhà giáo tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà các chính sách hiện hành của nhà nước chưa đáp ứng được.

Trước đó, như VietTimes đã thông tin, dự thảo Luật Nhà giáo khi được Bộ GD&ĐT xin ý kiến Quốc hội, đã vấp phải nhiều ý kiến phản biện, trái chiều.

Tại dự thảo luật trình phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 8/10, có đề xuất miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác. Nếu thực hiện chính sách này, ngân sách Nhà nước phải cấp chi trả thêm hơn 9.200 tỉ đồng mỗi năm.

Trao đổi với VietTimes, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng đề xuất này nhằm giúp các nhà giáo có đời sống ổn định, thu hút người giỏi. Tuy nhiên, nếu được thông qua, đề xuất sẽ tạo nên sự bất công giữa các ngành nghề, kích thích xu hướng chăm lo lợi ích cục bộ và khiến tổng thể xã hội không phát triển lành mạnh.

Ông cho rằng đề xuất này mang tính nhân văn, thể hiện sự quan tâm tới đội ngũ giáo viên, tới những người cống hiến cho tương lai đất nước. Chúng ta có thể cảm thông với mong muốn đó. Hay nói cách khác, đề xuất này xuất phát từ ý tưởng muốn tạo điều kiện, ưu ái cho ngành giáo dục. Nhưng để nhà nước mỗi năm phải lấy 9.200 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước để bù vào khoản ưu tiên này thì rất không nên.

"Ngay cả trong đội ngũ giáo viên nhiều người cũng không muốn nhận sự ưu đãi này. Vì thế, cách làm này chưa chắc mang tới suy nghĩ tích cực cho những người trong ngành, chứ chưa nói tới những người ngoài ngành", Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang bày tỏ.