Gần 900 dự án bị thanh tra: Những dự án bất động sản nào có tên trong danh sách

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thanh tra Chính phủ công bố kế hoạch thanh tra chuyên đề đối với 898 dự án trên cả nước nhằm làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ, vướng mắc (nếu có) để kiến nghị giải pháp khắc phục, tránh lãng phí.

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kế hoạch thanh tra chuyên đề đối với 898 dự án có dấu hiệu chậm tiến độ, vướng mắc pháp lý, hiệu quả thấp, tồn đọng kéo dài hoặc tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát, lãng phí.

Theo kế hoạch, đợt thanh tra diện rộng này sẽ tập trung vào các dự án có quy mô lớn, thời gian thực hiện kéo dài, đặc biệt là các công trình bất động sản, hạ tầng giao thông, khu công nghiệp – logistics và công trình công cộng.

Theo Thanh tra chính phủ, đây được xem là một trong những đợt thanh tra diện rộng trong nhiều năm, kỳ vọng sẽ làm rõ nguyên nhân chậm trễ, sai phạm nếu có và kiến nghị giải pháp khắc phục, nhằm đưa các dự án nhanh chóng đi vào thực tế, tránh lãng phí tài nguyên và đất đai.

Trong 898 dự án, Thanh tra Chính phủ trực tiếp thanh tra 145 dự án của các Bộ ngành Trung ương và các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ ngành quản lý, có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng. Ba dự án do Thanh tra Bộ Quốc phòng thực hiện, chủ yếu thuộc các địa phương trọng điểm và dự án lớn do bộ ngành quản lý. 750 dự án còn lại thuộc diện thanh tra cấp tỉnh, thành phố thực hiện.

TP.HCM là địa phương có số lượng dự án lớn nhất bị thanh tra với tổng cộng 114 dự án (20 do Thanh tra chính phủ, 94 dự án do địa phương thực hiện).

Danh sách có nhiều dự án chậm triển khai, vướng pháp lý kéo dài, như: Khu dân cư Investco Green City (Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng Investco); dự án khu cao nhà ở tầng phường Phú Thuận, quận 7 cũ (Công ty Cổ phần phát triển BĐS Phát Đạt); dự án khu cao ốc phức hợp Riviera Point và dự án nhà ở kết hợp khách sạn tại số 1 Bis - 1 Kép Nguyễn Đình Chiểu, quận 1 cũ (Công ty TNHH Riviera Point và Công ty Cổ phần BĐS Sài Gòn Vina); dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 (Công ty Địa ốc Đại Quang Minh)...

Tại Hà Nội, gồm: Khu đô thi mới tây Nam hồ Linh Đàm (Tổng Công ty đầu tư phát nhà - Bộ XD HUD); Khu đô thị mới Vân Canh (Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị HUD); Khu đô thị mới Đặng Xá II (Tổng Công ty Viglacera); Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Văn Khê mở rộng (Công ty cổ phần Sông Đà - Thăng Long)…

Dự án khu đô thị Cienco 5 (Công tỷ Cổ phần Xây dựng công trình 507); Khu nhà ở Báo Kinh tế và Đô thị (Công ty Cổ phần Đầu tư Xây lắp và Phát triển Nhà và Công ty cổ phần tư vấn Handic - Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội); Dự án Xây dựng khách sạn 5 sao và các dịch vụ tiện ích (Công ty Cổ phần Viptour Togi); Nhà ở cho người thu nhập thấp (Công ty cổ phần Tập đoàn Videc); Khu du lịch 79 mùa xuân (Công ty An Phát).

Tại Khánh Hòa, gồm: Khu biệt thự phức hợp Phúc Sơn (Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn); Khu đô thị mới Đầm Cà Ná (Liên doanh Công ty TNHH Tập đoàn Thương Mại Tuấn Dung - Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Đông Đô - Bộ Quốc phòng); Khu du lịch nghỉ dưỡng Mỹ Mỹ Resort (Công ty TNHH Carava Resort); Dự án Sunbay Park Hotel & Resort (Công ty Cổng phần Sunbay Ninh Thuận); Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ - Khu K2 (Công ty Cổ phần Đầu tư Hacom HolDings)….

Các địa phương có số lượng dự án thanh tra (do Thanh tra Chính phủ và địa phương thực hiện) gồm: An Giang (95), Đồng Nai (85), Khánh Hòa (83), Ninh Bình (46), Hà Tĩnh (39), Lâm Đồng (30), Bắc Ninh (27), Hà Nội (21), Vĩnh Long (13), Đà Nẵng (11)...

Ở nhóm bộ ngành trung ương và các tập đoàn lớn, Thanh tra Chính phủ sẽ làm việc trực tiếp với 145 dự án có tổng mức đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên. Trong đó, Bộ Xây dựng có 8 dự án, Bộ Tài chính: 5, Bộ Công Thương: 6, Bộ Nông nghiệp và Môi trường: 4, Bộ Giáo dục và Đào tạo: 5, cùng 12 dự án thuộc các tập đoàn, tổng công ty lớn.

Việc thanh tra sẽ bắt đầu trong tháng 7, kết luận được yêu cầu ban hành trước ngày 25/9 đối với Thanh tra Chính phủ và 15/9 đối với cấp địa phương. Kết quả tổng hợp sẽ được báo cáo Thủ tướng vào đầu tháng 10.

Qua báo cáo của bộ, ngành, địa phương, các dự án có một số dạng sai phạm thường xảy ra ra như: Cấp giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định đầu tư và thực hiện đầu tư không đúng quy định; Lựa chọn nhà đầu tư không thông qua đấu giá, đấu thầu; Giao đất, cho thuê đất không đúng quy định; Chuyển mục đích sử dụng đất khi thực hiện dự án khi chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, giao đất khi chưa đủ điều kiện theo quy định; Quy hoạch và thực hiện quy hoạch không đúng quy định; Chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng đã giải phóng mặt bằng; Quản lý, sử dụng, bố trí vốn đầu tư công không đúng đối tượng, nợ đọng xây cơ bản; Thực hiện dự án chậm so với tiến độ được phê duyệt; Ký hợp đồng thi công, thanh toán bằng đất không đúng quy định; Điều chỉnh thiết kế, tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, giá trị hợp đồng nhiều lần thiếu cơ sở; chậm quyết toán hoặc kéo dài thời gian quyết toán sau khi hoàn thành dự án...