Gần đây, số người lao động rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi lâu dài cho chính người lao động cũng như hệ thống an sinh xã hội. Chỉ riêng ở Yên Bái, trong 3 tháng đầu năm, số người rút BHXH một lần đã tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu là công nhân và đều còn trẻ tuổi, chiếm tới 85,5%.
Chật vật vì không có lương hưu
Đã ngoài 60 tuổi, bà Nguyễn Thị Chân (Đống Đa, Hà Nội) vẫn phải bươn chải mưu sinh. Hàng ngày bà dậy từ 3-4h sáng để đến chợ đầu mối mua hoa quả đi bán rong. Vì bà không có lương hưu hay nguồn trợ cấp nào khác, trong khi con cái cũng khó khăn, không thể giúp gì cho mẹ.
Trước đây, bà Chân là công nhân cơ khí, nghỉ việc theo chế độ 176. Khoản tiền trợ cấp một lần với gia đình nghèo như gió vào nhà trống, không tạo thêm được kinh tế gia đình. Nhưng từ đó, bà Chân không có nguồn sống ổn định, phải buôn bán rong để kiếm sống. Nắng nóng, mưa rét đều phải dậy sớm, lao ra đường, vì nghỉ một ngày là không có ăn.
Nhiều lúc, bà Chân thấy hối tiếc vì đã nhận số tiền “một cục”, chỉ giải quyết được chút khó khăn trước mắt, để giờ đây, tuổi cao, hay đau ốm, đáng lẽ có lương hưu để lo cuộc sống thì bà vẫn phải tất bật kiếm ăn. Lúc khoẻ đã vậy, lúc ốm đau nằm đấy là không có tiền. Trong khi đồng nghiệp xưa thì giờ an nhàn, vì có lương hưu.
Anh Nguyễn Văn Cường (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng vậy. Anh từng làm cho một công ty rồi nghỉ việc khi COVID-19 bùng phát. Hai vợ chồng về làm lao động tự do. Nghe vợ thúc giục, anh Cường đã đi rút BHXH một lần để lấy tiền lo cuộc sống. Cầm khoản tiền trợ cấp trong tay, 2 vợ chồng tiêu hết nhanh chóng. Không dành được gì để lo một nghề gì ổn định.
Rồi anh ốm nặng, không đi làm được, không có nguồn nào trợ cấp, cũng không có bảo hiểm y tế, mỗi ngày nằm viện là một gánh nặng với gia đình. Vợ anh cũng lo sợ đến lúc cũng rơi vào hoàn cảnh như thế. Họ bàn nhau, đợi anh khoẻ trở lại, sẽ cùng xin việc ở khu công nghiệp gần nhà để được tham gia BHXH trở lại.
Thiệt đơn thiệt kép
Hoàn cảnh của bà Chân và vợ chồng anh Cường đang rất phổ biến, vì nhiều người không hiểu hết được giá trị của việc đóng BHXH với tương lai của mình, nên đã rút BHXH một lần để chi tiêu, hoặc để có được một khoản tiền lo trang trải nợ nần. Nhưng không phải ai cũng biết cách sử dụng khoản tiền đó, nên hầu như tiêu hết chỉ sau 1 thời gian ngắn.
Vấn đề này rất đáng lo ngại, khi sẽ làm thiệt thòi cho người lao động, mà theo BHXH Việt Nam, rút BHXH một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu:
Thứ nhất, người lao động không còn trong hệ thống BHXH được Nhà nước bảo hộ, mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng – nguồn thu nhập ổn định, hữu ích khi về già. Người tham gia BHXH khi đã hưởng lương hưu thì mức lương hưu sẽ được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế (từ năm 2003 đến nay, Nhà nước đã điều chỉnh tăng lương hưu 17 lần, với mức tăng từ khoảng 7,5% đến 9,3% cho mỗi lần điều chỉnh, tùy theo nhóm đối tượng).
Thứ hai, người lao động mất cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí để được khám chữa bệnh BHYT, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già, độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe nhất của mỗi người.
Thứ ba, thân nhân của người lao động không được hưởng chế độ tử tuất khi không may người lao động qua đời. Bởi nếu người đang hưởng lương hưu không may qua đời thì người lo mai táng sẽ được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người hưởng lương hưu qua đời và thân nhân được hưởng trợ cấp tử tuất hằng tháng hoặc một lần.
Thứ tư, số tiền người lao động nhận BHXH một lần thiệt hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH. Theo quy định hiện hành, tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của người lao động. Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương.
Nếu người lao động rút BHXH một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Như vậy, nếu lĩnh BHXH một lần, NLĐ sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.
Nếu không rút BHXH một lần, khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là “của để dành” quý giá của người lao động, được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng.
Nên bảo lưu đóng BHXH nếu gặp khó khăn
Vì những lý do trên, BHXH Việt Nam khuyến cáo người dân: Nếu gặp khó khăn do mất việc làm, giảm sút thu nhập, người lao động có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH, để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia. Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí: 10%-25%-30% tính trên chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn với 3 nhóm đối tượng khác nhau.
Ngoài ra, trong giai đoạn bảo lưu thời gian đóng BHXH, nếu không may người lao động qua đời, gia đình được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở, thân nhân tùy theo điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng (tối đa 4 người) đến khi trưởng thành (nếu là con) hoặc hưởng đến khi qua đời (nếu là vợ, chồng hoặc cha, mẹ đã hết tuổi lao động và không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng thấp hơn mức lương cơ sở); trường hợp nhận trợ cấp tuất một lần thì mức trợ cấp được tính như BHXH một lần.
BHXH Việt Nam khuyên mọi người nếu không may bị thất nghiệp, nên đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp học nghề để vượt qua khó khăn với các quyền lợi hưởng như: Được hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc 5 lần mức lương tối thiểu vùng; được hưởng chế độ khám, chữa bệnh BHYT; được hỗ trợ học nghề (tối đa 1 triệu đồng/người/tháng); được hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Khi qua giai đoạn khó khăn, người lao động có thể tham gia BHXH tiếp, hoặc bảo lưu để sau đó đóng BHXH tiếp để đủ điều kiện nhận lương hưu, tạo cho mình nguồn sống ổn định khi về già.