Rủi ro đầu tư trái phiếu doanh nghiệp khi thiếu tổ chức xếp hạng tín nhiệm

Trong khi hoạt động phát hành trái phiếu phát triển mạnh, vai trò của các công ty chuyên xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam là không đáng kể dù đã có công ty xếp hạng tín nhiệm được cấp phép.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Hôm qua Moody's công bố xếp hạng B1 đối với chương trình huy động vốn quốc tế 1 tỷ USD của VPBank theo hình thức Euro Medium Term Note. Mức xếp hạng này phản ánh khả năng sinh lời mạnh mẽ của VPBank với vị thế dẫn đầu trên thị trường cho vay tiêu dùng, đồng thời Moody's đã xem xét đến các rủi ro của hoạt động này.

Không chỉ các ngân hàng, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam có hoạt động huy động vốn quốc tế cũng thường xuyên được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm như Moody's, S&P và Fitch Ratings công bố xếp hạng.

Tại các thị trường phát triển, những tổ chức xếp hạng tín nhiệm luôn đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn của doanh nghiệp, đặc biệt là thông qua kênh phát hành trái phiếu. Họ có vai trò trung lập, đưa ra đánh giá, xếp hạng đối với tổ chức phát hành và các công cụ huy động vốn để nhà đầu tư làm cơ sở lựa chọn quyết định đầu tư.

Gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam liên tục phát hành trái phiếu để huy động vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. Theo thống kê của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng lần lượt là 29,5% và 30,1% trong các năm 2017 và 2018.

Ước tính trong 5 tháng đầu năm 2019, có 61.037 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được phát hành, phần lớn là trái phiếu ngân hàng, bất động sản và công ty chứng khoán.

Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, hạ tầng đã phát hành 16,2 nghìn tỷ đồng. Đây cũng là nhóm ngành có lãi suất coupon cao nhất, phổ biến trên 10%/năm.

Mức lãi suất cao nhất được đưa ra thuộc về Công ty Phát triển Bất động sản Phát Đạt. Trái phiếu lãi suất lên đến 14,5%/năm, kỳ hạn 1 năm, tổng giá trị phát hành là 200 tỷ đồng.

Đầu tháng 6, doanh nghiệp này tiếp tục thông qua việc phát hành 150 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, lãi suất 14%/năm với kỳ hạn một năm kể từ ngày phát hành. Đây là lần phát hành trái phiếu thứ 4 của Phát Đạt tính từ đầu năm đến nay.

Các công ty bất động sản khác cũng đưa ra mức lãi suất trái phiếu hấp dẫn. Công ty Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền mới đây phát hành trái phiếu kỳ hạn 2 năm, lãi suất 12%/năm, trả lãi 6 tháng/lần; Công ty Đầu tư Văn Phú phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 năm với mức lãi suất 12%/năm.

Công ty Đầu tư IDJ Việt Nam cũng đang chào bán một đợt trái phiếu giá trị 10 tỷ đồng với lãi suất 13% cho kỳ hạn 3 năm. Nguồn vốn huy động được sử dụng vào phát triển các dự án APEC Mandala Wyndham Mũi Né của công ty.

Bên cạnh các doanh nghiệp bất động sản, các ngân hàng, công ty chứng khoán cũng tích cực huy động vốn qua kênh trái phiếu với lãi suất coupon từ 7 - 11,3%, kỳ hạn phổ biến từ 1 – 3 năm.

Trong khi hoạt động phát hành trái phiếu phát triển mạnh thời gian gần đây, vai trò của các công ty chuyên xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam gần như không xuất hiện. Các đợt phát hành trái phiếu chủ yếu dựa vào tài sản bảo đảm của nhà phát hành.

Thông thường, một đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có sự tham gia của các bên: Doanh nghiệp (phát hành trái phiếu) – ngân hàng/công ty chứng khoán (đơn vị tư vấn/ phân phối/bảo lãnh/ quản lý tài sản bảo đảm) – nhà đầu tư (người mua).

Trong đó, cả doanh nghiệp lẫn đơn vị tư vấn/phân phối đều thu về lợi ích khi trái phiếu được phát hành thành công. Do đó, khi không tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập, nhà đầu tư hoàn toàn phụ thuộc vào các thông tin được doanh nghiệp phát hành công bố và chịu nhiều rủi ro.

Năm 2017, Công ty Cổ phần Sài Gòn Phát Thịnh Rating là đơn vị đầu tiên được cấp phép đánh giá xếp hạng tín nhiệm. Phát Thịnh Rating cung cấp một số dịch vụ cơ bản như xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành, xếp hạng tín nhiệm công cụ nợ,…

Tuy nhiên, hoạt động của Phát Thịnh Rating khá mờ nhạt. Công ty công bố xếp hạng một doanh nghiệp duy nhất là công ty TNHH Kirby Đông Nam Á hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Được biết, một số tổ chức khác đang nộp hồ sơ xin cấp phép kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm.

Hiện tại, Bộ Tài chính vẫn chưa bắt buộc các doanh nghiệp phải có đánh giá tín nhiệm trước khi phát hành trái phiếu. Đây cũng là rào cản cho việc tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như tạo ra rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân.

Dù chưa được nhìn nhận đúng, song trong bối cảnh thị trường trái phiếu phát triển mạnh, tầm quan trọng của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong và ngoài nước sẽ sớm được đẩy mạnh.

Theo Bộ Tài chính, Luật Chứng khoán sửa đổi gắn phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng với xếp hạng tín nhiệm. Sau khi định hình khung pháp lý, Bộ Tài chính sẽ nỗ thúc đẩy sự ra đời của công ty định mức tín nhiệm.

Theo TheLEADER

Link gốc: https://theleader.vn/rui-ro-dau-tu-trai-phieu-doanh-nghiep-khi-thieu-to-chuc-xep-hang-tin-nhiem-1562144692152.htm