Theo Reuters, thương vụ bán vốn của SHB đã nhận được sự quan tâm của một số nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản.
Đại diện SHB cho biết, họ vẫn đang tích cực tìm kiếm cơ hội với các đối tác khác, không chỉ đối tác châu Á, với mục tiêu mang lại lợi ích cao nhất cho ngân hàng và cổ đông.
Hiện tại, SHB là một trong số ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam, với quy mô tổng tài sản tính đến cuối năm 2022 đạt hơn 540.000 tỉ đồng.
Trước đó, kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài của SHB đã được Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (AGM 2023) diễn ra vào ngày 11/4.
Tại AGM 2023, phía ngân hàng cho hay, từ đầu năm 2022, SHB đã làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài là các tổ chức, định chế tài chính lớn. Tuy nhiên, việc phát hành phải tạm dừng trước những biến động của thị trường tài chính, chứng khoán trên thế giới và Việt Nam.
Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển phát biểu tại AGM 2023 |
Theo ông Hiển, SHB trước nay vẫn được xem là "cô gái đẹp, có nhiều chàng trai từ nhiều quốc gia khác muốn kết hôn".
“Chúng tôi đã và đang tiếp cận với một số nhà đầu tư nhưng với chiến lược từ 3 - 5 năm. Chậm nhất cuối năm nay hoặc đầu năm sau SHB sẽ có những "chàng rể" về trung hạn”, ông Hiển nói tại AGM 2023.
Trong giai đoạn 2022 – 2027, ban lãnh đạo SHB đặt ra chiến lược chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện với 4 trụ cột, bao gồm: Đổi mới thể chế và cơ chế; Lấy khách hàng và thị trường làm trung tâm; Con người là chủ thể; Nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và chuyển đổi số.
Ở năm thứ hai của chiến lược này, SHB hướng mục tiêu trở thành ngân hàng số 1 về hiệu quả tại Việt Nam, ngân hàng bán lẻ hiện đại nhất và là ngân hàng số được yêu thích nhất tại Việt Nam.
"Lợi thế cạnh tranh" của SHB
Theo phân tích của VietTimes, đối với ngành ngân hàng, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng, có tác động tới hiệu quả hoạt động và tạo ra sự khác biệt trong tăng trưởng và phát triển bền vững.
Năng suất của các nhân viên ngân hàng có thể được đo lường một cách tương đối thông qua hệ số lợi nhuận trước thuế/số lượng nhân viên trung bình trong năm.
Tại SHB, năm 2022, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của ngân hàng mẹ đạt 9.539,1 tỉ đồng, tăng 61,3% so với năm 2021.
Với số lượng nhân viên bình quân trong năm 2022 đạt 5.300 người, bình quân mỗi nhân viên ở SHB mang về 1,8 tỉ đồng lợi nhuận, thuộc nhóm các nhà băng sở hữu đội ngũ nhân viên có 'khả năng kiếm tiền' hàng đầu trên thị trường (chỉ sau VPBank, MB, Techcombank) theo khảo sát của VietTimes.
Ở nhóm "Big 4" ngân hàng quốc doanh, tính đến cuối năm ngoái, tỷ lệ tài sản/nhân viên của Vietcombank là 82,7 tỉ đồng/người, BIDV là 80,8 tỉ đồng/người, VietinBank là 78,4 tỉ đồng/người và Agribank là 47,3 tỉ đồng/người.
Thu nhập bình quân của nhân viên SHB cũng thuộc tốp đầu hệ thống các ngân hàng tại Việt Nam, với 29,64 triệu đồng/người/tháng trong năm 2022.
Lưu ý, các con số nêu trên chỉ là kết quả của phép tính bình quân gia quyền, cào bằng giữa các vị trí trong ngân hàng nên chưa thể phản ánh đầy đủ năng suất và thu nhập của từng bộ phận, cán bộ và nhân viên tại nhà băng.
Năm 2023, SHB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 10-14%; tổng tài sản dự kiến đạt hơn 600.000 tỉ đồng; vốn điều lệ dự kiến tăng 19,47% lên 36.645 tỉ đồng; chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 10.285 – 10.626 tỉ đồng.
Kết thúc quý 1/2023, SHB báo lãi trước thuế hơn 3.500 tỉ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 35% mục tiêu lợi nhuận./.