Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (AGM 2023), cổ đông đã chất vấn Chủ tịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (Mã CK: SHB) Đỗ Quang Hiển về "lợi thế cạnh tranh của SHB".
Trả lời về vấn đề này, ông Hiển cho biết, chiến lược kinh doanh của SHB là tìm hoặc tạo ra sự khác biệt.
"Nếu mình đã tìm ra sự khác biệt mà nói trước đại hội cổ đông thì còn gì là khác biệt. Vì vậy cổ đông hãy theo dõi chiến lược và cách đi của SHB, đi như thế nào, cổ đông sẽ hiểu được khác biệt của SHB là gì", ông Hiển nói.
Theo 'bầu' Hiển, SHB trước nay vẫn được xem là "cô gái đẹp, có nhiều chàng trai từ nhiều quốc gia khác muốn kết hôn".
Ban lãnh đạo SHB đặt ra chiến lược chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện trong giai đoạn 2022-2027, với 4 trụ cột bao gồm: Đổi mới thể chế và cơ chế; Lấy khách hàng và thị trường làm trung tâm; Con người là chủ thể; Nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và chuyển đổi số.
Trong đó, năm thứ hai của chiến lược chuyển đổi 2022-2027, SHB hướng mục tiêu trở thành ngân hàng số 1 về hiệu quả tại Việt Nam, ngân hàng bán lẻ hiện đại nhất và là ngân hàng số được yêu thích nhất tại Việt Nam, qua đó đáp ứng lợi ích kỳ vọng của cổ đông.
Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT SHB (Ảnh: Văn Lâm) |
Hiệu quả như nhân viên SHB
Đối với ngành ngân hàng, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng, có tác động tới hiệu quả hoạt động và tạo ra sự khác biệt trong tăng trưởng và phát triển bền vững.
Năng suất của các nhân viên ngân hàng có thể được đo lường một cách tương đối thông qua hệ số lợi nhuận trước thuế/số lượng nhân viên trung bình trong năm.
Tại SHB, năm 2022, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của ngân hàng mẹ đạt 9.539,1 tỉ đồng, tăng 61,3% so với năm 2021.
Với số lượng nhân viên bình quân trong năm 2022 đạt 5.300 người, bình quân mỗi nhân viên ở SHB mang về 1,8 tỉ đồng lợi nhuận, thuộc nhóm các nhà băng sở hữu đội ngũ nhân viên có 'khả năng kiếm tiền' hàng đầu trên thị trường (chỉ sau VPBank, MB, Techcombank) theo khảo sát của VietTimes.
Ngoài tiêu chí trên, trong ngành tài chính, có thể dùng tỷ lệ tài sản/nhân viên để đo năng suất lao động.
So với 10 năm trước, tổng tài sản của ngân hàng mẹ SHB đã tăng gấp 4,6 lần, đạt 543.776,8 tỉ đồng tại ngày 31/12/2022. Cũng trong khoảng thời gian này, số lượng nhân viên ở thời điểm cuối năm được SHB ghi nhận chỉ tăng khoảng 20%, đạt 5.311 người tại thời điểm cuối năm 2022.
Hệ quả, tính tới cuối năm 2022, bình quân mỗi nhân viên SHB quản lý hơn 102,4 tỉ đồng tài sản - cao nhất trong số 27 ngân hàng mà VietTimes khảo sát.
Ở nhóm "Big 4" ngân hàng quốc doanh, tính đến cuối năm ngoái, tỷ lệ tài sản/nhân viên của Vietcombank là 82,7 tỉ đồng/người, BIDV là 80,8 tỉ đồng/người, VietinBank là 78,4 tỉ đồng/người và Agribank là 47,3 tỉ đồng/người.
Tại SHB, thu nhập bình quân của nhân viên cũng thuộc tốp đầu hệ thống các ngân hàng tại Việt Nam, với 29,64 triệu đồng/người/tháng trong năm 2022.
Lưu ý, các con số nêu trên chỉ là kết quả của phép tính bình quân gia quyền, cào bằng giữa các vị trí trong ngân hàng nên chưa thể phản ánh đầy đủ năng suất và thu nhập của từng bộ phận, cán bộ và nhân viên tại nhà băng.
Năm 2023, SHB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 10-14%; tổng tài sản dự kiến đạt hơn 600.000 tỉ đồng; vốn điều lệ dự kiến tăng 19,47% lên 36.645 tỉ đồng; chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 10.285 – 10.626 tỉ đồng.
Kết thúc quý 1/2023, SHB báo lãi trước thuế hơn 3.500 tỉ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 35% mục tiêu lợi nhuận./.