Xuất hiện công khai
Trên Facebook hiện nay có rất nhiều các fanpage, trang cá nhân chào đổi hay bán tiền giả giá hấp dẫn với tỷ lệ 1:10, thậm chí 1:12, tức là một đồng tiền thật đổi được 10 - 12 đồng tiền giả. Người có nhu cầu chỉ cần để lại số điện thoại để trao đổi và sau khi giao dịch thành công, có thể thanh toán bằng thẻ điện thoại, hoặc COD (giao hàng thu tiền) trên toàn quốc.
|
Các nội dung rao bán, quảng cáo tiền giả xuất hiện công khai trên Facebook.
|
Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định rõ, người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 3 - 7 năm. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng bị phạt tù từ 5 - 12 năm. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên bị phạt tù từ 10 - 20 năm, hoặc tù chung thân. Luật cũng nêu rõ người chuẩn bị phạm tội này bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 3 năm. |
Các trang này đều có chung nội dung quảng cáo hấp dẫn, rằng tiền giả có nguồn gốc từ Trung Quốc, Thái Lan, rằng giống tiền thật đến 98%, chỉ bị phát hiện khi đưa vào máy soi chứ không thể phân biệt bằng mắt thường và hoàn toàn có thể dùng để thực hiện giao dịch thường ngày.
Các chủ page này cho biết luôn có sẵn số lượng lớn tiền mệnh giá 50.000 đồng, 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng, đảm bảo tiền không phai màu, không nhàu nát, không thấm nước và sẽ được giao ngay trong ngày, kể từ khi chốt đơn. Để “câu kéo” khách hàng, các trang này trưng lên hình ảnh quảng cáo là các xấp tiền mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng, 500.000 đồng…
Trao đổi với người quản lý trang cá nhân mang tên N.H.N tự nhận chuyên tiền giả, người này cho biết sẵn sàng cung cấp dịch vụ toàn quốc có cọc thì mới có hàng để làm phí xuất kho hàng và chỉ ai thật sự muốn mua thì nhắn tin hoặc gọi điện trực tiếp để đặt hàng.
|
Hình ảnh hấp dẫn được đính kèm các bài viết rao bán tiền giả.
|
Cũng như một số quản lý các trang chuyên buôn bán tiền giả khác, người này yêu cầu thanh toán bằng thẻ điện thoại, thay vì chuyển khoản ngân hàng, để không bị cơ quan chức năng truy danh tính. Cụ thể, nên mua sẽ gửi số thẻ điện thoại cùng số seri cho bên bán, sau khi xác nhận thẻ nạp được tiền, bên bán sẽ chuyển tiền giả cho bên mua theo đường gửi nhà xe hoặc chuyển phát nhanh.
Người này dù khẳng định "hàng" giống hệt tiền thật vẫn lưu ý khách mua chỉ nên sử dụng trong chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, tránh sử dụng tại các ngân hàng hoặc giao dịch tại các cơ quan nhà nước. Đặc biệt, số seri trên các tờ tiền khác nhau hoàn toàn chứ không giống hệt, nên việc tiêu tiền giả số lượng lớn là hoàn toàn có thể.
Đổ tiền quảng cáo là được đăng tải
Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Cục PTTH&TTĐT - Bộ Thông tin Truyền thông), cho rằng, việc mua bán, sử dụng tiền giả là hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho nền kinh tế, tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ và làm mất giá trị của đồng tiền thật.
|
Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử.
|
Tuy nhiên, hiện nay, Facebook vẫn cho phép rao bán, quảng cáo các sản phẩm bất hợp pháp. Trong đó, việc kiểm soát nội dung, mà cụ thể ở đây là rao bán quảng cáo trên Facebook gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu do Facebook không thực sự hợp tác trong việc kiểm duyệt. Hơn thế nữa, bất cứ nội dung nào người dùng đưa lên hay mua quảng cáo thì thì đều được đăng tải.
Trong hai năm qua, Cục PTTH & TTĐT đã làm việc với đại diện Facebook, yêu cầu Facebook gỡ bỏ hàng loạt tài khoản vi phạm nhưng chưa được như mong muốn. Lý do là vì các tài khoản quảng cáo sai trái thường núp dưới danh tài khoản cá nhân, không lấy danh nghĩa công ty. Việc quét để tìm ra tài khoản vi phạm mất nhiều công sức.
Lý do thứ 2, cũng chính là vướng mắc lớn nhất, là do chính sách gỡ bài đăng, tài khoản của Facebook rất khó khăn. Thêm nữa, quảng cáo hiện trên Facebook thường theo đợt, theo chiến dịch, nhắm đến nhóm đối tượng cụ thể, như người sống ở Hà Nội hay TP.HCM, tuổi 30 đến 40, làm nghề buôn bán,....
Dựa trên data khổng lồ nhưng cực kì chi tiết về người dùng, Facebook lọc ra các đối tượng phù hợp, cho hiện quảng cáo đến từng cá nhân trong một thời gian cụ thể. Do đó, không phải ai cũng có thể truy cập cùng một quảng cáo và cũng vì thế, việc phát hiện, tố giác trở nên khó khăn hơn.
Đó là còn chưa kể là mức chế tài xử phạt quá thấp, không đủ sức răn đe. “Chẳng hạn, một người người phát tán nội dung phản động bằng tờ rơi như kiểu truyền đơn, thì có thể bị đi tù từ 15 đến 20 năm, nhưng khi làm như vậy trên môi trường mạng, tác động đến hàng triệu người, thì cũng chưa có giải pháp và biện pháp nghiêm khắc để xử phạt, nên hiện tượng này đang tồn tại khá nhiều”, ông Lê Quang Tự Do nói thêm.
Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ 7 trên thế giới về số lượng người sử dụng Facebook nói riêng và có khoảng 55 triệu người dùng MXH nói chung. Với số lượng người sử dụng MXH chiếm khoảng 57% dân số, cho thấy MXH đang trở thành một môi trường quan trọng trong việc cung cấp tin tức, kiến thức về tất cả các lĩnh vực. |