Doanh nghiệp Việt than trời vì tin giả hạ thấp uy tín được Facebook “bảo kê” phát tán

VietTimes – Chỉ cần được bỏ tiền mua quảng cáo Facebook là các thông tin chưa kiểm chứng có nội dung vu khống, bôi nhọ được phát tán với tốc độ chóng mặt, tiếp cận người dân ở khắp mọi miền, không phân biệt lứa tuổi, nghề nghiệp, trình độ. Nhiều doanh nghiệp Việt đang lao đao chống chọi trước "cơn bão" tin giả mà Facebook đang nhận tiền để “bảo kê”.
Doanh nghiệp đang phải chịu ảnh hưởng trực tiếp khi các thông tin bịa đặt về doanh nghiệp này bị phát tán một cách tràn lan không qua kiểm chứng trên Facebook. Ảnh minh họa.
Doanh nghiệp đang phải chịu ảnh hưởng trực tiếp khi các thông tin bịa đặt về doanh nghiệp này bị phát tán một cách tràn lan không qua kiểm chứng trên Facebook. Ảnh minh họa.

Chỉ bị gỡ bỏ khi người người, nhà nhà tiếp cận tin giả

Theo thông tin từ đại diện Công ty Pepsi Việt Nam, vào tháng 7/2018, tài khoản Facebook Nguyễn Công Minh đã khẳng định nước uống Sting (sản phẩm của Pepsi Việt Nam) là nguyên nhân khiến anh bị suy thận nặng sau một thời gian uống đều đặn 3 chai nước Sting mỗi ngày.

Thông tin này dù chưa được kiểm chứng và cũng chưa có phản hồi của Pepsi Việt Nam nhưng đã phát tán với tốc độ chóng mặt trên Facebook. Trong 6 ngày kể từ khi công khai, nội dung bài viết này đã nhận được một lượng tương tác khổng lồ, lên đến 65.114 lượt chia sẻ và 93.600 lượt tiếp cận trên Facebook.

Vụ việc diễn ra gần nửa năm nay, thông tin giả mạo trên Facebook tuy đã được gỡ nhưng vẫn còn một số trang thông tin dẫn bài về, nên vẫn như "bóng ma" làm tổn hại uy tín của doanh nghiệp.
Vụ việc diễn ra gần nửa năm nay, thông tin giả mạo trên Facebook tuy đã được gỡ nhưng vẫn còn một số trang thông tin dẫn bài về, nên vẫn như "bóng ma" làm tổn hại uy tín của doanh nghiệp.

Công ty Luật đại diện cho Pepsi sau đó đã liên hệ với các cơ quan chức năng và Facebook để cung cấp bằng chứng thông tin này sai sự thật. nhưng việc gỡ bỏ thông tin của Facebook diễn ra rất chậm trễ. Đến 7 ngày sau đó, Facebook mới gỡ thông tin giả mạo này xuống. Hậu quả là thông tin đã phát tán rất rộng rãi, khiến doanh nghiệp phải hứng chịu hậu quả nặng nề từ thông tin chưa được kiểm chứng.

Đây không phải lần đầu tiên nhãn hàng này bị phát tán tin giả trên Facebook. Trước đó, vào tháng 6/2016, nước tăng lực Sting cũng từng bị chỉ trích khi xuất hiện thông tin giả mạo rằng, ở Tuyên Quang, có 15 em học sinh cấp 3 bị nôn ói sau khi uống nước Sting trong giờ ra chơi, 2 em bị bất tỉnh tại chỗ và sau đó tử vong, 13 em cũng có biểu hiện bất thường, phải đưa vào bệnh viện. Bài viết đưa ra kết luận: Do Sting có nhiều chất độc.

Thực hiện xác minh, Pepsi phát hiện thấy hình ảnh bệnh viện, bệnh nhân đang nằm viện được lấy từ một trang web ở Pakistan, hình ảnh đám ma 2 em tử vong cũng là giả mạo. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Tuyên Quang cũng đã kiểm tra tất cả các bệnh viện trong tỉnh đều nhận được phản hồi là tất cả các bệnh viện trong tỉnh không tiếp nhận hay cấp cứu bất cứ trường hợp nào ngộ độc vì uống nước Sting.

Đại diện Pepsi cho biết, vào thời điểm đó, Pepsi đã phải rất vất vả để liên hệ với Facebook để yêu cầu lập tức gỡ bỏ thông tin sai sự thật, nhưng Facebook phản hồi rất chậm, phải mất 7-10 ngày mới gỡ được thông tin giả mạo.

Sau những gì xảy ra, chịu ảnh hưởng không ít, nhưng DN vẫn chỉ biết kiến nghị nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội Facebook phải chịu trách nhiệm nếu phát tán những thông tin giả, tin sai sự thật trên hệ thống của họ, phải ngay lập tức phong tỏa và sau đó là gỡ bỏ các tiin giả, tin sai sự thật khi nhận được báo cáo với các chứng cứ đầy đủ từ cá nhân tổ chức.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải là những mạng xã hội như Facebook không có văn phòng tại Việt Nam, cũng như không có bộ phận xử lý các khiếu nại tại Việt Nam.

Cùng với đó, Facebook cũng không có bất kỳ quy định nào về thời gian giải quyết khiếu nại. Chính vì vậy, khi doanh nghiệp bị tấn công bởi những tin đồn thất thiệt, thời gian xử lý, gỡ bỏ rất lâu, có những trường hợp kéo dài 3 tháng hoặc thậm chí hơn.

"Khi thông tin thất thiệt này tồn tại tới 3 tháng, nó đã trở nên bão hòa và không cần gỡ nữa vì không còn giá trị", đại diện Pepsi Việt Nam cho biết.

Không chỉ riêng Pepsi, Ngân hàng Việt Á cũng là một trường hợp là nạn nhân của nạn tin giả. Mới đây nhất, xuất hiện một Fanpage Facebook được lập ra chỉ để đăng tải những thông tin liên quan đến ngân hàng Việt Á Bank nhưng và chủ yếu là thông thông tin vu khống về sai phạm của ngân hàng này.

Fanpage được dựng lên và chạy quảng cáo nhằm đưa thông tin một chiều về ngân hàng Việt Á.
Fanpage được dựng lên và chạy quảng cáo nhằm đưa thông tin một chiều về ngân hàng Việt Á.

Cụ thể, Fanpage này tập trung đăng thông tin vu khống ngân hàng Việt Á đã “ỉm” hơn 20 tỷ đồng của một phụ nữ và khi người này đến phản ánh thì bị người của ngân hàng này đuổi đánh. Những thông tin không đúng sự thật này đã gây thiệt hại rất lớn cho cho ngân hàng vào thời điểm đó.

Trao đổi với PV, đại diện ngân hàng Việt Á cho biết, khi mới tiếp cận thông tin, Fanpage này chỉ có vài trăm lượt theo dõi mà chủ yếu là các tài khoản ảo. Tuy nhiên, rất ngắn sau đó, Fanpage này cập nhật thông tin và ảnh về một văn phòng giao dịch cụ thể của Việt Á, có logo, địa chỉ kèm theo rất nhiều thông tin không chính xác. Cùng với đó, chủ Fanpage này cho chạy quảng cáo trên toàn quốc, người dùng tương tác đến từ các tỉnh thành, từ Lào Cai, Cao Bằng, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Cần Thơ. Số lượng tiếp cận, tương tác tăng chóng mặt, chỉ ít ngày sau đã lên tới 100 ngàn lượt thể hiện cảm xúc, 400 lượt bình luận và 600 lượt chia sẻ. Thông tin bôi nhọ về ngân hàng này được phát tán nhanh một cách bất ngờ.

Hiện trên mạng xã hội Facebook đang cho phép tồn tại rất nhiều tài khoản cá nhân, Fanpage, nhóm có nhiều bài đăng với nội dung vu khống, chống phá chính quyền, bôi nhọ các doanh nghiệp, tổ chức và cả các cá nhân. Và việc các Fanpage được lập ra để nói xấu, gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh, gây thiệt hại về kinh tế cho các doanh nghiệp ở Việt Nam đã diễn ra từ nhiều năm trước và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt.

Facebook “bảo kê”, bất chấp pháp luật Việt Nam

Lãnh đạo Cục Phát Thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, ngoài những mặt tích cực, tiện dụng của mạng xã hội hầu như ai cũng biết, thì còn một mặt khác nữa mà không phải người sử dụng nào cũng có thể nhận ra, đó chính là việc truyền tải thông tin giả mạo có chủ đích để hại đối phương, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, uy tín của các cá nhân, tổ chức là nạn nhân. 

Những hình ảnh giới thiệu công cụ quảng cáo Facebook đang xuất hiện tràn lan và hiện có rất nhiều biến tướng của quảng cáo trên mạng xã hội này, gây ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức.
Những hình ảnh giới thiệu công cụ quảng cáo Facebook đang xuất hiện tràn lan và hiện có rất nhiều biến tướng của quảng cáo trên mạng xã hội này, gây ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức.

Từ người buôn bán nhỏ lẻ cho đến các công ty, tập đoàn lớn, tất cả đều có thể trở thành nạn nhân của những thông tin thất thiệt, bôi nhọ trên mạng xã hội. Thông thường, đây là những thông tin bịa đặt, những thông tin chưa được cơ quan chức năng xác nhận hay những thông tin đã bị cắt xén và tỉa gọt có chủ đích, không còn đúng bản chất sự thật ban đầu.

“Do đó, một khi những thông tin đã được chỉnh sửa này bị phát tán trong môi trường công nghệ cao như hiện nay thì chỉ cần 1 giây sau khi bấm nút “đăng”, thiệt hại của chủ thể mà những thông tin trên hướng tới sẽ ngay lập tức phát sinh. Và đương nhiên, thiệt hại này không chỉ là thiệt hại về tài sản mà nguy hiểm hơn là uy tín, danh dự và thậm chí có thể đẩy nhiều doanh nghiệp đến bờ vực phá sản”, đại diện Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử nhấn mạnh.

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng cho biết thêm, trong quá trình đàm phán gần đây, cơ quan chức năng Việt Nam đã yêu cầu Facebook không cho người dùng Facebook mua những quảng cáo nói xấu như thế này.

Tuy nhiên đáp lại yêu cầu này, Facebook chỉ hứa hẹn, hứa hẹn rất nhiều nhưng không bao giờ làm việc bằng văn bản và ký vào văn bản. Có ý kiến cho rằng, có vẻ như Facebook không có ý định tuân thủ pháp luật của Việt Nam.

Từ lâu nay, những sai phạm của Facebook vẫn ngang nhiên xuất hiện. Facebook đã sai phạm khi các dịch vụ quảng cáo trên mạng xã hội này không tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam (không qua đại lý quảng cáo), không tuân thủ quy định khi đặt các máy chủ tại Việt Nam, không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam và không cung cấp thông tin các tài khoản lừa đảo, vi phạm pháp luật Việt Nam để phục vụ điều tra của cơ quan an ninh.

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, thời gian tới, Cục sẽ có những biện pháp để xử lý những hành vi vi phạm của Facebook, buộc Facebook phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam.