Rắc rối vụ công ty Trung Quốc kiện ra tòa án quốc tế đòi chính phủ Ukraine bồi thường 4,5 tỉ USD

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giữa lúc quan hệ Ukraine-Nga đang nóng lên, việc phía Trung Quốc kiện đòi chính phủ Ukraine bồi thường vụ ngăn chặn công ty Trung Quốc mua lại hãng chế tạo động cơ máy bay Motor Sich có những diễn biến mới.
Motor Sich và Tianjiao đã có thời kỳ hợp tác chặt chẽ và Trung Quốc hưởng lợi nhiều trong lĩnh vựa động cơ máy bay (Ảnh: QQ).
Motor Sich và Tianjiao đã có thời kỳ hợp tác chặt chẽ và Trung Quốc hưởng lợi nhiều trong lĩnh vựa động cơ máy bay (Ảnh: QQ).

Vào ngày 28/11, Công ty TNHH Đầu tư Công nghiệp Hàng không Tianjiao (Thiên Kiều) Bắc Kinh ra thông báo, nói: “Trước sự đối xử bất công của phía Ukraine đối với các nhà đầu tư Trung Quốc trong 5 năm qua, các nhà đầu tư đã quyết định sử dụng vũ khí pháp luật và kiện phía Ukraine ra tòa án quốc tế”. Được biết, Công ty TNHH Đầu tư Công nghiệp Hàng không Tianjiao Bắc Kinh đã nộp "Đơn đề nghị trọng tài" và các tài liệu chứng cứ liên quan đến vụ án trọng tài Motor Sich của Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế ở La Hay theo thủ tục quy định, yêu cầu ra phán quyết Chính phủ Ukraine đã vi phạm Hiệp định đầu tư song phương Trung Quốc - Ukraine và bồi thường đầy đủ mọi tổn thất do việc này gây ra cho nguyên đơn (Công ty Tianjiao), số tiền lên tới 4,5 tỉ USD. Vấn đề này đã thu hút sự chú ý của tất cả các bên và gây tranh cãi.

Motor Sich là Nhà máy chế tạo nhiều loại động cơ cho máy bay trực thăng và cánh cố định (Ảnh: QQ).

Motor Sich là Nhà máy chế tạo nhiều loại động cơ cho máy bay trực thăng và cánh cố định (Ảnh: QQ).

Motor Sich là một công ty chế tạo động cơ hàng không quan trọng ở Ukraine, và là một trong số ít công ty trên thế giới có khả năng nghiên cứu phát triển đồng thời cả động cơ máy bay trực thăng và động cơ máy bay cánh cố định. Tuy công nghệ của Motor Sich thua kém hơn hai hãng chế tạo động cơ máy bay hàng đầu Âu Mỹ là Rolls-Royce và Pratt & Whitney, nhưng vẫn có sự tích lũy nhất định ở một số công nghệ cơ bản. Công ty Motor Sich và hai công ty hàng đầu thế giới Rolls-Royce và Pratt & Whitney, trước đây đều là công ty tư nhân và có khả năng duy trì hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ hiệu quả cao. Nhưng từ năm 2012, Motor Sich đã chuyển đổi thành Công ty quốc doanh của Ukraine, kim ngạch xuất khẩu của nó đã liên tiếp giảm dần và đang dần rút lui khỏi ngành công nghiệp động cơ quốc tế.

Trên thực tế, từ năm 2010, Motor Sich bắt đầu xuống dốc. Để cho công ty tiếp tục phát triển, Motor Sich bắt đầu hợp tác với các công ty Trung Quốc.

Năm 2016, Tianjiao Airlines đề xuất mua lại 56% cổ phần của Motor Sich, đồng thời hứa đầu tư ít nhất 250 triệu USD/năm vào Công ty trong những năm tiếp theo. Ban đầu, giao dịch này là một giải pháp đôi bên cùng có lợi - Trung Quốc đại lục có thể có được một số công nghệ động cơ công suất cao, và Motor Sich có thể tránh phá sản. Tuy nhiên, chính quyền Donald Trump của Mỹ đã nhiều lần bày tỏ quan điểm phản đối vụ giao dịch này, và Ủy ban chống độc quyền Ukraine cũng bày tỏ lo ngại về giao dịch này. Từ năm 2017 đến năm 2020, Cơ quan An ninh Quốc gia Ukraine, các tòa án và Ủy ban Chống độc quyền đã liên tiếp ngăn chặn việc mua lại.

Động cơ của Motor Sich trưng bày tại một hội chợ triển lãm Trung Quốc (Ảnh: QQ).

Động cơ của Motor Sich trưng bày tại một hội chợ triển lãm Trung Quốc (Ảnh: QQ).

Vào ngày 29/1 năm nay, Tổng thống Ukraine Zelensky đã ký lệnh, quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 4 công ty Trung Quốc trong đó có Công ty TNHH Đầu tư Công nghiệp Hàng không Tianjiao Bắc Kinh và 3 công dân Trung Quốc. Các biện pháp trừng phạt cụ thể bao gồm đóng băng tài sản, hạn chế thương mại, hạn chế nhập cảnh, hạn chế rút vốn và tăng vốn, hạn chế giao dịch chứng khoán, v.v. Các công ty và cá nhân bị trừng phạt đều có liên quan đến công ty động cơ hàng không Motor Sich của Ukraine và họ đều là phía đầu tư trong dự án.

Phía Trung Quốc cho rằng, động thái của Ukraine “rõ ràng là một hành vi không hữu nghị, không chỉ bác bỏ vụ mua lại Motor Sich trước đó mà còn áp đặt các biện pháp trừng phạt và đàn áp mới đối với các nhà đầu tư Trung Quốc”. Động thái này được giới truyền thông quốc tế cho là nhằm hưởng ứng việc phía Mỹ thường xuyên gây sức ép và nỗ lực cản trở việc các công ty Trung Quốc mua lại Motor Sich.

Sau khi vụ việc xảy ra, trong nước Ukraine đã diễn ra một cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề này, theo một bài bình luận được mạng tin Apostrophe của Ukraine đăng tải ngày 30/1, việc Ukraine “tham gia vào vụ tranh chấp Motor Sich giữa Mỹ và Trung Quốc” là thiếu khôn ngoan. Việc Ukraine từ bỏ việc bán Motor Sich cho Trung Quốc là sự tiếp tục của chính sách thỏa hiệp với Mỹ. Chính sách này đã làm tổn hại đến chữ tín của Ukraine và đánh mất lợi ích của mình, đồng thời cũng không nhận được bất kỳ lợi ích nào từ Mỹ.

Tổng thống Zelensky, người quyết định cấm Công ty Tianjiao mua lại Công ty Motor Sich (Ảnh: QQ).

Tổng thống Zelensky, người quyết định cấm Công ty Tianjiao mua lại Công ty Motor Sich (Ảnh: QQ).

Bài báo này cũng phân tích sự hợp tác giữa Ukraine và Trung Quốc xung quanh Motor Sich. Ngay từ năm 2014, các công ty Trung Quốc đã trở thành đối tác chiến lược chính của công ty Motor Sich. Năm 2016, Công ty Tianjiao đã đề xuất với Boguslayev, chủ sở hữu của Motor Sich mua lại 56% cổ phần và đạt được thỏa thuận sơ bộ. Tuy nhiên, sau đó Ủy ban chống độc quyền Ukraine đã lên tiếng phản đối vụ này. Sau đó, cơ quan An ninh Quốc gia Ukraine đã mở cuộc điều tra và năm 2018, tòa án Ukraine cuối cùng đã chấm dứt lưu hành mọi cổ phần nào của Motor Sich. Sau đó, như mọi người đã rõ, cuối cùng Ukraine đã quốc hữu hóa công ty Motor Sich, triệt để ngăn chặn việc bán công ty, khiến khoản đầu tư của công ty Trung Quốc bị xóa sổ. Vì vậy, công ty Trung Quốc quyết định đưa nó ra Tòa án Trọng tài Quốc tế để đòi bồi thường 4,5 tỉ USD Mỹ.

Theo Mingpao (Hồng Kông) ngày 30/11, trên thực tế, Trung Quốc và Ukraine đã ký một Hiệp định bảo hộ đầu tư lẫn nhau, do đó, Công ty hàng không Tianjiao yêu cầu tòa án La Hay ra phán quyết rằng Ukraine đã vi phạm Hiệp định bảo hộ đầu tư song phương Trung Quốc - Ukraine và bồi thường thiệt hại cho bản thân là chính đáng. Nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để phía Trung Quốc tính ra được số tiền bồi thường lên tới hơn 4,5 tỉ USD? Dù giả định Tianjiao trong 5 năm qua đã đầu tư 250 triệu USD vào Motor Sich mỗi năm (thực tế không phải như vậy), thì con số này cũng chỉ là 1,25 tỉ USD, thậm chí nếu tính thêm tiền lãi thì cũng không thể thành hơn 4,5 tỉ USD được. Vậy số tiền Tianjiao yêu cầu bồi thường hơn 4,5 tỉ USD được tính như thế nào? Nếu tính theo nguyên tắc "mượn một trả N" quen được áp dụng của Trung Quốc, e rằng sẽ khó thuyết phục.

Theo dữ liệu hồi tháng 3 năm nay, tổng dự trữ vàng và ngoại hối của Ngân hàng Quốc gia Ukraine chỉ đạt 18,1 tỉ USD. 4,5 tỉ USD gần tương đương với một phần tư dự trữ ngoại hối của nước này. Nếu chính phủ Zelensky sử dụng hàng tỉ USD từ nguồn dự trữ ngoại hối cực kỳ hạn chế của nước này để bồi thường cho các công ty Trung Quốc, nó có thể khiến tỷ giá hối đoái của đồng hryvnia Ukraine giảm mạnh. Ngoài ra, Trung Quốc là nhà nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Ukraine, mang lại cho Ukraine hơn 7 tỉ USD thu nhập ngoại hối mỗi năm. Một số cơ quan truyền thông Trung Quốc còn hô hào Chính phủ ngừng nhập khẩu hàng hóa của Ukraine để trừng phạt.

Điều này giống như bản sao của việc ngừng nhập khẩu than từ Australia, vốn bị cộng đồng quốc tế coi là "ngoại giao cưỡng bức kinh tế", điều này sẽ chỉ làm tổn hại thêm hình ảnh quốc tế của Trung Quốc, thậm chí lợi bất cập hại.

Trên thực tế, việc mua lại Motor Sich của Công ty Tianjiao đã kéo dài quá lâu. Động cơ lực đẩy 35 tấn AEF3500 do Trung Quốc phát triển đã đạt được những tiến bộ đáng kể và cơ bản đã xác minh được tính năng của trái tim máy bay này của hãng qua thử nghiệm trên mặt đất. Trung Quốc không cần phải nhập khẩu động cơ loại cũ với lực đẩy hơn 20 tấn của Motor Sich và mất thời gian để tiêu hóa và cải tiến nó.

Máy bay huấn luyện cao cấp L-15 của Không quân Trung Quốc lắp động cơ AI-222-25F do Motor Sich cung cấp (Ảnh: Dwnews).

Máy bay huấn luyện cao cấp L-15 của Không quân Trung Quốc lắp động cơ AI-222-25F do Motor Sich cung cấp (Ảnh: Dwnews).

Hơn nữa, danh tiếng của Tianjiao cũng kém ngay cả ở Trung Quốc đại lục. Có thông tin cho rằng Tianjiao là công ty con của Tập đoàn Xinwei từng bị đình chỉ giao dịch chứng khoán trong gần ba năm do nghi ngờ gian lận tài chính vào năm 2016. Các cơ quan truyền thông Trung Quốc cũng cho rằng Xinwei không thể có nhiều tiền như vậy để mua lại Motor Sich, và họ chỉ thay mặt các doanh nghiệp nhà nước để thực hiện việc mua lại.

Có ý kiến cho rằng việc chính phủ Ukraine cưỡng chế quốc hữu hóa Motor Sich mà không bồi thường cho Tianjiao, là cướp tài sản, chắc chắn là sai. Tuy nhiên, nếu Tianjiao hành xử kiểu “sư tử gầm”, phóng đại thiệt hại của mình, thì điều đó cũng chẳng có lợi gì cho công ty cũng như Trung Quốc.

Hơn nữa, ở cấp độ quốc gia, Ukraine từng cho phép Trung Quốc nhập khẩu một số lượng lớn các công nghệ quân sự, đặc biệt là các tua-bin khí sử dụng cho tàu hải quân. Nếu không có sự trợ giúp của Ukraine, các tàu khu trục Trung Quốc sẽ không thể bắt đầu sản xuất hàng loạt từ cách đây vài năm. Riêng về điểm này, Trung Quốc lẽ ra không nên đưa ra yêu cầu quá đáng với Ukraine mới phải.