Ukraine tuyên bố quốc hữu hóa Motor Sich, Trung Quốc thiệt đơn thiệt kép

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ukraine tuyên bố sẽ tái quốc hữu hóa nhà sản xuất động cơ máy bay hàng đầu thế giới Motor Sich xuất phát từ cân nhắc về an ninh quốc gia để tránh rơi vào tay các công ty Trung Quốc; Bắc Kinh phản ứng quyết liệt.
Ông Oleksiy Danilov, Tổng thư ký Ủy ban Quốc phòng và An ninh quốc gia Ukraine thông báo sẽ quốc hữu hóa Công ty Motor Sich (Ảnh: Apolo).
Ông Oleksiy Danilov, Tổng thư ký Ủy ban Quốc phòng và An ninh quốc gia Ukraine thông báo sẽ quốc hữu hóa Công ty Motor Sich (Ảnh: Apolo).

Theo hãng tin Nga RIA Novosti, ông Oleksiy Danilov, Tổng thư ký Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, hôm 11/3 tuyên bố: “Motor Sich sẽ trở lại trong tay người dân Ukraine và nhà nước Ukraine thông qua phương thức phù hợp luật pháp và hiến pháp”. Ông Danilov nhấn mạnh: “Điều này được thực hiện vì an ninh quốc gia của đất nước chúng tôi”.

Tờ Financial Times đưa tin, Ủy ban Quốc phòng do ông Danilov đứng đầu đã thông qua phương án quốc hữu hóa, dự kiến ​​Quốc hội Ukraine sẽ nhanh chóng thông qua.

Ukraine quyết liệt ra tay; Trung Quốc bất bình, phản đối

Theo VOA ngày 15/3, quyết định này của Ukraine có thể khiến Tianjiao Airlines (Thiên Kiêu), một công ty con của Tập đoàn Công nghệ Xinwei Bắc Kinh - một công ty Trung Quốc đang nỗ lực mua lại Motor Sich thất vọng. Thiên Kiêu hiện đang nắm giữ phần lớn vốn cổ phần tại Motor Sich. Họ đã nhiều lần nộp đơn xin mua lại công ty này lên Ủy ban chống độc quyền Ukraine, nhưng chưa bao giờ được chấp thuận.

Truyền thông Trung Quốc viết, các nhà đầu tư Trung Quốc cho rằng quyết định quốc hữu hóa của chính phủ Ukraine là bất hợp pháp, vi phạm các quy tắc của nền kinh tế thị trường.

Công ty Thiên Kiêu Bắc Kinh và Motor Sich Ukraine đã có nhiều dự án hợp tác quan trọng (Ảnh: Dwnews).

Công ty Thiên Kiêu Bắc Kinh và Motor Sich Ukraine đã có nhiều dự án hợp tác quan trọng (Ảnh: Dwnews).

Ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong cuộc họp báo hôm 13/3, Trung Quốc đã lưu ý đến thông tin này và nhấn mạnh “Trung Quốc yêu cầu phía Ukraine bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty và nhà đầu tư Trung Quốc theo quy định của pháp luật, đồng thời xử lý các vấn đề liên quan một cách thỏa đáng”.

Mục đích mua Motor Sich của nhà đầu tư Trung Quốc là để có được công nghệ chế tạo động cơ máy bay và quyền sở hữu trí tuệ của công ty, từ đó thúc đẩy sự phát triển quân sự của Trung Quốc, đặc biệt là sản xuất động cơ máy bay, vệ tinh và tên lửa hành trình. Mỹ cho rằng điều này sẽ đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia của Mỹ nên kiên quyết phản đối việc Thiên Kiêu Bắc Kinh mua lại Motor Sich.

Trước khi chính phủ Ukraine đưa ra quyết định này, Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với Thiên Kiêu Bắc Kinh. Lý do để Washington trừng phạt là do công ty này có quan hệ mật thiết với quân đội Trung Quốc (PLA).

Bộ Ngoại giao Mỹ trong một tuyên bố vào ngày 14/1 nói rằng các khoản đầu tư cướp đoạt và mua lại công nghệ của Thiên Kiêu Bắc Kinh ở Ukraine là một “rủi ro không thể chấp nhận được” vì có thể sử dụng những công nghệ này cho các mục đích quân sự của Trung Quốc.

Hồi cuối tháng 1 năm nay, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 4 công ty Trung Quốc trong đó có Thiên Kiêu Bắc Kinh và 3 công dân Trung Quốc, bao gồm đóng băng tài sản, hạn chế thương mại, hạn chế nhập cảnh, hạn chế rút vốn và tăng vốn cũng như hạn chế giao dịch chứng khoán.

Tháng 1/2021, Tổng thống Ukraine Zelenski tuyên bố trừng phạt 4 công ty và 3 công dân Trung Quốc có liên quan đến việc mua bán cổ phiếu Motor Sich (Ảnh: Dwnews).

Tháng 1/2021, Tổng thống Ukraine Zelenski tuyên bố trừng phạt 4 công ty và 3 công dân Trung Quốc có liên quan đến việc mua bán cổ phiếu Motor Sich (Ảnh: Dwnews).

Motor Sich được tư nhân hóa vào những năm 1990. Cổ phần được bán cho các nhân viên công ty, và một phần rất lớn cổ phần dần đã rơi vào tay các công ty nước ngoài.

Sau khi nhiều lần định mua lại bị chặn, Thiên Kiêu đe dọa sẽ trả đũa. Ông Danilov hôm 12/3 cho biết. Ukraine sẽ không khuất phục trước các mối đe dọa pháp lý. Danilov nói rằng những ai đầu tư vào nhà máy này chứ không phải các công ty nước ngoài sẽ nhận được một khoản tiền bồi thường nhất định sau khi quốc hữu hóa. Một phần nhỏ cổ phần của Madsic cũng sẽ được giao dịch trên thị trường.

Các quan chức Ukraine nghi ngờ về tính hợp pháp của đầu tư của Trung Quốc vào công ty động cơ chủ chốt của Ukraine này. Trước yêu cầu của Bắc Kinh về bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư Trung Quốc, các quan chức cấp cao của Ukraine đã ngay lập tức có phản ứng. Nhưng nội dung và giọng điệu phản ứng đã dội một gáo nước lạnh vào Trung Quốc. Liệu xung đột giữa Ukraine và Trung Quốc có leo thang và lan sang các khu vực khác hay không là điều đáng lo ngại.

Trung Quốc đòi bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, Ukraine nghi ngờ về tính hợp pháp

Ông Danilov, Tổng thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine tối ngày 12/3 tuyên bố Ukraine chỉ công nhận các khoản đầu tư nước ngoài được chuyển vào các tài khoản ngân hàng Ukraine thông qua các kênh chính thức. Đối với những nhà đầu tư hoặc công ty nước ngoài sử dụng các phương pháp “xám” hoặc che giấu thông qua các công ty nước ngoài đặt tại Quần đảo Virgin thuộc Anh hoặc Quần đảo Colon, Ukraine sẽ không công nhận các khoản đầu tư hay chuyển khoản kiểu như thế. Ông đặc biệt nhấn mạnh rằng tiền vốn của các nhà đầu tư đến Ukraine đầu tư phải vào Ukraine.

Ông Boguslayev, cựu lãnh đạo Motor Sich thời Liên Xô cũ, người đóng vai trò quan trọng trong thương vụ Trung Quốc mua hụt Motor Sich (Ảnh: AP).

Ông Boguslayev, cựu lãnh đạo Motor Sich thời Liên Xô cũ, người đóng vai trò quan trọng trong thương vụ Trung Quốc mua hụt Motor Sich (Ảnh: AP).

Cổ phiếu của Công ty Motor Sich ở Zaporozhye, miền nam Ukraine, được kiểm soát bởi nhà tài phiệt địa phương Boguslayev thông qua một nhóm các công ty nước ngoài đăng ký ở nước ngoài do chính ông và gia đình nắm giữ. Boguslayev là lãnh đạo của Motor Sich từ thời Liên Xô. Trong quá trình tư hữu hóa ở Ukraine sau khi Liên Xô tan rã, Boguslayev từng bước có được quyền kiểm soát công ty, nhưng phương thức kiểm soát vốn và quyền sở hữu rất không minh bạch.

Theo thông tin của Cơ quan Đăng ký Thống nhất Quốc gia Ukraine được công bố tại tòa án Ukraine, các nhà đầu tư Trung Quốc như Thiên Kiêu Bắc Kinh đã mua lại hơn 56% cổ phần của Motor Sich từ Boguslayev vào năm 2016. Tuy nhiên, nhiều cơ quan truyền thông Ukraine cho biết, một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc có liên quan đến Công ty hàng không Thiên Kiêu hiện đã sở hữu tới 75% cổ phần của Motor Sich.

Chính quyền Trung Quốc đứng sau thúc đẩy mua Motor Sich, Ukraine chú ý đến phản ứng của Bắc Kinh

Ông Danilov phản bác bài phát biểu của ông Triệu Lập Kiên trong chương trình truyền hình "Tự do ngôn luận" thảo luận về các vấn đề thời sự có ảnh hưởng lớn ở Ukraine phát sóng vào tối thứ Sáu 12/3. Các cựu tổng thống, cựu thủ tướng, các quan chức cấp cao của chính phủ và các đại gia tài phiệt thường là khách mời của chương trình này. Một trong những chủ đề được thảo luận trong chương trình "Tự do ngôn luận" hôm đó là việc Trung Quốc mua lại cổ phần của Motor Sich và bài phát biểu của Triệu Lập Kiên.

Sau khi thương vụ mua Motor Sich thất bại, Công ty Thiên Kiêu đã kiện chính phủ Ukraine ra tòa án quốc tế đòi bồi thường 3,6 tỷ USD (Ảnh: Dwnews).

Sau khi thương vụ mua Motor Sich thất bại, Công ty Thiên Kiêu đã kiện chính phủ Ukraine ra tòa án quốc tế đòi bồi thường 3,6 tỷ USD (Ảnh: Dwnews).

Khi Danilov phát biểu, nhiều khách mời và người điều hành đã nhắc nhở các quan chức Ukraine chú ý đến phản ứng của Trung Quốc và không chọc giận Trung Quốc. Họ nói rằng ngôn ngữ ngoại giao của Trung Quốc thường uyển chuyển kiểu phương Đông, nhưng người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã sử dụng từ “yêu cầu” trong bài phát biểu của mình để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, điều này cho thấy thái độ của Trung Quốc đối với sự việc này là rất khác thường.

Một trong những khách mời là chủ tịch của một công ty đầu tư địa phương cho biết, theo thông tin mà ông có được, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã chi ra hơn 500 triệu USD để tài trợ cho thương vụ mua lại cổ phần Motor Sich. Ông nói hoạt động ngoại thương của Ukraine phụ thuộc vào Trung Quốc và các quan chức nên hành xử thận trọng.

Thái độ cứng rắn của Ukraine, Trung Quốc thất bại hoặc thua lỗ

Ngân hàng Phát triển Trung Quốc là một tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc Quốc vụ viện. Tuyên bố của vị khách mời này cho thấy chính phủ Trung Quốc đã đứng sau chủ đạo việc mua lại cổ phần của Motor Sich. Tuy nhiên, tuyên bố của ông Danilov tỏ rõ Ukraine không muốn công nhận thương vụ mua lại này được tiến hành bởi tiền vốn của chính phủ Trung Quốc, điều này cho thấy lập trường cứng rắn của chính phủ Ukraine về vấn đề này. Điều đó cũng có nghĩa là vốn nhà nước Trung Quốc có thể bị thiệt hại, chính quyền Trung Quốc có thể gặp phải trở ngại trong hoạt động ở Ukraine.

Động cơ do Motor Sich chế tạo được triển lãm tại Bắc Kinh (Ảnh: Dwnews).

Động cơ do Motor Sich chế tạo được triển lãm tại Bắc Kinh (Ảnh: Dwnews).

Danilov cũng tuyên bố rằng ông phản đối việc sử dụng khái niệm quốc hữu hóa Motor Sich, vì quyền sở hữu Motor Sich sẽ được trả lại cho người dân Ukraine. Ngoài ra, Ukraine đang trong cuộc chiến thông tin với Nga, và Nga đang hợp tác với Trung Quốc để đoạt lấy công ty Motor Sich. Ông nói rằng đối với Ukraine, quốc gia đang có chiến tranh với Nga, một doanh nghiệp quốc phòng quan trọng như Motor Sich sẽ không bao giờ được phép rơi vào tay nước ngoài. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Ukraine sẽ thực hiện một số hợp đồng đã ký với Trung Quốc.

Các quan chức cấp cao như Danilov và Ngoại trưởng Ukraine Dmitro Kuleba đã được nhiều nhà bình luận thời sự gọi là “lực lượng thân phương Tây” xung quanh Tổng thống Zelensky, hoặc “lực lượng yêu nước Ukraine”. Xung quanh ông Zelensky còn có các lực lượng thân Nga. Ukraine gần đây đã bắt đầu mạnh tay loại bỏ ảnh hưởng của Nga, cho thấy các lực lượng thân phương Tây do Danilov và Kuleba đứng đầu đang chiếm thế thượng phong.

Tổng thống Ukraine Zelensky cũng có bài phát biểu vào ngày 12/3. Ông nói rằng các nhà chức trách sẽ kiểm tra và điều tra lý do tại sao các công ty chiến lược như Motor Sich có thể rơi vào tay tư nhân. Ông Zelensky cũng đã tuyên bố trước đó rằng ông sẽ không cho phép người nước ngoài kiểm soát Motor Sich và ngăn chặn việc thất thoát công nghệ động cơ ra nước ngoài.

Hôm 11/3 ông Danilov cũng tuyên bố rằng ngoài Motor Sich, các công ty chiến lược khác cũng có thể bị quốc hữu hóa và nhà chức trách sẽ bồi thường cho các nhà đầu tư và cổ đông có liên quan. Đối với việc quốc hữu hóa Motor Sich, đảng chính trị của ông Zelensky có kế hoạch đệ trình một dự thảo luật đặc biệt lên Quốc hội trong hai đến ba tuần tới.

Ukraine lo ngại Trung Quốc trả đũa, Trung Quốc cũng phụ thuộc vào Ukraine

Sự kiện Motor Sich giờ đã trở thành tâm điểm của xã hội Ukraine. Ngoài lo ngại về việc công nghệ quân sự Ukraine rơi vào tay Trung Quốc, hoạt động quốc hữu hóa còn khiến giới kinh doanh Ukraine lo ngại về khả năng ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác.

Máy bay huấn luyện cao cấp L-15 của Trung Quốc được lắp động cơ của Motor Sich (Ảnh: Dwnews).

Máy bay huấn luyện cao cấp L-15 của Trung Quốc được lắp động cơ của Motor Sich (Ảnh: Dwnews).

Các giới của Ukraine, đặc biệt là giới nông nghiệp, rất lo ngại Trung Quốc có thể có các hành động trả đũa. Một báo cáo do Cục Thống kê Quốc gia Ukraine đưa ra hồi tháng 2 cho biết Trung Quốc đã vượt qua Nga để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine vào năm ngoái. Trung Quốc hiện chiếm hơn 13% thương mại với nước ngoài của Ukraine.

Truyền thông địa phương đưa tin 60% xuất khẩu quặng sắt của Ukraine và nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu như ngô và dầu hướng dương, phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên Trung Quốc cũng phụ thuộc vào Ukraine trong một số lĩnh vực, đặc biệt là động cơ của Motor Sich. Nhiều động cơ của các loại máy bay trực thăng do Nga sản xuất hiện đang được sử dụng với số lượng lớn ở Trung Quốc đều do Motor Sich cung cấp. Động cơ của loại máy bay huấn luyện chiến đấu L-15 Falcon (JL-10) của Trung Quốc dựa vào Motor Sich cung cấp từ lâu. Motor Sich và công ty chị em của nó là Cục thiết kế Ivchenko-Progress ZMKB cũng đã cải tiến và nâng cấp động cơ cho một số phiên bản nâng cấp của Falcon. Loại máy bay trực thăng hạng nặng do Trung Quốc và Nga hợp tác phát triển cũng có thể sử dụng động cơ của Motor Sich.

Truyền thông Ukraine đưa tin, hồi tháng 1, Trung Quốc đã ký hợp đồng trị giá 800 triệu USD với Tập đoàn Motor Sich để mua 400 động cơ AI-322 cho máy bay chiến đấu Falcon. Sau khi Nga sáp nhập Crimea, Motor Sich đã dần mất đi thị trường chính lâu dài là Nga và Trung Quốc hiện là khách hàng chính của Motor Sich.

Việc sắp thành lại hỏng, Ukraine trở thành chiến trường cho tất cả các bên

Trung Quốc gần như đã nắm quyền kiểm soát Motor Sich nhưng bị chặn lại vào phút cuối. Trong sự kiện này, Ukraine cũng trở thành chiến trường của các bên. Một số chính trị gia Ukraine nói rằng đại sứ Trung Quốc ở Kiyev đã đến thăm hầu hết tất cả những người có thể ảnh hưởng đến vụ việc. Các nhà đầu tư Trung Quốc thậm chí còn thuê nhà tài phiệt người Ukraine Yaroslavsky làm “tay trong” để cố gắng kiểm soát và tổ chức lại bộ máy lãnh đạo của Motor Sich, nhưng không thành công.

Mỹ không muốn thấy công nghệ động cơ của Ukraine rơi vào tay Trung Quốc. Nhật Bản từ nhiều năm trước đã tăng cường quan hệ với Ukraine, với hy vọng ngăn chặn việc xuất khẩu công nghệ quân sự của Ukraine sang Trung Quốc. Một số học giả về vấn đề vũ khí của Nga cho rằng lợi ích của Nga lần này gần như trùng khớp với Mỹ. Việc ngăn chặn Trung Quốc kiểm soát Motor Sich có nghĩa là Trung Quốc sẽ phải tiếp tục phụ thuộc Nga trong lĩnh vực động cơ.

Nhưng sự kiện Motor Sich đã phủ bóng đen lên mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ukraine, thậm chí còn dẫn đến mâu thuẫn giữa hai bên ngày càng leo thang, đồng thời cũng đánh dấu kỉ nguyên Trung Quốc có thể dễ dàng thâu tóm công nghệ quân sự của Ukraine trong nhiều thập kỷ đã chấm dứt.

Với việc Ukraine quốc hữu hóa Motor Sich, kỉ nguyên Trung Quốc có thể dễ dàng thâu tóm công nghệ quân sự của Ukraine đã chấm dứt (Ảnh: toutiao).

Với việc Ukraine quốc hữu hóa Motor Sich, kỉ nguyên Trung Quốc có thể dễ dàng thâu tóm công nghệ quân sự của Ukraine đã chấm dứt (Ảnh: toutiao).

Mâu thuẫn leo thang, liệu tổng thống Ukraine có thăm Trung Quốc?

Học giả chính trị Nga Ilya Musin cho rằng, trong mối quan hệ giữa Ukraine và Trung Quốc, Trung Quốc coi trọng hai khía cạnh, thứ nhất là vị trí địa lý của Ukraine, thứ hai là công nghệ quân sự của Ukraine.

Ông Musin nói: "Tầm quan trọng của Ukraine đối với Trung Quốc đồng nghĩa với việc Ukraine gần với EU và là hành lang để hàng hóa Trung Quốc vào EU. Ngoài ra, Trung Quốc luôn đặc biệt quan tâm đến các doanh nghiệp và ngành công nghiệp quân sự của Ukraine".

Bộ Ngoại giao Ukraine hiện đang chuẩn bị chuyến thăm châu Á của Tổng thống Zelensky khi dịch bệnh thuyên giảm, tới các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và có thể cả Hàn Quốc. Các học giả chính trị và một số nhà quan sát cho rằng liệu Zelensky có thể đến thăm Trung Quốc hay không có thể được sử dụng như một chỉ số để phán đoán kết quả của hai bên trong việc xử lý sự kiện Motor Sich và mức độ mâu thuẫn giữa hai bên.

Các nhà đầu tư Trung Quốc như Thiên Kiêu Bắc Kinh đã kiện Ukraine lên Tòa án Trọng tài Quốc tế, yêu cầu Ukraine bồi thường thiệt hại 3,6 tỷ USD. Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng cáo buộc chính quyền Ukraine “hành xử như một vụ cướp đoạt”.