Quyết định hủy hòa đàm Afghanistan: Những bí mật đằng sau hậu trường

VietTimes -- Vào ngày thứ Sáu trước Ngày Lao động Mỹ (năm nay rơi vào 2/9), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã triệu tập các cố vấn hàng đầu tại Phòng Tình huống để bàn về thứ có thể được coi là quyết định khó khăn nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông - một thỏa thuận hòa bình với Taliban sau 18 năm chiến sự đẫm máu ở Afghanistan.
Chấm dứt cuộc chiến kéo dài ở Afghanistan là một trong những ưu tiên của Tổng thống Trump (Ảnh: New York Times)
Chấm dứt cuộc chiến kéo dài ở Afghanistan là một trong những ưu tiên của Tổng thống Trump (Ảnh: New York Times)

Cuộc họp này đã nêu bật một cuộc xung đột gay gắt gây chia rẽ trong hàng ngũ hoạch định chính sách ngoại giao của ông trong suốt nhiều tháng liền, đẩy Ngoại trưởng Mike Pompeo vào chỗ đối đầu với Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton trong một cuộc đấu xem ý kiến của ai sẽ được lắng nghe bởi ông Trump - người luôn đưa ra những quan điểm cứng rắn nhưng cam kết sẽ chấm dứt các cuộc chiến kéo dài của nước Mỹ.

Trong lúc thảo luận về các điều khoản của thỏa thuận, ông Pompeo và nhà đàm phán của ông, Zalmay Khalilzad, nói rằng thỏa thuận này sẽ giúp ông Trump bắt đầu tiến trình rút quân khỏi Afghanistan đồng thời đảm bảo được rằng Taliban sẽ không chứa chấp những kẻ khủng bố. Về phần mình, ông Bolton - lúc đó họp trực tuyến từ Warsaw, Ba Lan - cho rằng ông Trump có thể giữ vững cam kết rút quân của mình mà không cần phải thỏa thuận với những kẻ giết người từng "tắm máu" binh sỹ Mỹ.

Ông Trump không hề đưa ra quyết định, nhưng có một số thời điểm trong cuộc họp này đã nhắc tới việc hoàn tất các vòng đàm phán ngay tại Washington. Ông Trump còn gợi mở khả năng ông sẽ mời cả Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani - người vốn không tham gia quá trình đàm phán với Taliban - tới Washington để ký kết thỏa thuận.

Trong vài ngày sau đó, ông Trump còn đưa ra ý tưởng thậm chí còn táo bạo hơn - không chỉ mời Taliban tới Washington mà tới Trại David, vốn được xem như viên ngọc quý của các đời Tổng thống Mỹ. Theo ý tưởng này, các thủ lĩnh của một tổ chức phiến quân vốn bị Mỹ coi như những kẻ khủng bố sẽ được đón tiếp tới tại nơi vốn chỉ dành cho các vị Tổng thống, Thủ tướng hay nhà vua vào thời điểm chỉ 3 ngày trước lễ kỷ niệm sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001, sự kiện đã dẫn tới cuộc chiến ở Afghanistan.

Ý tưởng của ông Trump đã tạo động lực cho hàng loạt các hoạt động ngoại giao để đẩy nhanh tiến trình hòa bình. Phi vụ này có thể mang lại đầy đủ mọi lợi ích mà ông Trump mong muốn - tham vọng có được một phần thưởng lớn, hoàn thành một sứ mệnh mà các đời Tổng thống trước không thể, sự sẵn lòng lật đổ truyền thống...

Ngoại trưởng Pompeo (trái) và Cố vấn an ninh quốc gia Bolton bất đồng về thỏa thuận hòa bình (Ảnh: New York Times)
Ngoại trưởng Pompeo (trái) và Cố vấn an ninh quốc gia Bolton bất đồng về thỏa thuận hòa bình (Ảnh: New York Times)

Một thỏa thuận... gần đạt được

Đối với ông Trump, chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông kể từ khi nhậm chức, một thành tựu ghi dấu ấn có thể giúp ông tái đắc cử trong năm tới. Trong suốt gần 1 năm liền, nhà đàm phán Khalilzad - cựu Đại sứ Mỹ tại Afghanistan - đã tham gia vào các vòng đàm phán với Taliban để biến điều đó thành hiện thực.

Trong mấy tuần gần đây, sau 9 vòng đàm phán đầy khó khăn tại Doha, Qatar, dường như Mỹ và Taliban đã giải quyết được gần như toàn bộ các vấn đề bất đồng giữa họ. Ông Khalilzad còn tuyên bố rằng văn bản thỏa thuận hòa bình đã được hoãn tất "trên nguyên tắc".

Thỏa thuận này quy định Mỹ sẽ rút dần dần 14.000 binh sỹ còn lại ở Afghanistan trong vòng 16 tháng, khoảng 5.000 trong số này phải rời khỏi trong vòng 135 ngày. Đổi lại, Taliban sẽ đảm bảo các biện pháp chống khủng bố để giảm nỗi lo ngại của người Mỹ về một sự kiện tương tự như vụ khủng bố ngày 11/9.

Thế nhưng các vòng đàm phán này lại gạt phăng Chính phủ Afghanistan, bởi vậy mà Tổng thống Ghani cùng các quan chức dưới quyền đã chỉ trích nó là thiếu đi các biện pháp đảm bảo sự ổn định của nước nhà. Trong nước, ông Trump cũng liên tục nhận được lời cảnh báo từ thượng nghị sỹ Lindsey Graham, Tướng Jack Keane - cựu Phó Tham mưu trưởng quân đội Mỹ - và Tướng David Petraeus.

Ông Bolton là tiếng nói tiên phong chống lại thỏa thuận với Taliban trong nội bộ chính quyền Trump, trong khi các đồng minh của ông Pompeo cố gắng cô lập vị Cố vấn An ninh Quốc gia này. Ông Bolton cho rằng ông Trump chỉ cần rút 5.000 binh sỹ và duy trì số binh sỹ còn lại để hỗ trợ các nỗ lực chống khủng bố mà không cần phải thỏa thuận với Taliban - tổ chức mà ông Bolton cho rằng không thể tin tưởng được.

Trong một cuộc phỏng vấn hôm Chủ nhật vừa qua, nghị sỹ Graham nói rằng ông đồng tình với mong muốn "chấm dứt cuộc chiến giữa Taliban và người dân Afghanistan ở Afghanistan" của ông Trump. Tuy nhiên, ông thêm rằng không có thỏa thuận nào lại có thể bao gồm việc rút toàn bộ binh sỹ Mỹ hay tin tưởng rằng Taliban sẽ chống lại al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

"Lời khuyên của tôi dành cho chính quyền là, hãy tập trung vào việc tăng cường mối quan hệ của chúng ta với Pakistan" - ông Graham nói, thêm rằng có thể là bằng một thỏa thuận thương mại tự do. Ông cho rằng cần phải khiến cho Taliban hiểu rằng chúng không thể tìm được một nơi an toàn ở Pakistan.

Ông Zalmay Khalilzad, nhà đàm phán hàng đầu của Mỹ, từng tuyên bố thỏa thuận hòa bình đã hoàn tất
Ông Zalmay Khalilzad, nhà đàm phán hàng đầu của Mỹ, từng tuyên bố thỏa thuận hòa bình đã hoàn tất "về nguyên tắc" (Ảnh: New York Times)

Điểm bất đồng

Khi ông Khalilzad rời khỏi Doha sau vòng đàm phán mới đây nhất trong hôm 1/9, tức 2 ngày sau cuộc họp tại Phòng Tình huống, ông và các đối tác Taliban đã hoàn tất một văn bản thỏa thuận, theo một số người liên quan. Lãnh đạo của cả hai phía trao bản sao của văn bản trên cho nước chủ nhà Qatar.

Trước khi cuộc họp này kết thúc, ông Khalilzad đã đưa ra ý tưởng mà ông Trump đề xuất về việc các thủ lĩnh Taliban tới Washington. Các thủ lĩnh Taliban nói họ chấp nhận đề xuất - miễn là chuyến đi này diễn ra sau khi thỏa thuận được công bố.

Và đây chính là điểm chia rẽ căn bản đóng góp vào sự sụp đổ của các vòng đàm phán.

Tổng thống Trump không hề muốn cuộc họp tại Trại David trở thành lễ ăn mừng thỏa thuận hòa bình. Dù không nắm được chi tiết về những nỗ lực phi thường để đạt được hòa bình trong một khu vực đầy phức tạp, nhưng ông Trump muốn trở thành người kiến tạo thỏa thuận, và tự tay tham gia vào những phần cuối cùng của thỏa thuận, hoặc ít nhất là khiến người ta nghĩ vậy.

Ý tưởng ban đầu là ông Trump sẽ tổ chức các cuộc gặp riêng rẽ tại Trại David với Taliban và với Tổng thống Ghani, và hướng tới một giải pháp mang tính toàn cầu hơn.

Dù cho các vòng đàm phán đã khép lại ở Doha, nhưng Đại sứ Mỹ tại Afghanistan đã phải tới tận Phủ Tổng thống Afghanistan ở thủ đô Kabul để trao lời mời tới Trại David của ông Trump cho ông Ghani - theo giới chức Afghanistan.

Chi tiết về sự việc này đã được cả phía Mỹ và Tổng thống Afghanistan công bố, khi mà ông Khalilzad từ Doha tới Kabul để tổ chức tới 4 vòng đàm phán với ông Ghani về đề xuất mà ông Trump đưa ra. Theo kế hoạch ban đầu, một chiếc máy bay sẽ được điều tới để đưa ông Ghani cùng phái đoàn của ông tới nước Mỹ.

Các Bộ trưởng trong nội các của ông Ghani sớm đã biết được thông tin phái đoàn của Taliban có khả năng cao cũng tới Trại David, nhưng lại không nắm rõ chi tiết. Họ có 3 ưu tiên chính: Kỳ bầu cử Tổng thống dự kiến tổ chức vào ngày 28/9, làm sao để các vòng đàm phán hòa bình cần phải có sự tham gia của họ và làm sao để họ tăng cường các lực lượng an ninh trong nước để giảm phụ thuộc vào nước Mỹ.

Hiểu rõ được tầm quan trọng của sự kiện này đối với nước Mỹ, ông Ghani đã đề nghị Mỹ cho phép Cố vấn an ninh quốc gia của ông là ông Hamdullah Mohib đi cùng trong chuyến thăm, và nhận được sự chấp thuận của Washington. Được biết, ông Mohib là người bị tẩy chay khỏi các cuộc họp của Mỹ sau khi lên tiếng chỉ trích tiến trình hòa bình mà Washington vạch ra.

Phái đoàn đàm phán của Taliban ở Doha, Qatar hồi tháng 7 (Ảnh: AFP)
Phái đoàn đàm phán của Taliban ở Doha, Qatar hồi tháng 7 (Ảnh: AFP)

Trong suốt nhiều tháng liền, Mỹ đã nắm giữ chiến dịch tái tranh cử của ông Ghani như "con tin" để ông ủng hộ một thỏa thuận hòa bình mà Mỹ cho là sắp đạt được đến nơi. Bởi vậy mà ông Ghani buộc phải vờ rằng kỳ bầu cử trong tháng 9 vẫn diễn ra như kế hoạch bằng cách cứ vài ngày lại tổ chức một sự kiện chiến dịch thông qua video chat. Bởi nếu Mỹ và Taliban hoàn tất thỏa thuận hòa bình, cuộc bầu cử gần như chắc chắn phải dời lại.

Nếu ông Ghani từ chối tham dự cuộc họp tại Trại David, ông sẽ bị coi như kẻ phá hoại hòa bình, một quan chức cấp cao Afghanistan cho hay. Bởi vậy ông Ghani nắm lấy cơ hội của mình; dù sao thì cuộc họp trên cũng được tổ chức bởi một đồng minh và nó có thể giúp ông làm rõ xem thỏa thuận hòa bình có thực sự đạt được? Và kỳ bầu cử ở Afghanistan có thể tiến hành như kế hoạch?

Tình trạng đổ máu leo thang

Thế nhưng các thủ lĩnh của Taliban - những người từ chối đàm phán trực tiếp với Chính phủ Afghanistan cho đến khi đã đạt được thỏa thuận với Mỹ - nói rằng người Mỹ đang lừa họ vào một vụ tự sát chính trị.

Hôm Chủ nhật tuần trước, một thủ lĩnh Taliban nói rằng ông Trump đang tự lừa dối bản thân khi nghĩ rằng ông có thể mang cả Taliban và ông Ghani tới họp chung tại Trại David, "bởi chúng tôi không phát hiện ra chính phủ bù nhìn" ở Kabul.

Lúc bấy giờ phía Mỹ cũng đang gấp rút giải quyết một số vấn đề ngay trong lúc chỉ còn vài ngày là tới cuộc họp tại Trại David. Một trong số những vấn đề đó là bất đồng liên quan tới việc trả tự do cho hàng nghìn tù binh Taliban trong các nhà tù ở Afghanistan.

Giới chức Afghanistan nói rằng người Mỹ đã tước đoạt tự do đàm phán của họ khi đại diện cho họ để đồng ý trả tự do cho số tù binh trên. Chính phủ của ông Ghani cho rằng đó là điều không thể chấp nhận, nói rằng họ sẽ chấp nhận trả tự do tù binh chỉ khi Taliban đáp lại bằng một lệnh ngừng bắn kéo dài - điều mà nhóm phiến quân không hề muốn làm trong lúc đàm phán với Mỹ, bởi coi các vụ bạo lực mà chúng thực hiện như "quân bài" đàm phán.

Cần nhớ rằng, các vòng đàm phán cuối cùng diễn ra ngay trong bối cảnh tình trạng đổ máu leo thang. Đáp trả trước các vụ tấn công mà Taliban thực hiện, các nhà đàm phán Mỹ nêu rõ rằng họ ưu tiên việc đạt được thỏa thuận hòa bình hơn, chứ không muốn tẩy chay đàm phán. Cùng lúc, quân đội Mỹ cũng đẩy mạnh các chiến dịch quân sự trên chiến trường Afghanistan.

Khi ông Khalilzad và Tướng Austin S. Miller - chỉ huy lực lượng Mỹ ở Afghanistan - trở về từ Doha vào hôm thứ Năm tuần trước, cũng là lúc mà văn bản thỏa thuận đang trong giai đoạn hoàn tất các chỉnh sửa về mặt kỹ thuật. Các nhà đàm phán của Taliban lúc đó không phát hiện ra thiếu sót gì và sau đó đăng tải trên Twitter rằng bầu không khí làm việc rất tốt.

Phơi bày

Nhưng cùng ngày hôm đó, nhiều cố vấn nói với ông Trump về thông tin một vụ đánh bom tự sát khiến 1 binh sỹ Mỹ và 11 người khác thiệt mạng ở Kabul, Afghanistan. Thời điểm đó, theo một số quan chức cấp cao, ông Trump cùng đội ngũ của mình cuối cùng đã đi đến cùng một quan điểm chung: Ông Trump không thể đón tiếp các thủ lĩnh của Taliban tới Trại David vào thời điểm chỉ vài ngày sau khi một công dân Mỹ bị sát hại.

"Hủy nó đi, chúng ta không thể làm vậy" - ông Trump lúc đó nói với các cố vấn, theo một quan chức giấu tên.

Phía Nhà Trắng không đưa ra một thông báo nào. Đến hôm thứ Sáu, tại Kabul, giới chức chính quyền Ghani nói trước báo giới rằng ông có kế hoạch tới Mỹ, thế nhưng chỉ vài giờ sau đó đã thông báo rằng chuyến đi đã bị hủy.

Chính quyền Tổng thống Ashraf Ghani, bên bị loại khỏi tiến trình đàm phán Mỹ-Taliban (Ảnh: New Yokr Times)
Chính quyền Tổng thống Ashraf Ghani, bên bị loại khỏi tiến trình đàm phán Mỹ-Taliban (Ảnh: New Yokr Times)

Nhưng vào thời điểm đó, chưa có thông tin chính thức nào được đăng tải. Chỉ mãi đến khi ông Trump viết trên Twitter để tiết lộ về cuộc gặp bí mật mà ông định tổ chức tại Trại David, có cả Taliban và Tổng thống Ghani tham dự - nhưng sau đó đã hủy do vụ đánh bom xe - vào tối hôm thứ Bảy tuần trước, câu chuyện mới được phơi bày.

Đoạn tweet này đã khiến rất nhiều quan chức trong chính quyền Trump bất ngờ. Một số quan chức nói rằng ông Trump không có lý do gì để công khai thông tin về cuộc gặp bí mật đó, đặc biệt là khi mà ông vẫn chưa từ bỏ ý tưởng về việc đạt được một thỏa thuận.

Vài giờ sau, Ngoại trưởng Pompeo đến thăm căn cứ không quân Dover để tiếp nhận thi thể của Elis Angel Barreto Ortiz, binh sỹ Mỹ thiệt mạng trong vụ đánh bom tự sát ở Kabul. Sự xuất hiện của một vị Ngoại trưởng như ông tại đây là điều khá bất thường, nghi lễ tiếp nhận này thường được tham dự bởi Tổng thống hoặc Bộ trưởng quốc phòng.

Hôm Chủ nhật, sau khi đội ngũ đàm phán tổ chức cuộc họp khẩn nội bộ tại Doha, Taliban nói rằng quyết định hủy đàm phán của ông Trump sẽ chỉ gây tổn hại cho nước Mỹ. Chính phủ Afghanistan thì đổ lỗi cho Taliban, nói rằng tình trạng bạo lực mà nhóm này reo rắc đã khiến tiến trình hòa bình tê liệt.

Nhưng giới chức Mỹ nhấn mạnh rằng động lực của họ không hề biến mất và thỏa thuận hòa bình hiện nay trong trạng thái không được chấp nhận nhưng cũng không bị bác bỏ. Với Tổng thống Trump, điều gì cũng có thể xảy ra. Nhưng ít nhất là trong thời điểm hiện tại, tất cả các bên gần như có thể chắc chắn một điều: Tình trạng bạo lực sẽ gia tăng. Và cuộc chiến ở Afghanistan sẽ tiếp diễn.

Theo New York Times