"Hãy nhìn xem, chúng tôi ở đó là có lý do, chúng tôi không muốn nơi đó trở thành phòng thí nghiệm...nó không thể trở thành phòng thí nghiệm của khủng bố. Và chúng tôi đã ngăn chặn được điều đó, chúng tôi có quan điểm rất, rất tốt" - ông Trump nói trước báo giới trước khi rời New Jersey để trở về Washington.
Bình luận trên được ông Trump đưa ra sau khi ông gặp gỡ các cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu tại Bedminster, New Jersey để xem xét về kế hoạch hòa bình Mỹ-Taliban giúp chấm dứt cuộc chiến dài kỳ nhất của Mỹ.
"Chúng tôi đang theo dõi tình hình ở Afghanistan. Chúng tôi đang đối thoại với Afghanistan, cả chính phủ và Taliban, và có các cuộc thảo luận rất tốt. Hãy chờ xem điều gì xảy ra... Chúng tôi sẽ quyết định xem liệu có nên ở đó lâu hơn hay không" - ông Trump nói.
Giới phê bình cho rằng việc Mỹ rút hết binh lực khỏi Afghanistan sẽ bị coi là một thất bại của nước Mỹ và lo sợ rằng chính phủ Afghanistan sẽ phản bội lại Mỹ. Hôm Chủ nhật tuần trước, ông Trump nói rằng chính phủ Mỹ có "các cuộc thảo luận rất tốt" với cả chính phủ Afghanistan và Taliban, tuy nhiên thêm rằng ông chưa tin tưởng vào nhóm phiến quân này.
"Tôi không tin tưởng bất cứ ai" - ông nói - "Tình trạng ở Afghanistan hiện nay là rất đáng sợ".
Thiếu sót nghiêm trọng
Kế hoạch hòa bình dự kiến sẽ hợp thức hóa việc Mỹ rút binh lính khỏi Afghanistan - từ 15.000 binh sỹ xuống còn khoảng 8.000 - 9.000 binh sỹ - và đổi lại, Taliban cam kết sẽ hỗ trợ các nỗ lực chống khủng bố ở nước này; theo nhiều nguồn tin hiểu biết về kế hoạch này.
Dù thỏa thuận này còn bao gồm nhiều điều khoản khác - như lệnh ngừng bắn giữa Mỹ và Taliban - nhưng lại bỏ sót một điều quan trọng: Nó không đảm bảo rằng Taliban sẽ ngừng tấn công thường dân và binh sỹ Afghanistan.
Taliban vốn không công nhận chính phủ Afghanistan - bên đã bị gạt ra khỏi các vòng đàm phán giữa Mỹ và Taliban ở Qatar. Dù một số chi tiết của thỏa thuận hòa bình vẫn còn đang trong quá trình thảo luận, nhưng các nguồn thạo tin nói rằng kế hoạch này đã hoàn thiện tới 99%.
Việc Taliban chỉ một mực cam kết thực thi lệnh ngừng bắn với Mỹ là một chướng ngại lớn trong tiến trình đàm phán, một nguồn tin giấu tên nói với CNN. Do thỏa thuận an ninh song phương giữa Mỹ và chính phủ Afghanistan quy định Mỹ phải hỗ trợ các đối tác Afghanistan trên chiến trường, nên việc Taliban chỉ cam kết ngừng bắn với Mỹ khiến việc ký kết thỏa thuận trở nên phức tạp.
"Lực lượng cảnh sát"
Khi được hỏi về lý do Mỹ duy trì hiện diện quân sự ở Afghanistan, Tổng thống Trump nói rằng sự hiện diện đó như một dạng "lực lượng cảnh sát". "Chúng tôi muốn có một lực lượng cảnh sát, thực chất là như vậy. Tôi nghĩ rằng điều đó rất quan trọng" - ông Trump nói.
cuộc chiến ở Afghanistan hiện là cuộc chiến kéo dài nhất của Mỹ và giờ đang lâm thế bế tắc, khi mà cả hai bên đều không đủ khả năng thể đánh bại bên còn lại, trong khi vô số thường dân trở thành nạn nhân của xung đột. Các vụ tấn công do Taliban tổ chức vẫn không giảm trong những tháng gần đây, dù cho Mỹ đang nỗ lực đàm phán với nhóm này.
Thứ Bảy tuần trước một vụ đánh bom tự sát đã xảy ra tại sảnh một đám cưới ở thủ đô Kabul khiến 62 người thiệt mạng và 182 người khác bị thương. Rất nhiều trong số đó là phụ nữ và trẻ em. Phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tuyên bố nhận trách nhiệm, nói rằng một chiến binh người Pakistan của tổ chức đã kích nổ khối thuốc nổ gắn trên người ngay trong một buổi tụ họp đông người Hồi giáo dòng Shi'ite - theo chuyên trang theo dõi khủng bố SITE.
Ngày 7/8, Taliban tuyên bố nhận trách nhiệm một vụ đánh bom tự sát, trong đó một chiếc xe chứa đầy chất nổ được sử dụng để tấn công các lực lượng an ninh ở Kabul, khiến 14 người thiệt mạng và 145 người bị thương - phần lớn là trẻ em, phụ nữ và thường dân.