Quy hoạch Thủ Thiêm: "TP. HCM không thể muốn làm gì cũng được“

VietTimes -- “Giả sử thẩm quyền quyết định Quy hoạch Thủ Thiêm thuộc về TP HCM thì cũng không có nghĩa là TP muốn làm gì cũng được. Việc quy hoạch đó phải báo cáo Chính phủ, vì đây là vấn đề tầm nhìn không chỉ của TP mà của cả một quốc gia”, Tiến sỹ Luật, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Lưu Bình Nhưỡng trả lời VietTimes.
ĐBQH tỉnh Bến Tre Lưu Bình Nhưỡng.
ĐBQH tỉnh Bến Tre Lưu Bình Nhưỡng.

- Ông đánh giá thế nào về vụ việc khiếu kiện đông người liên quan đến công tác quy hoạch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang diễn ra hiện nay?

Tôi rất chia sẻ với những gì bà con khiếu nại, tố cáo nhiều năm ở Thủ Thiêm đã trải qua, cả những người đã đi khỏi Thủ Thiêm và những người đang cố thủ tại Thủ Thiêm theo đúng nghĩa.

Đòi hỏi của người dân là đòi hỏi chính đáng nên các cơ quan Đảng, Nhà nước phải trả lời chứ không phải muốn trả lời hay không cũng được.

Đáng tiếc là trong rất nhiều năm vừa qua chúng ta đã không giải quyết rốt ráo, không giải quyết đoàng hoàng về vấn đề này. Nhiều bà con không chỉ khiếu nại, tố cáo ở TP HCM mà đã ra cả Trung ương, Hà Nội.

Tôi cho rằng cấp ủy, chính quyền TP HCM thời gian qua đã có sự chỉ đạo, giải quyết không rốt ráo vấn đề này.

- Hiện có nhiều quan điểm cho rằng cần phải có Bản đồ Quy hoạch 1/5000 Thủ Thiêm để giải quyết vụ việc, theo ông điều này có cần thiết hay không?

Ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND TP HCM đã nói rất rõ về vấn đề này, ông ấy là người trực tiếp chỉ đạo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để ra được Quyết định 367 (Quyết định số 367/QĐ-TTg, ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng KĐT mới Thủ Thiêm - PV).

Vậy câu chuyện có hay không có bản đồ đó không quan trọng mà điều quan trọng là chúng ta đã thực hiện Quyết định 367 năm 1996 của Thủ tướng như thế nào? Việc ra Quyết định 6565 của TP HCM (Quyết định số 6565/QĐ-UBND, ngày 27/12/2005 của UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5.000 - PV) có đúng với tinh thần luật pháp cũng như có vấn đề gì trái với Quyết định 367 hay không? Đồng thời, có những thay đổi, điều chỉnh đó thì TP HCM đã giải quyết vấn đề đó như thế nào?

Như ý kiến của ông Thanh, quy hoạch Thủ Thiêm là quy hoạch có tầm nhìn lâu dài. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến khác cho rằng ở đây quy hoạch trung tâm tài chính, thương mại chứ không phải quy hoạch để xây dựng nhà ở thương mại như bây giờ. Ngoài ra, còn có vấn đề về dự án 12.000 tỷ cho hơn 11km đường thì như thế nào. Cho nên tất cả những vấn đề đó phải đánh giá nghiêm túc.

Quy hoạch Thủ Thiêm: "TP. HCM không thể muốn làm gì cũng được“ ảnh 1
Khu đô thị mới Thủ Thiêm được kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ quốc tế và đô thị đẹp nhất khu vực Đông Nam Á.

- Việc Quyết định 6565 của TP HCM ra sau nhưng thay thế Quyết định 367 của Thủ tướng chưa hề có trong tiền lệ, ông đánh giá thế nào về tính pháp lý của QĐ này?

Tôi chưa đánh giá được, vì tôi chưa nghiên cứu kỹ vấn đề này. Chính vì vậy các cơ quan có thẩm quyền của TP HCM và của cả Chính phủ cần phải xem xét lại việc ra quyết định 6565, đồng thời cần phải xem xét lại không chỉ là vấn đề thẩm quyền hợp pháp, mà cần xem xét cả tính hợp lý của việc quy hoạch Thủ Thiêm này có đúng với tinh thần quy hoạch đặt ra ngay từ trước mà TP HCM đã báo cáo Thủ Tướng Chính phủ mà Thủ tướng đã phê duyệt theo quyết định 367 hay không.

Giả sử thẩm quyền quyết định quy hoạch Thủ Thiêm thuộc về TP HCM thì điều đó cũng không có nghĩa là TP muốn làm gì cũng được. Việc quy hoạch đó phải báo cáo Chính phủ vì đây là vấn đề tầm nhìn không chỉ của TP mà của cả một quốc gia.

- Nhiều ý kiến hoài nghi việc có hay không “lợi ích nhóm” trong việc triển khai thực hiện dự án Khu đô thị Thủ Thiêm, quan điểm của ông như thế nào?

Câu chuyện về lợi ích nhóm tôi chưa thể phát biểu được, vì tôi chưa có nhiều thông tin để điều tra vấn đề này. Chính vì vậy, tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền phải xem xét lại các đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân vì người ta nói là có lợi ích nhóm, có tham nhũng thì phải điều tra trả lời thấu đáo cho người dân. Có hay không đều phải nói chứ không thể nói thiếu trách nhiệm về vấn đề này được.

- Với thực tế tại dự án Khu đô thị Thủ Thiêm đang rối như vậy, theo ông các cơ quan chức năng cần giải quyết thế nào?

Tôi cho rằng khi giải quyết nguyện vọng của người dân, đồng thời chúng ta đang giải quyết vấn đề quy hoạch và tầm nhìn của TP HCM, không chỉ lợi ích thông thường của người dân.

Nếu quyết định của cơ quan chức năng trước đây đúng đắn, hợp lý, đúng pháp luật thì người dân sẽ ủng hộ. Người dân ở đây không đòi quyền lợi theo kiểu bo bo không đúng mà người ta đòi hỏi phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, thực hiện làm sao đó để không có tham nhũng trong dự án này.

Còn phương pháp như thế nào, biện pháp nào giải quyết sự việc này thì cơ quan chức năng phải tham mưu cho Thủ tướng kể cả TP HCM, cũng như các bộ, ngành. Chúng ta chưa nói được biện pháp nào đúng cả nhưng phải tham mưu cho Thủ tướng.

Nhưng vấn đề cốt lõi là Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu đầu tiên phải giải quyết kịp thời ý kiến, nguyện vọng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Vì vậy chúng ta phải bám chắc và đây là là trụ cột chính để xử lý vụ việc này. Tôi hoàn toàn ủng hộ chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình.

Tháng 7/2016 Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu UBND TP. HCM chỉ đạo kiểm tra hồ sơ lưu trữ xác định rõ, có hay không có Bản đồ quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm, tỷ lệ 1/5.000 theo Quyết định số 367/QĐ-TTg ngày 4/6/1996.

Phó Thủ tướng chỉ đạo, căn cứ vào quy hoạch dự án theo Quyết định 367/QĐ-TTg cơ quan chức năng phải kiểm tra, rà soát diện tích đất thu hồi của các hộ dân có hay không nằm trong quy hoạch, thống nhất biện pháp giải quyết và trả lời công dân.

Trong trường hợp diện tích thu hồi của các hộ dân nằm trong quy hoạch của dự án phải có biện pháp bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công dân. Trường hợp diện tích đất thu hồi của các hộ dân không nằm trong quy hoạch thì việc xử lý cũng phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo xem xét và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm liên quan đến việc thực hiện dự án.

Xin cảm ơn ông!